Bài cuối: Tài nguyên du lịch nông thôn đặc sắc
Lâm Đồng có một điểm rất đặc biệt là tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và hấp dẫn. Không một địa danh nào, một vùng quê nào lại thiếu sự thu hút đối với du khách. Và Đơn Dương là một điểm đến du lịch rất tiềm năng, nếu có sự khai thác, đầu tư, và quan tâm... của chính quyền, người dân và doanh nghiệp...
Đập tràn hồ Thủy điện Đa Nhim |
• TÀI NGUYÊN NHÂN VĂN ĐỘC ĐÁO
Nếu ai đã từng nhìn thấy người đàn bà Churu vung dùi trống, múa chiêng, nâng chiếc khèn bầu… thì sẽ cảm nhận được sự truyền “lửa” rất mạnh mẽ từ bà. Đó là bà Tou Neh MaBio (xã Lạc Xuân) nghệ nhân dân gian được mệnh danh là người giữ “lửa” văn hoá Churu, người làm “sống dậy” những vũ điệu, bảo tàng sống, nữ chúa hồi sinh vũ điệu Arya… dù bình thường, trông bà chỉ bình dị như những người phụ nữ Churu khác.
Nhà bà đã trở thành lớp học, dạy cho các bạn trẻ - từ những cô bé, cậu bé biết gõ chiêng, thổi khèn, đánh trống, biết hát múa các giai điệu của dân tộc mình... Đến hôm nay, đội văn nghệ do bà khởi xướng, truyền “lửa” và truyền nghề đang có rất nhiều bạn trẻ sánh vai cùng các nghệ nhân lớn tuổi trong dàn chiêng, trong các lễ hội, đang làm dày thêm bước chân uyển chuyển trong các vũ điệu truyền thống của người Churu... cùng bà Ma Bio giữ gìn, sưu tầm, phục dựng, biểu diễn, quảng bá và lưu truyền những vũ điệu dân gian truyền thống của người Churu...
Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên |
Ông Ya Tuất - nghệ nhân làm nhẫn bạc (ở xã Tu Tra) đang lưu giữ nghề truyền thống làm nhẫn bạc rất hiếm hoi của người Churu. Từ năm 17 tuổi, ông đã theo cậu học nghề làm nhẫn bạc và giữ mãi đến nay được gần 40 năm... Theo quan niệm của dân tộc Churu, nhẫn bạc được xem là vật đính ước linh thiêng giữa người con gái và con trai, là vật không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Nhưng theo thời gian, những người biết làm nhẫn và đủ nhẫn nại, cẩn thận và tỉ mỉ để làm nhẫn bạc với những hoa văn tinh xảo trên từng chiếc nhẫn ngày một ít... Ông Ya Tuất là truyền nhân đời thứ 6 của gia tộc làm nhẫn bạc của người Churu. Hiện nay, con trai ông Ya Tuất cũng đã học nghề làm nhẫn bạc của cha để tiếp nối.
Làng gốm Krăng Gọ (ở Pró - nay là xã Quảng Lập) cũng là một làng nghề độc đáo có một không hai. Nhiều năm trước, chỉ có chị em bà Mali còn làm gốm vì nhớ nghề thủ công truyền thống của cha ông và muốn giữ nghề cho con cháu. Nhưng rất may là chính sách bảo tồn làng nghề của chính quyền và có những cơ sở đặt hàng cho bà con, nên những năm gần đây, nghề làm gốm được duy trì và truyền dạy cho con cháu và có thêm nhiều bạn trẻ biết làm gốm...
Nguyên liệu để làm gốm là một loại đất sét đặc biệt mà chỉ những người “có nghề” mới biết. Đất lấy về được phơi khô, sau đó giã nhỏ, sàng sạch chỉ lấy đất bột, nhồi kỹ với nước, canh khô vừa phải để nặn các vật dụng… Người Krăng Gọ nặn gốm hoàn toàn bằng tay chứ không dùng bàn xoay. Nặn xong, cứ vừa phơi vừa điều chỉnh sản phẩm trong 2 ngày, rồi để cho khô hẳn, mới chất củi xung quanh để đốt chứ không nung trong lò... Sản phẩm gốm Krăng Gọ là thành quả của óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo cùng sự cầu kỳ, tỉ mỉ và nhẫn nại của người Churu.
Ông Ya Tuất hướng dẫn du khách làm nhẫn bạc |
• TÀI NGUYÊN DI SẢN KHÁC BIỆT
Nhà thờ Ka Đơn (xã Ka Đơn) được 2 giải thưởng Kiến trúc Thánh quốc tế là giải thưởng thiết kế và giải thưởng công trình. Nhà thờ được thiết kế theo tinh thần đơn sơ, không nhiều màu sắc, ít trang trí, mang vẻ đẹp tự nhiên, khiêm tốn, hòa mình vào thiên nhiên và đậm nét văn hóa Churu... Sau hơn 4 năm thi công, nhà thờ Ka Đơn chính thức hoàn thành vào tháng 7/2014, với phần mái của nhà thờ lấy cảm hứng từ mái nhà rông Tây Nguyên cách điệu như gà mẹ đang ấp ủ đàn con. Vật liệu để xây dựng chính của nhà thờ là gỗ thông làm tường, trần, vách ngăn, bàn ghế… với kính, đá và mái ngói màu đỏ.
Ghé thăm nhà thờ Ka Đơn ngoài ngắm nhìn kiến trúc độc đáo, tận hưởng không gian thanh bình giữa rừng thông xanh mát, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa bản địa độc đáo ở Bảo tàng Churu, nơi trưng bày bộ sưu tập vật phẩm về văn hóa, con người Churu do Linh mục Nguyễn Đức Ngọc xây dựng trong thời gian ông cai quản giáo xứ. Nếu may mắn vào ngày Chủ nhật, Tin mừng, du khách có thể sẽ được thưởng thức không gian vui nhộn ngay trong sân nhà thờ với các gian hàng tạp hoá, ẩm thực, và cả một sân khấu không giới hạn mà vị Linh mục Chánh xứ Trần Quốc Hưng Long chính là nhạc công dàn trống và ca sĩ...
Bà MaBio (thứ 2 từ trái qua, hàng đầu) và các nghệ nhân, các bạn trẻ Churu tham dự Lễ hội Cồng chiêng Gia Lai (2017) |
Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên là ngôi cổ tự 100 tuổi nằm ở một ngọn đồi giữa lưng chừng hai con đèo D'ran và Ngoạn Mục, mang đậm nét truyền thống của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, có nền móng là "chùa Bà Xám" (năm 1923). Năm 1925, chùa được xây lại bằng gạch và mái ngói, có chín cây cột ở chánh điện nên nó còn được gọi là "chùa Chín Cột". Năm 1939, chùa được vua ban Sắc Tứ nên gọi là "Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên Tự". Năm 1976, Hòa thượng Thích Pháp Chiếu đến trụ trì và tiến hành xây dựng lại. Ngôi chùa mới cùng với chùa Trung và điện Thượng to lớn, tạo nên một ngôi tự khang trang trên một khu đất rộng lớn, đối diện thủy điện Đa Nhim và thị trấn D’ran...
Hồ Đa Nhim là công trình chứa nước từ hợp lưu của sông Krông Lét vào sông Đa Nhim, phục vụ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Hồ Đa Nhim, ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, rộng 11 - 12 km² và dung tích là 165 triệu m³ nước để cung cấp nước cho nhà máy. Đập ngăn nước của hồ dài gần 1.500 m, cao gần 38 m, đáy đập rộng 180 m, mặt đập rộng 6 m. Ở đáy hồ có một đường hầm thủy áp dài 5 km xuyên qua lòng núi nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim dốc 45°, dài 2.040 m và đường kính trên 1 m mỗi ống. Nước từ hồ Đa Nhim theo hệ thống thủy áp này đổ xuống tới nhà máy phát điện với 4 tuốc-bin ở sông Krông Pha (sông Pha) ở độ cao 210 m. Do đó, đi trên đèo Sông Pha từ hướng Ninh Thuận lên có thể nhìn thấy 2 ống dẫn nước khổng lồ thẳng đứng...
***
Đơn Dương là vùng nguyên liệu rau thương phẩm và chăn nuôi bò sữa nổi tiếng, nhưng thực tế, ẩm thực Đơn Dương chưa được khai thác và đầu tư. Tuy nhiên, trong hành trình khám phá Đơn Dương, biết đâu, du khách có thể may mắn như chúng tôi, khi được nhắm rượu men lá với nhái bén chiên giòn ở nhà ông Ya Tuất, hoặc uống rượu cần với thịt trâu hay thịt bò một nắng nướng ở nhà bà Mabio, hay được ăn nem nướng với rượu trái cây ở nhà bạn bè trong thị trấn D’ran… Có thể, những món ăn đó nghe như rất bình thường ở nhiều nơi, nhưng cái chính làm nên sự đặc sắc khi thưởng thức ở Đơn Dương là bởi được chế biến và nêm ướp từ nguyên liệu tươi ngon nhất, nên có độ ngọt thơm và đậm đà khác hẳn!
Bà Mali hoàn thiện sản phẩm gốm |
Ngoài ra, ở đâu đó trong chuyến du ngoạn trên vùng đất Đơn Dương, du khách sẽ bắt gặp những dòng suối trong veo giữa tán rừng già ở đầu nguồn nước, một vạt hoa cà tím, một vườn cải vàng ươm, hay đám cà rốt giống trổ bông li ti trắng muốt...; đó là chưa kể mùa hoa dã quỳ cuối thu, mùa hoa bằng lăng đầu hè... Rồi, những bản làng, những bộ lạc còn mất bên bãi bồi sông Đồng Nai, những dấu vết của người Chăm trên hành trình Nam tiến... sẽ là những câu chuyện thâu đêm, nếu bạn lại may mắn du lịch Đơn Dương cùng một nhà dân tộc học!...
Đó cũng chính là bản sắc rất riêng của Đơn Dương tươi đẹp!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin