(LĐ online) - Ngày 17/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông (DLCN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tham dự có gần 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, sở ngành, địa phương và cơ quan truyền thông…
Gần 100 đại biểu tham dự Hội nghị |
Đề án thí điểm xây dựng các mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (theo Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng), đã phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các mô hình DLCN góp phần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch; đồng thời, kích thích chi tiêu ở mức cao hơn và tăng thời gian lưu trú của du khách.
Ông Phan Thanh Nhân - Giám đốc Điểm du lịch (có sản phẩm DLCN) phát biểu ý kiến |
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phối với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển sản phẩm DLCN, như: Bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông”…
Đại diện hộ kinh doanh nông sản Bồng Lai farm phát biểu ý kiến |
Sở cũng chủ trì tổ chức đoàn thẩm định các tuyến, điểm DLCN đạt chuẩn; phối hợp với các đơn vị liên quan góp ý nhiều dự án đầu tư về DLCN để định hướng phát triển và nhân rộng các mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị xúc tiến và tọa đàm nâng cao chất lượng sản phẩm DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhằm trao đổi tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm DLCN…
Hộ kinh doanh Trần Văn Thành (Olala Glamping) phát biểu ý kiến |
Các ngành, địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ đã tích cực phối hợp triển khai Đề án thí điểm xây dựng các mô hình DLCN, tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế triển khai và giúp cho việc nhân rộng phát triển các mô hình DLCN góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… Từ đầu năm 2018, Sở VH-TT&DL đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với thời hạn 3 năm.
Ông Nghiêm Văn Minh - Công ty TNHH Sinh học sạch BioFresh phát biểu ý kiến |
Sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đạt hơn 10 triệu lượt; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại các địa phương…
Ngày 4/12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2386/QĐ-UBND về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vì không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông. Việc công nhận Điểm du lịch (có sản phẩm du lịch canh nông) trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 3 Điểm du lịch (có sản phẩm du lịch canh nông), gồm: Điểm du lịch “Tám Trình Coffee Experiences” (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), “Avocado Farm” (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) và Bồng Lai Farm (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).
Đại diện Công ty TNHH Tám Trình phát biểu ý kiến |
Nhiều cơ sở du lịch muốn tổ chức hoạt động mô hình DLCN, nhưng vì nhiều lý do không được công nhận. Hội nghị ghi nhận rất nhiều ý kiến trình bày các khó khăn của doanh nghiệp; tập trung lại là do hoạt động DLCN liên quan đến Luật Du lịch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các văn bản dưới Luật khác, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các sở ngành…
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Măng Line (Nông trại Cún) phát biểu ý kiến |
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S khẳng định: DLCN là thương hiệu du lịch độc đáo của tỉnh Lâm Đồng, dựa trên nền tảng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự lan toả, trở thành điểm đến yêu thích của du khách… mang lại doanh thu cao cho các cơ sở hoạt động DLCN…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, giải đáp vướng mắc liên quan đến Luật Xây dựng |
Ông Trần Quốc Tường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều hạn chế: Quy mô nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng; là lĩnh vực mới nên chủ thể chưa đủ hiểu, chưa có hướng dẫn viên về DLCN, chưa có trường đào tạo loại hình này… Lâm Đồng là địa phương đi đầu về DLCN, nên gặp khó khăn, vướng về Luật Du lịch, Luật đất đai, Luật Xây dựng;… Các sở ngành chưa nghiên cứu một cách thấu đáo các văn bản luật và dưới luật để có hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S kết luận và giao trách nhiệm cho các đơn vị sở ngành và đề xuất với doanh nghiệp |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S giao Sở VH-TT&DL, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng căn cứ vào các quy định hiện hành tham mưu UBND tỉnh phê duyệt về phương án sử dụng đất đa mục đích, và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký hoạt động DLCN, với yêu cầu trong vòng 15 ngày phải thẩm định xong; và với quan điểm văn bản hướng dẫn phải dễ hiểu, dễ làm, có tính khả thi cao…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin