Lạc Dương quan tâm phát triển du lịch chất lượng cao

HỒNG VĨNH 06:13, 27/11/2024

Là huyện nằm ngay vùng phụ cận của TP Đà Lạt, với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thời gian qua, Lạc Dương quan tâm chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. 

Các điểm sinh hoạt cồng chiêng ở Lạc Dương đã và đang phát huy hiệu quả giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Chương trình hành động số 51-CTr/HU, ngày 9/11/2022 nhằm đẩy mạnh thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Trước đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 31/5/2021 về phát triển du lịch huyện Lạc Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND, ngày 11/3/2022 về triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”... Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển du lịch theo hướng: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông; du lịch gắn với phát triển văn hóa đồng bào dân tộc địa phương; ưu tiên phát triển du lịch nông thôn với những nơi có lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên phù hợp với phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Huyện Lạc Dương đã có chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, thương hiệu, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển du lịch; trong đó, ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông, du lịch cộng đồng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đồng thời, xác định các sản phẩm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, môi trường rừng, dược liệu, khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang là những sản phẩm du lịch chủ đạo, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu của Lạc Dương, UBND huyện đã quan tâm, tạo điều kiện mời các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình du lịch gắn với thu hút việc làm cho người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.

Để phát triển du lịch chất lượng cao, thời gian qua, huyện cũng đã đa dạng hóa các sản phẩm du lịch kết hợp với các loại hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất dược liệu… cùng với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du lịch. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển làng dệt thổ cẩm Đăng gia Dềt B; Dệt thổ cẩm Đưng K’nớ; các điểm sinh hoạt cồng chiêng; làng nghề rượu cần Bon Lang Biang; Khu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng Ksi, xã Đạ Chais; làng văn hóa cồng chiêng xã Đưng K’nớ; di tích cấp tỉnh thác Liêng Trang (Đưng K’nớ)… Đồng thời, huyện đã khuyến khích phát triển các trạm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 27C, tỉnh lộ 722, 726 và đường Đông Trường Sơn.

So với các địa phương, Lạc Dương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, cụ thể như: Núi Bidoup cao 2.287 m, núi Lang Biang cao 2.167 m so với mặt nước biển; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà hiện hữu chiếm hầu hết diện tích Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang đã được UNESCO công nhận với hệ động, thực vật phong phú và nhiều cảnh quan đẹp; Khu du lịch Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng… Cùng với đó, Lạc Dương có nền văn hóa phong phú, độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của đồng bào dân tộc K'Ho dưới chân núi Lang Biang, được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp cũng như giao lưu phục vụ văn hóa với du khách… 

Hiện cơ sở vật chất ngành du lịch, số lượng cơ sở du lịch được gia tăng đáng kể, 11 cơ sở, trên 282 phòng nghỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trên địa bàn huyện hiện có 16 điểm du lịch và cơ sở đã được cấp phép hoạt động và nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được đầu tư xây dựng, 11 cơ sở kinh doanh văn hóa cồng chiêng, hình thành nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch mới; tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.500 lao động, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, Lạc Dương đã thu hút 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 740 tỷ đồng. Ngành Du lịch đóng góp ngày càng cao vào cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh vùng đất, con người huyện Lạc Dương.

Thực tế cho thấy, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn trong kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn góp phần quan trọng vào việc hợp tác, bảo tồn, giao lưu và quảng bá văn hóa. Trong bối cảnh đó, huyện Lạc Dương đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.