Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới; khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo... với định hướng phát triển và liên kết phát triển du lịch theo 6 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Lâm Đồng nằm trong định hướng phát triển và liên kết phát triển du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” |
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng các dân tộc. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch về nguồn; du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử, du lịch trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái núi, sinh thái hồ...
Đồng thời, tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Sơn La - Yên Bái; Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang; Lào Cai - Phú Thọ - Yên Bái; Cao Bằng - Lạng Sơn; Thái Nguyên - Tuyên Quang. Liên kết với vùng Đồng bằng sông Hồng, với Trung Quốc và CHDCND Lào theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc (hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội).
Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di sản thế giới, các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên biển, đảo, hệ sinh thái đa dạng, các đô thị. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: tham quan và trải nghiệm di sản thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); du lịch tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng dân gian; du lịch làng nghề, lễ hội; du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm...
Lâm Đồng sẽ cùng với vùng Tây Nguyên phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng... |
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Quảng Ninh - Hải Phòng; Thái Bình - Nam Định. Liên kết với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với Trung Quốc theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình); với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc (hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội).
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển, đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch “Con đường di sản miền Trung”; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Song song với đó là tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị; Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Quảng Ngãi - Phú Yên - Bình Định; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Liên kết với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông; với vùng Tây Nguyên theo hành lang du lịch Đông - Tây (miền Trung).
Vùng Tây Nguyên sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên vùng đất cao nguyên, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”; du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái; Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Gia Lai - Kon Tum; Lâm Đồng; Đắk Lắk - Đắk Nông. Liên kết với vùng Đông Nam Bộ theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Tây; với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với CHDCND Lào theo hành lang du lịch Đông - Tây (miền Trung).
Vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển, đảo. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng: du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Đồng Nai - Bình Dương; Bình Phước - Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu. Liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây; với Campuchia theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí; Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang - Đồng Tháp - Long An; Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Kiên Giang - Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam Bộ theo các hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin