Hoa, công trình kiến trúc, những gương mặt đầy sắc thái…, tất cả được tái hiện qua những bức tranh làm từ chất liệu len.
Hoa, công trình kiến trúc, những gương mặt đầy sắc thái…, tất cả được tái hiện qua những bức tranh làm từ chất liệu len. Để hoàn toàn sẵn sàng cho thời điểm ra mắt loại sản phẩm tinh xảo này, những người làm nghề đã mất đến 10 năm tìm tòi, sáng tạo và phá cách từ những sợi len tưởng rất xù xì, chỉ có công dụng làm ấm qua các loại trang phục thường nhật.
|
Chị Võ Thị Sơn bên bức tranh thêu len ảnh Bác Hồ. |
Chị Võ Thị Sơn - một thành viên sáng lập cơ sở tranh len nghệ thuật BSH( 49/23/9B Phạm Hồng Thái, Phường 10, Đà Lạt) say sưa kể về thế giới của len mà chị cùng những người bạn theo đuổi. Với sự hướng dẫn của anh Ngọc Tuấn - người được chị Sơn nhận xét là người thầy lành nghề và sáng tạo nhất mà chị từng biết, chị Sơn - người có thâm niên mấy chục năm dệt len đã mê say những bức tranh len ngay từ ngày đầu tiếp xúc với chúng.
Một thế giới của sắc màu, của hình khối, của sự mềm mại được sáng tạo từ len. Hoàn toàn không có bất cứ sự can thiệp của những kỹ thuật công nghiệp hiện đại, chỉ bằng đôi tay và con mắt tinh tường, người thợ xay tơi những sợi len thô, phối màu, tạo chi tiết thành một bức tranh hoàn chỉnh. Nhìn tranh, mọi vật sống động, màu sắc “ đi” rất” ngọt”, từ những sợi lông măng trắng của thân nhành hoa lan, cặp mắt của người thiếu phụ chùng buồn, ô cửa sổ mở ra chân trời bao la phóng khoáng…, những bức tranh như có một sức mê hoặc người thưởng lãm.
Đến với tranh len, không chỉ chị Sơn mà những người bạn đều bị len hút toàn bộ tâm trí để thỏa sức sáng tạo. Anh Ngọc Tuấn đã mất 10 năm trời nghiên cứu, dày công mày mò cách thể hiện tranh bằng len. Đến hôm nay, những người theo học loại hình này như được tiếp thêm lòng say mê ấy, thỏa sức bay bổng với việc tái hiện thế giới qua len. Biểu đạt về con người, phong cảnh, sự việc…, tranh len không hề tỏ ra thua kém tranh thêu, tranh vẽ, tranh cát…Hoa marguerrit trắng tinh khôi, lan hài vệ nữ kiêu sa, hồng môn rực rỡ sắc đỏ, loa kèn hé nụ e ấp…, cả thế giới hoa Đà Lạt hiện lên sống động trong thế giới tranh len. Những người thợ cũng đã thành công khi thể hiện thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà khoa học lừng danh thế giới và cả hình ảnh của những con người bình thường lặng lẽ giữa cuộc đời.
Người thợ đã chinh phục hoàn toàn chất liệu làm tranh để lồng vào bức tranh ấy nét thần thái của nhân vật, những nếp nhăn trên vầng trán, những ánh mắt xa xăm, những ngón tay gầy guộc, những sợi tóc trắng điểm trên mái đầu đã hằn dấu thời gian…Nhìn tranh, nhìn được tính cách, tâm hồn nhân vật, đó là thành công lớn của người sáng tạo. Tranh len còn mở ra thế giới kiến trúc như Ga Đà Lạt, những ngôi trường rợp bóng cây xanh…
Cuối năm 2007, lần đầu tiên tranh len của BSH được triển làm trong phòng trừng bày của Trung tâm Phụ nữ và phát triển tại Thụy Khuê, Hà Nội. Sau những ngày triển lãm, nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tốt từ khách hàng, đặc biệt là những người bạn ở xa vốn giành một tình cảm yêu mến đặc biệt đối với thành phố sương mù, những người thợ của BSH tự tin hơn và tiếp tục trở về Đà Lạt luyện nghề. Đến nay, khi lòng đam mê, kỹ năng làm tranh như đã hòa vào nhau, họ mới bắt đầu giới thiệu về cơ sở của mình.
Những sợi len nguyên thủy, không hề nhuộm màu đi vào tranh tạo ra một sức mê hoặc kì lạ đối với người xem. Có góc tranh len nhìn mềm như lụa để biểu đạt mặt phẳng, len khi được để nguyên sợi lại tạo cảm giác ấm áp còn lúc đánh kĩ thuật lại tạo hình ảnh mềm và tơi như bông… Sau 3 năm sáng tạo, tranh len đã được biết đến như một mặt hàng lưu niệm mới của Đà Lạt.
Hải Yến