Gỡ “vướng” cho du lịch nông nghiệp (Bài 1)

LÊ HOA 05:45, 05/09/2024

Bài 1: Du lịch canh nông - thương hiệu Du lịch nông nghiệp của Lâm Đồng

Du lịch canh nông được chính quyền tỉnh Lâm Đồng lựa chọn đặt tên cho loại hình du lịch nông nghiệp từ năm 2016, với Đề án thí điểm Xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Du lịch canh nông ở Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, trở thành một thương hiệu du lịch mới lạ, nhưng độc đáo và hấp dẫn... cho đến cuối năm 2023, sau Quyết định số 2386/QĐ-UBND (ngày 4/12/2023) chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

Khu vườn cổ tích gắn với quá trình trải nghiệm sản xuất rượu vang và trà Atiso ở Công ty TNHH Vĩnh Tiến, luôn là điểm đến yêu thích của du khách
Khu vườn cổ tích gắn với quá trình trải nghiệm sản xuất rượu vang và trà Atiso ở Công ty TNHH Vĩnh Tiến, luôn là điểm đến yêu thích của du khách

DU LỊCH NÔNG NGHIỆP - XU HƯỚNG CỦA DU LỊCH

Du lịch nông nghiệp hay du lịch canh nông là một loại hình du lịch; hiểu đơn giản là sự giao thoa giữa du lịch và nông nghiệp ở các vùng nông thôn, mang lại lợi ích cho cả ngành Nông nghiệp và Du lịch, cũng như cộng đồng dân cư ở vùng sản xuất nông nghiệp. Trong đó, du khách được trải nghiệm những hoạt động liên quan đến quy trình sản xuất nông nghiệp (trồng, chăm sóc cây, vật nuôi; thu hái, chế biến...) trải nghiệm văn hoá, thiên nhiên, cuộc sống ở vùng nông thôn... 

Du lịch nông nghiệp với tài nguyên du lịch chính là quy trình sản xuất nông nghiệp và nông sản, cần có cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho mục đích du lịch, như: nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, không gian vui chơi, trải nghiệm của khách du lịch tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, du lịch nông nghiệp có những biến đổi, hoặc liên kết, để phù hợp hơn bởi sự giao thoa với các loại hình du lịch khác, như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái,... tạo nên những đặc trưng khác biệt cho du lịch nông nghiệp ở các địa phương.

Du lịch nông nghiệp đang là một xu hướng cho du lịch Việt Nam, nhờ khai thác lợi thế, giá trị khác biệt, nổi bật của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn... Du lịch nông nghiệp cũng góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới..., một cách tích cực. Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa, giúp du khách vừa được tận hưởng phong cảnh thanh bình, yên ả của vùng nông thôn và được trải nghiệm công việc ở vườn ruộng, đồng áng, nương rẫy, cũng như đời sống thường nhật của bà con nông dân... Du lịch nông nghiệp tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời, tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân và cộng đồng dân cư ở nơi có hoạt động du lịch nông nghiệp...

Du lịch canh nông ở Đà Lạt trở nên nổi tiếng từ những vườn rau công nghệ cao
ở khu phố Hồ Xuân Hương (Đà Lạt)
Du lịch canh nông ở Đà Lạt trở nên nổi tiếng từ những vườn rau công nghệ cao ở khu phố Hồ Xuân Hương (Đà Lạt)

• DU LỊCH CANH NÔNG - DẤU ẤN ĐẶC BIỆT CỦA DU LỊCH LÂM ĐỒNG - ĐÀ LẠT

Du lịch canh nông là một thương hiệu riêng có của tỉnh Lâm Đồng, với nền tảng phát triển dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần thỏa mãn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch của địa phương hay vùng, miền đó, thậm chí chỉ là mô hình trang trại nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi...). Du lịch canh nông ở Lâm Đồng cũng là cảm hứng cho nhiều hội nghị, hội thảo nhằm phát triển hiệu quả hơn nữa hoạt động du lịch canh nông, cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động du lịch canh nông trên địa bàn...

Du lịch canh nông phát triển tự phát ở Lâm Đồng từ nhiều năm trước khi được chính thức triển khai thí điểm vào năm 2016. Lâm Đồng dùng khái niệm Du lịch canh nông để chỉ du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, canh nông có nghĩa là canh tân, đổi mới trong nông nghiệp… Du lịch canh nông dù chỉ được thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng, nhưng cho thấy hiệu quả kinh tế rất tốt, vì lợi nhuận thu được khi kết hợp du lịch trên cùng một đơn vị diện tích đất có thể gấp 3 lần so với thuần sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Tại Hội nghị đánh giá thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (tháng 12/2020) đã thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng có 33 điểm du lịch canh nông được công nhận. Các mô hình du lịch canh nông đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng. Diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81 ha; tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe... chiếm khoảng 20,8 ha.

Ngày 13/4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 933/QĐ/UBND Quyết định ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quyết định 933 quy định: Du lịch canh nông là loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại (giá trị cốt lõi) với mục tiêu giải trí, giáo dục và nâng cao tri thức. Khách tham gia du lịch canh nông sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp...

Du lịch canh nông phải đảm bảo tối thiểu 4 yếu tố: Sự kết hợp giữa ngành Du lịch và Nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; mua bán sản phẩm nông nghiệp để gia tăng sản phẩm du lịch và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; mang đến tính giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách... Các hoạt động du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Tham quan, tìm hiểu quy trình và tham gia trải nghiệm cùng người nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nông - lâm kết hợp và thu hoạch, chế biến nông sản tại địa phương…

(CÒN NỮA)