Cao nguyên đá kỳ vĩ Đồng Văn - Hà Giang

06:03, 23/03/2011

Hà Giang, tỉnh nằm ở vị trí cực Bắc của Tổ quốc; Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Giang là tỉnh kết nghĩa anh em với Lâm Đồng. Về địa thế, Hà Giang có 8 huyện, một thị xã thì 2 huyện phía Tây bắc là vùng cao núi đất và 4 huyện phía Đông bắc là vùng cao núi đá. Năm 2010 tổ chức unesco - Liên hiệp quốc đã công nhận vùng cao nguyên núi đá này là công viên địa chất Quốc gia và Quốc tế. Đây là công viên đá thứ 69 trong các công viên địa chất toàn cầu và thứ hai trong vùng Đông Nam Á.

Hà Giang, tỉnh nằm ở vị trí cực Bắc của Tổ quốc; Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Giang là tỉnh kết nghĩa anh em với Lâm Đồng. Về địa thế, Hà Giang có 8 huyện, một thị xã thì 2 huyện phía Tây bắc là vùng cao núi đất và 4 huyện phía Đông bắc là vùng cao núi đá. Năm 2010 tổ chức unesco - Liên hiệp quốc đã công nhận vùng cao nguyên núi đá này là công viên địa chất Quốc gia và Quốc tế. Đây là công viên đá thứ 69 trong các công viên địa chất toàn cầu và thứ hai trong vùng Đông Nam Á.

Khu vực phía Đông bắc Hà Giang gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được gọi một tên chung là cao nguyên Đồng Văn. Ở đây, đá chiếm đến 3/4 đất đai; người, vật, cây cối, sông suối bám vào đá để tồn tại, sinh sôi phát triển. Toàn bộ cao nguyên là di sản đa dạng địa chất, đa dạng cổ sinh địa tầng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế thuộc các lĩnh vực lịch sử tiến hoá của vỏ trái đất.

Phố Phó Bảng - thị trấn huyện Yên Minh, Hà Giang.
Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng.
Thị xã Hà Giang điểm khởi đầu của xứ sở cao nguyên đá. Con sông Lô hiền hoà phân đôi thị xã, phía hữu ngạn sông, phố xá, công sở nằm ven theo các chân dãy núi đá sừng sững; độ cao so với mặt biển của thị xã chỉ khoảng 400 mét, nhưng nhờ núi đá mà mùa hè khí hậu khá mát mẻ, dễ chịu không khác với Đà Lạt, Sapa bao nhiêu.

Rời khỏi thị xã là tiếp cận ngay với thế giới huyền bí của đá và mây trời. Con đường độc đạo từ thị xã qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc khi len lỏi giữa những rừng đá lởm chởm, lúc men theo những vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm; có đoạn lại vượt qua những ngọn đèo cao vút, quanh năm mây phủ dày đặc, dân địa phương gọi đó là cổng trời. Thế giới đá ấy đã hình thành mấy trăm triệu năm trước, trải qua quá trình phong hoá thầm lặng và dữ dội đã tạo thành những khu vườn đá với nhiều hình thù kỳ dị, đặc biệt, hấp dẫn. Đó đây, trong các thung lũng hẹp, lớp lớp các khối đá to nhỏ xếp gối lên nhau giống như những đàn gấu đen bóng, tựa vào nhau đang nằm nghỉ ngơi. Các dãy núi có hình dạng kim tự tháp nối tiếp nhau chạy dài từ nam lên bắc, đỉnh nhọn cao ngất ngưỡng, sườn dốc lởm chởm đá tai mèo. Khắp vùng Đồng Văn, Mèo Vạc lại có những chóp đá, tháp đá có hình dạng ngộ nghĩnh như những nụ hoa, bông hoa hoặc kiểu rồng cuộn, hổ ngồi… sự cấu tạo đa dạng này đã làm cho cảnh quan toàn miền cao nguyên không buồn tẻ, hiu quạnh như các khu vực chỉ thuần đá vôi cổ.

