Đưa lượng du khách đến Ðà Lạt hằng năm tăng trên 7% 

VIẾT TRỌNG  00:24, 30/12/2024

Đà Lạt đang tăng cường đầu tư giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch trong những năm gần đây, hướng đến mục tiêu đưa tổng lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm tăng trên 7%, trong đó khách qua đăng ký lưu trú tăng bình quân trên 10%/năm. 

Du khách tham quan một hội chợ nông sản tại TP Đà Lạt
Du khách tham quan một hội chợ nông sản tại TP Đà Lạt

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG 

Trong 3 năm gần đây, Đà Lạt đã có những bước phát triển nhanh về giao thông, hướng đến một đô thị du lịch hiện đại. Theo UBND TP Đà Lạt, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường trên địa bàn được triển khai một cách tích cực; các nhà thầu được yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công. 

Trong giai đoạn 2021 - 2022, Đà Lạt đã đưa vào sử dụng 7 công trình đèn tín hiệu giao thông nhằm chống ùn tắc tại các nút giao thông; cho lắp đặt biển báo cấm đậu đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ tại một số con đường chính nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho những thời điểm du lịch cao điểm trong năm. Đồng thời, chỉnh trang công viên quanh hồ Xuân Hương, nâng cấp 16 tuyến đường trung tâm, đường nối đến các địa điểm du lịch; tiếp nhận hạng mục tài trợ chiếu sáng nghệ thuật tại khu vực sân Golf; trang trí, chiếu sáng nghệ thuật các cây cầu trên hồ Xuân Hương; lắp đặt 5 màn hình lớn do các đơn vị tài trợ tại khu vực trung tâm nhằm phục vụ các sự kiện về văn hóa, chính trị, xã hội địa phương; lắp các bảng tuyên truyền về quy tắc ứng xử văn minh du lịch và phát huy phong cách ứng xử văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.

Cùng với đó, thành phố cũng cải tạo, nâng cấp 62 công trình hạ tầng giao thông, trong đó đã nghiệm thu 32 công trình; sửa chữa, thay thế 100 trụ, 120 biển báo giao thông các tuyến đường với tổng kinh phí khoảng 220 triệu đồng. Đồng thời, 7/16 phường, xã của Đà Lạt đã cho làm các con đường ánh sáng, tăng tính mỹ quan, chiếu sáng đô thị về đêm. 

Trong năm 2023, Đà Lạt cải tạo, đầu tư nâng cấp 6 công trình hạ tầng giao thông đường bộ; sửa chữa, thay thế hàng loạt trụ, biển báo giao thông, bảng chỉ dẫn các tuyến đường; bố trí 3 bãi đậu xe công cộng và 9 bãi đậu xe có thu phí để đáp ứng nhu cầu đậu xe cho khách du lịch, hạn chế tình trạng các phương tiện tận dụng vỉa hè, lòng đường để dừng đỗ, đón trả khách, bước đầu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào các dịp cao điểm. Đà Lạt cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bãi đậu xe đầu đèo Prenn theo chủ trương phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, rà soát thêm các quỹ đất xa trung tâm thành phố để làm bãi đậu xe; đề xuất bố trí thêm các điểm nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa trong khu vực trung tâm.

Còn năm 2024, Đà Lạt đã tập trung triển khai 10 dự án giao thông - hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều con đường được thảm nhựa và nhiều đường được nâng cấp mở rộng như: Bùi Thị Xuân, Phù Đổng Thiên Vương, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong. Đặc biệt trong đầu năm 2024, đường đèo Prenn - công trình do Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư và Tập đoàn Đèo Cả thi công, sau hơn 11 tháng nâng cấp, mở rộng đã chính thức đưa vào vận hành. Vào tháng 6/2024, Cảng hàng không Liên Khương được nâng cấp lên cảng hàng không quốc tế, tạo thuận lợi trong thu hút du khách quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng. 

Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ nối kết Đà Lạt với các vùng, miền trong nước ngày càng hoàn thiện. Thành phố hiện có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải hành khách với tổng số 1.020 xe hoạt động trên địa bàn; có 41 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 26 đơn vị lữ hành quốc tế, 15 đơn vị lữ hành nội địa kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. 

Đường Bùi Thị Xuân trong khu vực trung tâm thành phố với nhiều khách sạn đang được thi công 
nâng cấp, mở rộng
Đường Bùi Thị Xuân trong khu vực trung tâm thành phố với nhiều khách sạn đang được thi công nâng cấp, mở rộng

• TĂNG CƯỜNG NGUỒN NHÂN LỰC

Thống kê cho biết, tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn Đà Lạt có 2.503 cơ sở lưu trú với tổng số 33.138 phòng. Trong đó, có 370 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.299 phòng. Số phòng đạt chuẩn cao cấp (đạt chuẩn từ 3 - 5 sao) chiếm 13% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và chiếm trên 39% trong tổng số phòng đạt chuẩn từ 1 - 5 sao. Đà Lạt hiện có 24 khu, điểm du lịch có thu phí (2 miễn phí; 3 tạm ngưng nâng cấp); 15 điểm tham quan chụp hình có thu phí; 9 điểm du lịch canh nông có thu phí vào cổng; 12 điểm cà phê - chụp hình không thu phí vào cổng chỉ tính phí nước uống; 19 điểm tham quan không có phí vào cổng; 8 điểm tổ chức ca nhạc ngoài trời; 10 khu du lịch, điểm được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và 1 khu du lịch cấp quốc gia. 

Như đánh giá của ngành chức năng, hệ thống cơ sở lưu trú, các điểm du lịch trên cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan, tổ chức các sự kiện của người dân và du khách, nhất là các ngày nghỉ, tết, lễ hội. Hệ thống mua sắm tập trung của thành phố cũng đáp ứng tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương và du khách; chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch được nâng lên.

UBND TP Đà Lạt cho biết, những năm gần đây thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức các khoá cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên (HDV) du lịch; tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực ngành Du lịch chẳng hạn như các khoá cập nhật kiến thức định kỳ cho HDV quốc tế và nội địa; khoá tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho HDV du lịch phục vụ các loại hình danh mục thuộc sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ của khách du lịch; khoá tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch; khoá tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải khách du lịch; khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho HDV du lịch tại điểm tại các đơn vị kinh doanh khu du lịch, điểm du lịch…

Tính từ tháng 1/2022 đến cuối tháng 9/2024, Đà Lạt đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch; Cao đẳng Đà Lạt, Trung tâm Đào tạo nghề Skill tổ chức 28 lớp nghề; đào tạo cho 690 học viên tốt nghiệp sơ cấp nghề, lớp nghề ngắn hạn. Tổng kinh phí đào tạo và hỗ trợ học viên tham gia học nghề trên 1,36 tỷ đồng; các nghề đào tạo chủ yếu là nghiệp vụ du lịch canh nông, kỹ thuật pha chế đồ uống, chế biến món ăn, kỹ thuật làm bánh. 

• NÂNG LƯỢT KHÁCH LƯU TRÚ

Con số của ngành chức năng Đà Lạt cho biết, đã có trên 21,1 triệu lượt khách đến Đà Lạt từ tháng 1/2021 đến 31/10/2024, trong đó, khách lưu trú trên 15,5 triệu lượt; khách quốc tế chiếm khoảng 4,5% tổng lượt khách; thời gian lưu trú bình quân 2,3 ngày/khách; tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 7%. Trong 10 tháng đầu năm 2024, có khoảng 6,53 triệu lượt khách đến Đà Lạt, tăng 21% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế khoảng 473 ngàn lượt, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Mục tiêu của Đà Lạt trong năm 2025, tiếp tục duy trì mức tăng 7% lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hàng năm, trong đó khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 10%/năm; khách quốc tế chiếm từ 12% trong tổng khách du lịch; số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày/người. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Lạt phấn đấu số lượt khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 11% - 12%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm từ 20% trong tổng số khách du lịch qua lưu trú. Số ngày lưu trú bình quân đạt trên 2,6 ngày/khách.

Để đạt được con số trên cho năm 2030, Đà Lạt cần khoảng 15 ngàn lao động trực tiếp làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ, trong đó có 87% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch đạt trình độ sơ cấp trở lên và đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ.