Gỡ “vướng” cho du lịch nông nghiệp (Bài cuối)

LÊ HOA 05:03, 19/09/2024

Bài cuối: Mở đường cho du lịch nông nghiệp phát triển

Sáng 18/9/2024, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới” với nhiều tham luận gắn du lịch với công tác phát triển ngành nghề ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hy vọng, từ một hội thảo nhỏ sẽ là chìa khoá gỡ dần những nút thắt lớn để mở đường cho du lịch nông nghiệp phát triển...

Avocado Farm đã tạo được ấn tượng cho du khách với mô hình du lịch “từ trang trại đến bàn ăn”
Avocado Farm đã tạo được ấn tượng cho du khách với mô hình du lịch “từ trang trại đến bàn ăn”

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng), có nhiều năm đồng hành cùng du lịch canh nông ở Lâm Đồng (từ 2016-2023), cho biết: Hoạt động du lịch nông nghiệp chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp. Nhưng yêu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp là phải có các công trình phụ trợ, như: đường đi, bãi đậu xe, bếp ăn, nhà vệ sinh, khu trưng bày, trạm dừng nghỉ... Đây đều là những công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết các hạng mục công trình này đều không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng...

Hiện nay, ngoài Luật Du lịch và Quyết định số 922/QĐ-TTg, chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng, hoặc các giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp; đặc biệt là cơ sở pháp lý để chuyển từ diện tích đất nông nghiệp sang đất dịch vụ thương mại; cũng như quy mô và tỷ lệ về diện tích được phép xây dựng các cơ sở dịch vụ, hạ tầng phục vụ du lịch... Đây chính là nút thắt lớn nhất trong quá trình vận hành và phát triển du lịch nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, để khuyến khích các mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài kết hợp giữa du lịch và sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn; cần có cơ chế để tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương, bảo tồn văn hóa và môi trường, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… gắn liền với thiên nhiên, bảo vệ môi trường…; cùng với cải thiện về cơ sở hạ tầng khác, như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước…; hay, các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, và đào tạo nguồn nhân lực...

Điểm du lịch canh nông Avocado Farm (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vào tháng 2/2024, có diện tích hơn 25.000 m2, với phần đất được phép xây dựng là 500 m2, trong đó công trình có mái che là 200 m2... Thực tế, diện tích đất phi nông nghiệp để xây dựng các hạng mục phục vụ du lịch là quy hoạch sẵn có của các hộ gia đình, chứ không phải được chuyển đổi theo mục đích hoạt động du lịch canh nông của doanh nghiệp... Thêm vào đó, Avocado Farm nằm trên vùng đất nông thôn mới tiêu biểu, đã có cơ sở hạ tầng hoàn thiện..., nên có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch canh nông.

Avocado Farm cũng tổ chức khai thác lợi thế vùng canh tác nông nghiệp, làng nghề và văn hoá bản địa
Avocado Farm cũng tổ chức khai thác lợi thế vùng canh tác nông nghiệp, làng nghề và văn hoá bản địa

• DU LỊCH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG - NHÌN TỪ AVOCADO FARM

Avocado Farm là một quần thể các hạng mục phục vụ du lịch, bao gồm: homestay, khuôn viên tổ chức sự kiện văn hoá ngoài trời, khu vườn trải nghiệm hoạt động nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn (vườn bơ đạt chứng nhận OCOP, vườn cây ăn trái khác, vườn rau...) và quán cà phê 360 độ view để trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên... Avocado Farm cũng tổ chức hợp tác, liên kết với chính quyền địa phương, các chủ thể và người dân trên địa bàn để khai thác các hoạt động văn hoá, công trình kiến trúc, ẩm thực,... góp phần tạo nên tài nguyên du lịch của Điểm du lịch canh nông Avocado Farm. 

Ông Phan Thanh Nhân - Giám đốc Avocado Farm, đã có 15 năm tuổi trẻ lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, nhưng mong muốn sống trọn vẹn với quê hương, nên đã trở về đầu tư, gây dựng farmstay tại quê nhà, ngay từ đầu xác định mục tiêu hoạt động du lịch của Avocado Farm theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”, mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng “trọng nông”, chú trọng quy trình sản xuất, cũng chính là quy trình tham quan, trải nghiệm của du khách, là: trồng trọt, chăm sóc, sơ chế, bảo quản, ẩm thực...; đồng thời, lấy sản phẩm đặc trưng vùng, miền làm chủ đạo kết hợp du lịch để gia tăng giá trị sản phẩm... 

Để tạo niềm tin nơi khách hàng, nhà đầu tư và phát triển thương hiệu, Avocado Farm đã thay đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh từ hộ sản xuất sang doanh nghiệp để phù hợp thực hiện các dự án với quy mô lớn hơn theo định hướng hoạt động nông nghiệp xanh. Doanh nghiệp cũng chủ động tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao với sản phẩm bơ Ông Tĩnh được trồng tại Farm và đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP du lịch canh nông, ...

Avocado Farm cũng giữ vai trò kết nối với các chủ thể là người dân làm nông nghiệp, các chủ thể OCOP, người dân cung cấp ẩm thực, dịch vụ lưu trú, đơn vị quản lý các di sản văn hoá như nhà thờ, nhà rông, danh lam thắng cảnh, các làng nghề làm nhẫn bạc, chế biến rượu cần,... để hình thành tổ hợp du lịch cộng đồng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm gia tăng cơ hội lựa chọn các hoạt động trải nghiệm và giữ chân du khách tại điểm đến… 

Đó là những nỗ lực đưa mô hình du lịch nông nghiệp của Avocado Farm ngày càng thành công trong phát triển bền vững!

***

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch độc đáo sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch xanh của địa phương. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này có thể phát triển bền vững thì rất cần sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, chứ không riêng chính quyền địa phương, hay các đơn vị kinh doanh du lịch… để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, tạo khung pháp lý rõ ràng cho du lịch nông nghiệp có cơ sở và điều kiện phát triển bền vững... góp phần hỗ trợ cộng đồng địa phương nâng tầm giá trị nguồn nhân lực và nông sản, sản phẩm OCOP, cũng như quảng bá hình ảnh vùng nông thôn tại điểm đến...