Bên cạnh những vách đá màu xám trắng lại xen kẽ những dãy đồi đá phiến thoai thoải bao phủ một lớp cỏ mượt mà màu xanh lá mạ, khi nắng chiều rải xuống, màn cỏ ánh lên một màu vàng vàng, tim tím cực kỳ huyền ảo. Sông suối chảy qua cao nguyên cũng khá kỳ dị, bí ẩn. Những dòng nước trắng xoá, trong veo đang réo ầm ầm bên chân núi bỗng nhiên mất hút trong lòng núi đá rồi lại hiện ra dưới các hẻm vực vừa dài vừa rộng như một lát dao sắc ngọt xẻ đôi khối núi đồ sộ. Sự đa dạng, phong phú về sinh học của cao nguyên cũng hết sức độc đáo. Xen lẫn giữa những khối núi đá hùng vĩ là các khoảnh rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn với nhiều loại gỗ, lâm sản, dược liệu quý hiếm như: nghiến, thông đá, tùng bách, dẻ, thảo quả, hương nhu, đỗ trọng, nấm hương, các loài phong lan v.v… Cao nguyên đá cũng là môi trường thân thiện của trên 50 loài thú, bò sát, chim muông như: sơn dương, gấu, vọc, khỉ, hoẵng, heo rừng, cầy hương, kỳ đà, trăn, gà rừng, trĩ, đại bàng, hoạ mi v.v…

Cùng với những giá trị đặc hữu về địa chất, địa mạo, sinh học, cảnh quan… cao nguyên đá Đồng Văn còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá truyền thống đẹp đẽ của 22 dân tộc anh em cư trú nơi đây. Từ bao đời nay bà con các dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Phù Lá, Pu Péo v.v… đã sáng tạo ra cách sản xuất, cách sống, ăn, ở… riêng biệt để thích nghi với môi trường thiên nhiên.

Những khoảnh đất trong các thung lũng giữa trùng vây đá núi được kết cấu thành những mảnh ruộng bậc thang; tận dụng các hốc đá tai mèo, bà con đã gùi đất lên bỏ vào từng hốc để gieo ngô, đậu. Vào mùa hè, mùa mưa ở cao nguyên, lúa, ngô, đậu, lanh, tam thất, hương nhu… trên nương rẫy, hốc đá vách núi tốt tươi xanh mướt hoà lẫn trong hương thơm ngào ngạt của hoa dại và cỏ mật. Nhà cửa, bờ rào vườn tược, chuồng gia súc đều xây dựng bằng đá. Nghệ thuật kiến trúc đá đã đạt mức độ tinh xảo.

Tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc dân gian dân tộc ấy là dinh thự họ Vương ở Sà phìn, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10 cây số. Đây là dinh thự của Thổ ty Vương ChínhĐức. Đầu thế kỷ thứ 20, khi chấp chính ngôi vị Thổ ty - một chức quan cai trị Đồng Văn, Vương Chính Đức triệu thợ giỏi các tộc người Mông, Lô Lô, Phù Lá… các địa phương trong vùng về xây dựng dinh thự. Toàn bộ 10 ngôi nhà ngang, dọc rộng hơn 1200m2, các dãy nhà phụ, tường rào bao quanh đều xây bằng đá. Từng chi tiết xây cất, đẽo gọt đá, gỗ ván đã thể hiện sự khéo léo, tinh tế, đặc sắc của tay nghề những người thợ dân gian bản địa.

Thời Pháp thuộc, Vương Chính Đức đã giành được quyền tự trị đất Đồng Văn. Người kế nhiệm Vương Chí Thành đã ngăn giữ không cho người Nhật xâm nhập vào Đông Văn. Cách mạng tháng 8 thành công, Vương Chí Thành giao đất Đồng Văn cho chính quyền cách mạng quản lý. Bác Hồ kết nghĩa huynh đệ với Vương Chí Thành, những năm 60 thế kỷ trước ông được Bác Hồ mời về sống ở Hà Nội để có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tuổi già.

Điểm cực Bắc của Tổ quốc và cũng là trung tâm của cao nguyên đá là thị trấn Đồng Văn. Nơi đây là xứ sở độc đáo về khí hậu và địa hình “Đất rộng mênh mông nhưng không được bao nhiêu thước bằng phẳng - Trời  quanh năm không được vài ngày nắng”. Khu phố cổ Đồng Văn được hình thành từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 19. Tuy thời điểm xây dựng không đồng nhất nhưng cung cách kiến trúc đều có nét khá tương đồng: nhà hai tầng, tường đá xanh, khung nhà gỗ không có mộng thắt, không chạm trổ cầu kỳ, mái lợp ngói âm dương… Hiện nay còn lưu giữ 20 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm. Dinh thự họ Vương và khu phố cổ Đồng Văn đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Phố thị Đồng Văn còn là nơi tiêu biểu của những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc ở cao nguyên.

