Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên nóc kỳ đài, tung bay giữa bát ngát trời xanh Lũng Pô (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), soi bóng xuống dòng sông Mẹ thật đẹp đẽ, thiêng liêng và kiêu hãnh.
Cột cờ Lũng Pô, cách trung tâm thành phố Lào Cai 70 km về phía Tây Bắc, đường đi nhiều đoạn quanh co và khúc khuỷu, đây chính là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt và là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia của Việt Nam. Đến đây, mỗi người đều trào dâng cảm xúc tự hào khi tận mắt nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới nơi biên cương, được các chiến sĩ bộ đội biên phòng kể chuyện về lịch sử đấu tranh của những người lính biên phòng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc trong từng giai đoạn của lịch sử, đồng thời để hiểu hơn tinh thần chiến đấu kiên cường cùng với những mất mát, hy sinh của quân và dân dọc tuyến biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tấc đất.
Được biết, Lũng Pô - tên Việt cổ gọi là Long Bồ, là một dòng suối vốn là nhánh nhỏ của sông Thao, bắt nguồn từ dải núi biên giới Việt - Trung ở phần Bắc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Suối nguồn có hướng chảy Đông Nam đến hết địa phận xã Nậm Xe. Khi sang vùng đất xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thì đổi hướng Đông Bắc và chảy đến bản Lũng Pô, xã A Mú Sung, tiếng địa phương là đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng, dòng suối uốn mình lượn quanh mỏm đồi tựa đầu rồng, đổ ra ngã ba bản Lũng Pô. Khi đó, nó gặp dòng chảy con sông Nguyên Giang (theo tên gọi của phía Trung Quốc) chảy vào Việt Nam với tên gọi sông Hồng, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung ở cột mốc 92. Đó cũng chính là điểm đầu tiên sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ đây, sông Hồng chảy miệt mài trên đất Việt, qua trung du rừng cọ, đồi chè rồi mang phù sa bồi đắp nên châu thổ phì nhiêu, màu mỡ với nền văn minh sông Hồng rực rỡ gắn với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Để tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc, tỉnh Lào Cai đã xây dựng công trình cột cờ Lũng Pô ngay tại vị trí cột mốc số 92 dưới chân mỏm núi Rồng của bản Lũng Pô được khởi công xây dựng ngày 26/3/2016. Cột cờ Lũng Pô cao 41 m, trong đó, phần thân của cột cờ là 31,43 m gắn với biểu tượng “Nóc nhà Đông Dương” của đỉnh Fansipan huyền thoại với khuôn viên rộng 2.100 m2 do Tỉnh Đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư và hoàn thành vào ngày 16/12/2017. Leo lên 125 bậc thang hình xoắn ốc sẽ lên đỉnh cột cờ nơi lá cờ đỏ sao vàng rộng 25 m2 tượng trưng cho 25 đồng bào dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai kiêu hãnh tung bay trong gió biên thùy.
Trong khuôn viên của cột cờ trước đây là Trạm Biên phòng Lũng Pô, giờ đây là Nhà lưu niệm thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi thờ tự vong linh các anh hùng liệt sĩ và Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát tử nạn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây không chỉ là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc mà còn là nơi mỗi người con đất Việt đến tìm hiểu về lịch sử, trân trọng quá khứ và thêm yêu mảnh đất hình chữ S.
Lũng Pô đúng như “ngọn hải đăng trên sông” thắp sáng trọn miền biên ải. Công trình này vừa để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, vừa có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, và đây cũng là công trình của tuổi trẻ Lào Cai chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Cột cờ Tổ quốc nơi điểm Lũng Pô thêm một lần nhắc nhớ về những chiến công, về sự hy sinh kiên cường của quân và dân nơi này đã giữ cho mảnh đất biên giới được bình yên và là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Từ trên đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt thật xa theo sắc đỏ của dòng sông Hồng đang cuộn chảy dưới chân, nơi hun hút một màu xanh bạt ngàn phía dưới là những nương ngô, chuối, sắn của người dân địa phương canh tác.
Năm tháng trôi qua, hình ảnh lá cờ bay phấp phới hiên ngang giữa nắng, gió khẳng định dù bất cứ khó khăn nào thì biên giới quốc gia luôn vững chắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin