XQ Đà Lạt Sử quán - du lịch cùng nghề thêu

02:09, 29/09/2010

Du lịch văn hóa làng nghề hiện là một trong những mô hình du lịch nhận được sự quan tâm của du khách.

Du lịch văn hóa làng nghề hiện là một trong những mô hình du lịch nhận được sự quan tâm của du khách. Đến với những nét đặc trưng của nghề để cảm nhận đời sống phía sau sản phẩm, về những con người làm nên sản phẩm đó. Tại Đà Lạt, XQ Đà Lạt Sử Quán là nơi lưu giữ những phần hồn nghề thêu.

Nhân viên XQ bên bức tranh thêu hai mặt.
Nhân viên XQ bên bức tranh thêu hai mặt.
Cái tên XQ Sử Quán được coi như một quán dừng chân để kể lại những câu chuyện về nghề thêu và những người phụ nữ. Câu chuyện này được kể bằng ngôn ngữ sắp đặt, trình diễn, thơ ca, hội họa…Đặc biệt, bước chân vào Đà Lạt Sử Quán, thu hút nhất vẫn là nghệ thuật thêu bao trùm cả không gian, kết nối từ đường kim sợi chỉ trên những khung thêu, qua từng động tác thêu đến vô số những bức tranh thêu với nhiều hình khối, kích thước, màu sắc, hình ảnh  giàu tính biểu đạt.

Đã nhiều lần đến XQ Sử Quán, điều đọng lại mạnh mẽ nhất có lẽ vẫn là hình ảnh người phụ nữ bên khung thêu. Dù là trong hơi lạnh mùa đông hay trong nắng ấm mùa xuân, người phụ nữ vẫn bền bỉ, nhẫn nại cùng khung thêu của riêng mình. Những động tác miệt mài nhưng lại toát lên một tâm thế nhẹ nhàng, uyển chuyển, lắng hồn trên nền thêu.
 
Hình ảnh ấy là điểm nhấn, là trung tâm như một sự dẫn dắt ngọt ngào nhất để đến với thế giới của Sử quán.  Sẽ là thừa nếu đi tìm ngôn ngữ để ca ngợi sự tinh tế trong những bức tranh thêu, chỉ biết rằng, dù là tranh phong cảnh hay tranh chân dung, cái hồn của chủ thể như lan tỏa đến người thưởng lãm.
 
Sử quán XQ thướt tha những bóng áo dài, đây có lẽ cũng là một đặc trưng riêng không hòa lẫn của điểm du lịch này. Chị Hoàng Lệ Xuân- người đồng sáng lập XQ - kể lại rằng, trong những ngày đầu lập nghiệp từ cách đây 2 thập kỷ, chị nghĩ đến chiếc áo dài truyền thống rất phù hợp với nghề thêu có lịch sử lâu đời và gắn liền với người phụ nữ.
Thế là từ đó, áo dài đi cùng những phụ nữ làm nghề thêu tại XQ. Trong khuôn viên rộng gần 2 ha, đi đến đâu, du khách cũng bắt gặp hình ảnh áo dài. Đặc điểm này như là một nét văn hóa song hành cùng lịch sử nghề thêu mà XQ tạo dựng thành công, gắn liền với thương hiệu.
 
Cuộc đời người phụ nữ, cuộc đời thêu thể hiện qua nhiều hình tượng và nghi lễ. Trong đó, nghi lễ rước sợi chỉ ước nguyện vào chiều thứ bảy hàng tuần là nghi lễ được tiến hành đều đặn để những người phụ nữ nuôi dưỡng ước nguyện với nghề. Du khách cùng tham gia chương trình này như cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống với những niềm vui nỗi buồn đằng sau mỗi bức tranh, là ước mơ, khao khát vươn lên, những tâm nguyện giành cho nghề.

 

Nghệ nhân XQ đang thêu tranh.
Nghệ nhân XQ đang thêu tranh.
Du khách nước ngoài ước nguyện cùng nghề thêu.
Du khách nước ngoài ước nguyện cùng nghề thêu.

Tranh thêu XQ đến nay đã vươn xa, là sản phẩm chinh phục nhiều người, nhiều giới ở nhiều vị trí xã hội, đến từ nhiều quốc gia, từ các chính khách, nhà quân sự, nhà nghiên cứu đến những tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật…Hành trình chinh phục ấy là chiều sâu văn hóa nghề thêu được làm nên từ  những bàn tay tài hoa và tấm lòng gìn giữ những giá trị văn hóa của ngành nghề.

  HẢI YẾN