Thương hiệu du lịch Đà Lạt đang được khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, là trung tâm nghỉ dưỡng và điểm đến du lịch nổi tiếng; với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng; các công trình kiến trúc mang giá trị di sản và văn hóa - nghệ thuật cao; phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”,... góp phần hình thành nên nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của TP Đà Lạt “An toàn - Văn minh và Thân thiện”, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 để lại nhiều dấu ấn đẹp. Ảnh: Chính Thành |
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 620/TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng TP Đà Lạt, vùng phụ cận đến năm 2010 và xác định Đà Lạt là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của vùng, cả nước và quốc tế; tỉnh lỵ; trung tâm văn hóa, dịch vụ, đầu mối giao lưu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước. Tại Quyết định số 409/2002/QĐ-TTg ngày 27/5/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020, với tổng diện tích 96.914 ha, trong đó TP Đà Lạt có 39.104 ha.
Ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng, du lịch được xác định là ngành phát triển quan trọng.
Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” với sức hút là các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Nhiệm vụ của quy hoạch đến năm 2045 nêu rõ bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; phát triển du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế; phát triển đô thị theo hướng bền vững…
Như vậy, Đà Lạt là một trong số ít địa phương sớm có quy hoạch tổng thể của thành phố. Điều đó cho thấy, thành phố đang được quan tâm phát triển xứng tầm.
Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu chung xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch. Và, trong những năm qua, TP Đà Lạt luôn nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực phát triển du lịch và văn hóa đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ… thu hút tổng lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt từ năm 2022 đến tháng 9/2024 đạt khoảng 18,8 triệu lượt khách (lưu trú: 13,5 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 888 ngàn lượt khách).
Việc triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt nhằm giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” với nhiều hình thức phong phú và đa dạng từng bước hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện cho đội ngũ quản lý và nhân viên các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo những ấn tượng và hình ảnh đẹp cho du khách. Chính sách, môi trường phát triển du lịch được các cấp, các ngành của thành phố chủ động triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các quy hoạch, quy định có liên quan trong quá trình đầu tư, kinh doanh lĩnh vực du lịch; phục hồi các ngành nghề mang tính truyền thống và khuyến khích hình thành các ngành nghề thủ công mỹ nghệ mang tính mới…, nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; đồng thời, tập trung triển khai công tác giải phóng mặt để thực hiện các dự án phục vụ du lịch trên địa bàn...
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn thành phố có hơn 2.500 cơ sở lưu trú với tổng số trên 33 ngàn phòng; trong đó, có 370 khách sạn từ 1-5 sao với 12 ngàn phòng (13% số phòng đạt chuẩn cao cấp từ 3-5 sao), có 74 khu, điểm tham quan trải nghiệm, điểm vui chơi giải trí chụp hình lưu niệm, 8 điểm tổ chức ca nhạc ngoài trời; 10 khu, điểm được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; 1 khu du lịch cấp quốc gia…
Từ khi chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc (ngày 31/10/2023), TP Đà Lạt đẩy mạnh đối ngoại văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế gắn với phát triển du lịch địa phương; tích cực vận dụng triển khai các cam kết là thành phố sáng tạo âm nhạc thông qua việc tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động âm nhạc quy mô lớn thu hút hàng chục ngàn du khách, như: Lễ hội âm nhạc “DaLat color fun Festival 2024”; chương trình Đà Lạt Music Festival 2024 - Sweet Love; Giải marathon Đà Lạt Fresh Night; chương trình Best Dance Crew; dự án Cung đường nghệ thuật hay chương trình đại nhạc hội Fly Fest Đà Lạt 2024...; cùng nhiều không gian âm nhạc, tổ chức các chương trình âm nhạc vào các dịp cuối tuần thu hút các ca sĩ nổi tiếng và du khách đến Đà Lạt.
Việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm đang được TP Đà Lạt tập trung triển khai thí điểm các mô hình dịch vụ du lịch về đêm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm của du khách như Vườn Ánh Sáng Lumiere Đà Lạt (với 7 khu vực trải nghiệm ánh sáng gắn liền với các chủ đề khác nhau), Vườn ánh sáng tại Khu du lịch cấp tỉnh TTC World Thung lũng Tình yêu (với 22 tác phẩm ánh sáng nghệ thuật khổng lồ), khu vực ẩm thực đêm tại Vườn hoa TP Đà Lạt; khôi phục lại Phố đi bộ trung tâm Hòa Bình; khai trương, đưa vào hoạt động Phố đi bộ Trần Quốc Toản; khai trương và đưa vào vận hành, khai thác Đoàn tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt”...
Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết: Trong thời gian qua, Đà Lạt được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận với các danh hiệu như: “Thành phố thông minh Việt Nam”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á, “Festival Hoa đẹp nhất châu Á”... Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc từ năm 2023; đồng thời, là một trong 11 trung tâm phát triển du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, được ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm... (cùng với các thành phố Hạ Long, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ, Phú Quốc)... Tuy nhiên, chính quyền và Nhân dân TP Đà Lạt vẫn đang nỗ lực khắc phục những khó khăn nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển TP Đà Lạt trở thành đô thị trọng điểm phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin