Huyện Đạ Huoai mới vừa được tái lập ngày 1/12/2024 sau 38 năm, trên cơ sở sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, có diện tích tự nhiên gần 1.448,5 km² và quy mô dân số hơn 146 ngàn người từ 24 dân tộc, với nhiều lợi thế về địa hình, hệ sinh thái và đặc điểm dân cư, dân tộc, lịch sử, cùng di sản... để phát triển du lịch nông thôn.
Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Sau tái lập, huyện Đạ Huoai mới trở thành đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích lớn thứ 3 và có quy mô dân số đứng thứ 6 của tỉnh Lâm Đồng, nhưng nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhất - gồm 5 thị trấn và 18 xã. Huyện Đạ Huoai là một vùng đất có tiềm năng về rừng với hệ sinh thái đa dạng, nhiều sông, suối và những thảm thực vật tự nhiên; nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực; đặc biệt, rất nhiều tre nứa cung cấp cho công nghiệp "thủ phủ sầu riêng Việt Nam"…
Thánh địa Cát Tiên |
Bên cạnh thế mạnh chủ lực của mình là nông - lâm - công nghiệp, Đạ Huoai có nhiều dân tộc thiểu số, bao gồm cả dân tộc gốc Tây Nguyên và dân tộc các tỉnh phía Bắc; lại nằm ở khoảng cách giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt, là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng với các loại hình đã hình thành, hoặc đang thử nghiệm, như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm (chèo sup, bơi thuyền, leo núi, nhảy dù, khám phá hang động…) kết hợp khám phá các miền quê, các nền văn hoá…
Các dân tộc đang có ý thức nỗ lực cùng chính quyền bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua các phong trào văn hóa văn nghệ ở các thôn, buôn; sưu tầm và tổ chức diễn xướng các bài chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ…; phục dựng các nghi lễ, hội truyền thống; trao truyền cách làm nhà dài, làm cây nêu, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần và văn hoá ẩm thực,… đến thế hệ trẻ, tạo nên sự mộc mạc, gần gũi, dân dã, hiếu khách… cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút du lịch.
Thác Xuân Đài |
Tiêu biểu nhất là, Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu rừng chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu không riêng của Việt Nam, là di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và khu đất ngập nước Ramsar Bàu Sấu có tầm quan trọng quốc tế, trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với diện tích 71.187,9 ha, chứa đựng nguồn gene đa dạng sinh học phong phú, có chức năng quan trọng trong việc kiến tạo hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời đóng góp vai trò to lớn trong việc tạo sinh kế và củng cố đời sống cho người dân vùng đệm… Vườn Quốc gia Cát Tiên còn là điểm đến lý tưởng để du khách tìm về rừng, nhìn ngắm những loài gỗ quý, những gốc đại thụ hàng trăm năm tuổi, dễ dàng quan sát các loài chim, thú quý hiếm, thưởng ngoạn vẻ đẹp đại ngàn và bồi dưỡng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần bằng bầu không khí trong lành của rừng mưa nhiệt đới…
Truyền thống văn hoá đặc sắc, đa dạng: Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Đạ Huoai với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước, điều, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu sang trồng các loại cây ăn quả…) đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể; luôn được bảo tồn và phát huy qua các phương thức trao truyền, bổ sung và sáng tạo theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam nói chung và làm phong phú thêm bản sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, cũng như trong quảng bá du lịch của địa phương…
Sắc thái dân tộc H’Mông |
Đạ Huoai càng trở nên hấp dẫn du khách khi khẳng định danh hiệu “Thủ phủ sầu riêng”: Từ những năm 1920, khi người Pháp chọn vùng đất Đạ Huoai để thành lập vườn cây ăn quả thực nghiệm, đến nay huyện Đạ Huoai đã trở thành “thủ phủ” sầu riêng với rất nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ và cây sầu riêng được định hướng trở thành cây trồng chủ lực từ năm 2010 - 2012. Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, phẩm chất của sầu riêng Đạ Huoai được ghi nhận, diện tích cây sầu riêng được người dân chuyển đổi từ các giống cây trồng kém hiệu quả tăng hàng năm cùng với năng suất, chất lượng, sản lượng... đưa Đạ Huoai trở thành vùng có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất nước, với các vùng sản xuất sầu riêng tập trung được quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin