Dăk Bla ký sự

05:03, 21/03/2011

(LĐ online) - Dak Bla, dòng sông chảy ngược từ đông sang tây, khởi thuỷ từ thượng nguồn Polei Breng rồi xuôi về YaLy, tỉnh Kon Tum. Sông tri âm tri kỷ, dặt dìu chở nặng những tầng trầm tích văn hoá các cư dân Ba Na, Jơ Rai, Xê Đăng, Rơ Măm, Rơ Ngao…Sông chất chứa tâm sự của đại ngàn: một sắc đỏ hoa pơlang, một lảnh lót tiếng chim ch’rao, và vang vọng đàn krông pút, mênh mang hợp tấu cồng chiêng trong bập bùng ánh lửa…

(LĐ online) - Dak Bla, dòng sông chảy ngược từ đông sang tây, khởi thuỷ từ thượng nguồn Polei Breng rồi xuôi về YaLy, tỉnh Kon Tum. Sông tri âm tri kỷ, dặt dìu chở nặng những tầng trầm tích văn hoá các cư dân Ba Na, Jơ Rai, Xê Đăng, Rơ Măm, Rơ Ngao…Sông chất chứa tâm sự của đại ngàn: một sắc đỏ hoa pơlang, một lảnh lót tiếng chim ch’rao, và vang vọng đàn krông pút, mênh mang hợp tấu cồng chiêng trong bập bùng ánh lửa…

Dăk Bla vắt ngang thành phố Kon Tum, nơi có nhà thờ gỗ nổi tiếng, xây dựng năm 1913 và hoàn thành năm 1918. Nhà thờ không có bê tông cốt thép hay vôi vữa mà bằng gỗ cà chit và đất trộn rơm. Công trình là sự kết hợp phong cách Roman châu Âu và kiến trúc nhà sàn người Ba Na.

 
Rời nhà thờ gỗ, qua Dăk Bla để vào làng Kon Klor của người Ba Na bằng chiếc cầu treo Kon Klor. Chiếc cầu treo đẹp nhất Tây Nguyên này dài 292 m, rộng 4,5 m, hoàn thành ngày 1/5/1994 (ảnh 2). Nhưng thủy chung với Dăk Bla, phương tiện gắn bó lâu đời nhất với con người ngoài cặp xe bò ngụp sông là thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc chế tác từ một khúc gỗ nguyên khoét ruột, có chiều dài khoảng 5 m, chiều rộng nửa mét. Thuyền là phương tiện đi lại, thả lưới đơm cá, dăng bẫy bắt chim và còn là không gian những điệu hò sông nước của các chàng trai Ba Na tìm bạn tình…

 
Qua hữu ngạn cầu Kon Klor, ngược hướng mặt trời neo đỉnh núi là đến làng Kon Jơri, xã Dăk Rơ Wa. Ẩn hiện những mái nhà rông sừng sững. Nhà rông - linh hồn, trái tim của buôn làng. Nhà rông hội tụ những giá trị tinh thần và ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng mà sâu lắng…Ở đó là tiếng cười của trẻ, là câu sử thi cổ của già; và lung linh đồng vọng của ngàn xưa nối lời với hôm nay…Xa nhà rông thì nhớ, đến với nhà rông thì vui.

 
 
Xuôi đường bazan vào sâu nữa là làng cổ Kon Ktu, áp bờ Dăk Bla. Làng đậm nét Ba Na nguyên sơ. Một nhà rông truyền thống cao vút, 22 m - từ sàn đến chóp đỉnh, dài 16m, rộng nhất 6,5m; tổng diện tích hơn 100 m2 . Ảnh 7: Vợ chồng già làng Kon Ktu cùng cháu và tác giả bên “nhà rông cha”. Cạnh nhà rông, nơi những đêm dài kể “khan” và múa “xoang”, nơi làm lễ bắt giọt nước (K’lang T’nglang) là ngôi nhà sàn cổ kính bằng gỗ và đất trộn rơm. Nơi đây, lắng một lời nguyền giữ ngọn lửa để cùng nhà rông duy trì sự sinh tồn của cộng đồng Kon Ktu (ảnh 8 và 9).   
 

 

Minh Đạo