Những ngày hội dân gian, các ngày phiên chợ hàng tháng, người người từ các bản làng gần xa tụ hội về đông vui tấp nập, màu sắc trang phục sặc sỡ, đẹp mắt; cả không gian tràn ngập tiếng cười nói, lời ca ngọt ngào, âm thanh đàn, khèn, sáo du dương, quyến rũ. Người lớn tuổi, thanh niên không phân biệt nam nữ gặp nhau trong các hàng quán bình dân, tuỳ lứa tuổi và sức khoẻ, họ mời nhau chén rượu ngô thơm nồng, bát thắng cố béo ngậy, bát cháo ẩu tẩu vừa có vị đăng đắng lại ngòn ngọt… những món ẩm thực đặc sản, ai được thưởng thức một lần là nhớ mãi….

Từ thị trấn Đồng Văn ngược thẳng về phía Bắc khoảng 20 cây số là xã Lủng Cú, mỏm địa đầu của đất nước, nhìn lên bản đồ Việt Nam, cái chóp nhô cao như một mũi mác, chính là đất Lủng Cú. Những ngọn núi xếp lớp đơn nguyên nơi đây là điển hình của loại đá trầm tích, loại đá cổ nhất của trái đất. Lũng Cú ở độ cao gần 1800 mét. Đứng giữa xứ sở này, ta có cảm giác như đang sống bồng bềnh giữa mây ngàn gió núi; mây trắng bời bời phủ che trên đầu, trôi lững lờ dưới chân, bao quanh lẩn quất bên mình.

Tại thôn Séo Lũng, cách trung tâm xã gần 5 cây số có ngọn núi Rồng, cột cờ Tổ quốc dựng trên đỉnh núi, sát cột mốc số 17 biên giới Việt - Trung. Tên núi Rồng đã có từ lâu đời, do đồng bào địa phương đặt. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tên núi nơi địa đầu Tổ quốc với dòng dõi con Rồng cháu Tiên của dân tộc ta. Lá cờ đỏ sao vàng với diện tích 54 mét vuông - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ngày ngày kiêu hãnh tung bay giữa trời xanh, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc ta. Bao thế hệ qua, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm, mọi áp lực, những người dân thuộc hai dân tộc kiên cường Mông, Lô Lô ở Lũng Cú đã không tiếc mồ hôi, xương máu để bảo vệ quốc kỳ, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng. Lớp lớp người dân Lũng Cú xứng đáng với niềm tin, sự kính phục của nhân dân cả nước.

Trên đoạn đường phía Tây từ thị trấn Đồng Văn qua Mèo Vạc là ngọn đèo Mã pí lèng, một cảnh quan địa mạo tuyệt đẹp. Đứng trên đỉnh đèo ta có cảm tưởng chỉ vài sải tay là có thể với được tới trời. Dưới chân đèo, bên hữu, ở độ sâu hơn 1000 mét là dòng sông óng ánh bạc Nho quế, con sông lớn nhất của cao nguyên bắt nguồn từ Lũng Cú, luồn lách, ẩn hiện qua nhiều dãy núi đá để đưa nước về hợp lưu với sông Gâm, chi nhánh lớn của  Lô giang.

Phía tả đèo, một thung lũng hẹp hun hút dưới sâu với đôi ba chục nóc nhà nhỏ tựa lưng vào dãy núi đá vời vợi, một ngôi làng quá heo hút nhưng lại được khá nhiều người không chỉ Hà Giang biết đến, bởi hàng năm ở đây diễn ra một phiên chợ đặc biệt: chợ tình khau vai, mỗi năm chỉ họp một lần vào cuối mùa xuân. Gọi chợ tình là theo nghĩa thông tục, chứ ở đây, người về chợ là để giao lưu tình cảm, tình yêu đôi lứa, không hề có chuyện mua bán hiện đại. Chợ tình khau vai hay gọi đúng hơn ngày hội tình yêu - tình bạn là một trong những nét văn hoá truyền thống đáng trân trọng của các dân tộc Đồng Văn.

Cho đến nay, cảnh vật, con người trên cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang vẫn giữ được khá đậm đà những nét hoang sơ, kỳ vĩ, tinh khiết có sức lôi cuốn đối với du khách trong và ngoài nước.

Ngô Diệp