Đến Sa Pa, điều để lại ấn tượng sâu sắc với du khách là được tham dự những đêm “chợ tình” réo rắt tiếng khèn gọi bạn, sóng sánh ánh mắt, nụ cười thân thiện…
Không chỉ tuổi học trò mà ngay cả khi quá nửa đời người nhưng đọc lại truyện ngắn nổi tiếng “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, trong tôi vẫn bồi hồi rung cảm trước câu chuyện tình lãng mạn của những người tri thức trẻ hăng hái tình nguyện lên nơi thâm sơn, cùng cốc để xây dựng miền tây Tổ quốc.
Sa Pa vào những năm sáu mấy, bảy mươi thế kỷ trước vắng vẻ, đìu hiu lắm – Chả thế mà chàng kỹ sư Đài khí tượng phải lăn đá ra lòng đường chắn xe khách lại (thời ấy, phải đến hơn tháng trời mới có một chuyến xe khách qua lại) để được gặp, được nói chuyện cho bớt nhớ người, nhớ miền xuôi.
Sa Pa nằm trên cao nguyên Lồ Suối Tủng, cao trên 1.600m so với mặt biển. Sa Pa nguồn gốc tiếng Quan thoại là: Sa Pả, Sa Pá nghĩa là “bãi cát”.
|
Sa Pa dưới đỉnh Pan Xi Păng quanh năm sương phủ. |
Từ năm 1897, người Pháp đã khảo sát nơi đây và do phát âm không dấu nên có tên gọi Sa Pa. Năm 1903, đoàn thám hiểm phát hiện ra vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu ôn đới của cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả nên 1909 quyết định xây dựng thị trấn Sa Pa làm nơi nghỉ dưỡng của quân đội viễn chinh.
Những năm đầu thế kỷ 20, Sa Pa có khoảng 300 ngôi biệt thự phong cách cổ điển Pháp.
|
Một biệt thự cổ nay cải tạo thành khách sạn. |
|
Nhà thờ đá Sa Pa. |
Sa Pa có 6 dân tộc anh em chung sống: H’Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó, Kinh. Từ Hà Nội lên Sa Pa 365 km. Với nhiều danh thắng độc đáo như: Thác Bạc, Cầu Mây, bãi đá cổ, dãy Phan Xi Păng có đỉnh cao 3.143 m… và nhiều sản vật thiên nhiên, trong đó có nguồn dược liệu quý hiếm, phong phú nên Sa Pa trong đôi thập niên nay không còn “lặng lẽ” như xưa nữa. Sa Pa đang được đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch – dịch vụ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống; đang chuyển mình, thu hút du khách trong và ngòai nước, những nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử tìm đến bởi nét hoang sơ, thơ mộng và văn hóa, tập tục rất đặc sắc của đồng bào bản địa.
|
Xuống phố. |
|
Đôi trẻ trong đêm “chợ tình”. |
Điều để lại ấn tượng sâu sắc với du khách là được tham dự những đêm “chợ tình” réo rắt tiếng khèn gọi bạn, sóng sánh ánh mắt, nụ cười thân thiện… được tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần ở trung tâm thị trấn.
|
Người dân tộc bản địa giao lưu với khách du lịch. |
|
Và say sưa bên điệu khèn. |
Thanh Đạm