Xôi Phú Thượng: Tinh tế hương sắc Tràng An

NAM GIAO 06:19, 20/06/2024

Hương xôi lan tỏa bốn mùa Kẻ Gạ. Hàng trăm năm qua, xôi Phú Thượng đã làm nên hương sắc Tràng An. Vị thơm ngon của xôi và tình người Kẻ Gạ trở thành chất keo bền chặt hấp dẫn thực khách.

Gánh xôi làng Phú Thượng
Gánh xôi làng Phú Thượng

Với người Hà Nội, xôi làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã trở nên thân quen. Chỉ cần nhìn hạt xôi căng mọng, dẻo thơm, những người sành ăn biết ngay nguồn gốc món xôi nức tiếng thơm ngon này.  

Qua hàng ngàn năm lịch sử, nước mát của dòng Nhị Hà và phù sa màu mỡ đã tạo cho làng bãi bồi xanh biếc nương dâu và một cánh đồng mênh mông lúa chín. Nền nông nghiệp chủ yếu là cây lúa nước đã tạo ra những hạt nếp cái hoa vàng bóng bẩy, với bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị chế biến thành những món quà, các loại bánh và đặc biệt là những hạt xôi thơm dẻo, đã trở thành đặc sản nức tiếng Hà thành…

Dẫu hôm nay, đã trở thành “làng trong phố” thì nghề bao đời của làng Gạ vẫn được tiếp nối, hương xôi vẫn lan tỏa phố phường Thủ đô, vẫn từng ngày đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người Hà Nội. Như được trời phú cho nghề, nên người làng Gạ coi đồ xôi là một nghề gia truyền. Để có một chõ xôi ngon đậm chất xôi Phú Thượng, người làng Gạ phải bỏ ra nhiều công phu với lắm công đoạn.

Đầu tiên là gạo. Người làm chọn những hạt nếp cái hoa vàng tròn, mẩy, không được để lẫn gạo tẻ rồi đem ngâm khoảng 4, 5 tiếng. Tiếp đó vo sạch rồi để ráo nước. Muốn xôi ngon đúng điệu phải đồ hai lần lửa. Xôi đồ lần thứ nhất từ chiều hôm trước, đạt độ chín khoảng 80% rồi dỡ ra giá cho nguội và ráo nước. Đến độ 3 giờ sáng hôm sau, đem đồ lần thứ hai cho chín tới, hạt xôi vừa săn vừa dẻo. Khi đồ, phải giữ cho lửa đều, hơi nhiều, hạt gạo lúc chín phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ. Và ở mỗi món xôi lại có một cách đồ riêng và cách nào cũng thật tỉ mẩn, chi tiết…

Thúng xôi ngày xưa chỉ có xôi đậu xanh, xôi gấc. Còn ngày nay, xôi Kẻ Gạ đã phong phú hơn với những loại xôi mới như: Xôi vừng dừa, xôi xéo, xôi lạc, xôi vò, xôi lúa (xôi ngô)… Xôi Kẻ Gạ không lẫn được vào đâu còn bởi mùa nào gói xôi lá ấy. Người làng Gạ chọn gói xôi bằng một thứ lá đặc trưng: lá sen, lá dong bánh tẻ, lá chuối. Mùi xôi thơm phức hòa quyện với mùi lá làm người ta muốn ăn ngay lập tức. 

Mấy thế hệ người làng Phú Thượng đã chắt lọc, tạo hồn cho những thúng xôi, cho một thức quà sáng bình dân. Xôi ăn sáng, xôi làm cỗ cưới, cỗ sinh nhật, làm tiệc chiêu đãi, thậm chí cả xôi làm quà biếu... Thương hiệu xôi làng Phú Thượng đã và đang làm phong phú hơn nét ẩm thực Hà thành. Trải qua bể dâu, đến nay, người dân làng Gạ vẫn giữ gìn và phát triển nghề. Làng đã được thành phố công nhận “Làng nghề truyền thống” năm 2016. Đặc biệt, mới đây, "Nghề làm xôi Phú Thượng" đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, cả làng Phú Thượng lại nhộn nhịp với Lễ hội truyền thống xôi. Với người dân nơi đây, Lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng  diễn ra là dịp để người dân tỏ lòng thành kính với Thành Hoàng làng, các tiền nhân đi trước đã tạo dựng và truyền nghề để con cháu đời nối đời bảo ban nhau cùng giữ nếp làng, nếp nghề.

Gánh xôi đời người của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình của làng Gạ xưa qua cơn đói kém mà ngày nay còn giúp họ làm giàu. Vinh danh để cái đẹp được lưu truyền, vinh danh cũng để làng nghề có thêm cơ hội phát triển, làng nghề xôi Phú Thượng không nằm ngoài những mong muốn đó.

Những mâm xôi kết tinh từ tinh hoa trời, đất cùng với tài hoa sáng tạo của con người hứa hẹn mang đến một mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho ngôi làng ven đô. Thực khách bốn phương có thêm cơ hội thưởng thức món ăn quyến rũ từ hương xôi thơm nồng, căng tròn Kẻ Gạ.