Đào rọ SaPa

01:03, 30/03/2011

“Sa Pa Thác Bạc, Cầu Mây/Có Đào Bích nhị ngất ngây lòng người”. Sa Pa (Lào Cai) với những vườn đào vào mùa trĩu quả trong các bản quanh thị trấn. Quả đào Sa Pa chính hiệu (nói thế để phân biệt với đào từ Trung Quốc hoặc đào từ Lào Cai tới) chỉ nhinh nhỉnh cái chén mắt trâu, căng tròn, được bao phủ một lớp lông mỏng màu cẩm thạch, pha lẫn những vết màu huyết dụ lấm chấm đen. Cầm trái đào Sa Pa mới hái, du khách “không thể kìm hãm sự sung sướng”, lau vội lớp lông, cắn. Vị chua thanh, chát chát, ngòn ngọt, mùi thơm đặc vị không lẫn vào đâu được…, cảm như tinh tuyết đất trời Sa Pa hòa quyện trong miệng…

“Sa Pa Thác Bạc, Cầu Mây/Có Đào Bích nhị ngất ngây lòng người”. Sa Pa (Lào Cai) với những vườn đào vào mùa trĩu quả trong các bản quanh thị trấn. Quả đào Sa Pa chính hiệu (nói thế để phân biệt với đào từ Trung Quốc hoặc đào từ Lào Cai tới) chỉ nhinh nhỉnh cái chén mắt trâu, căng tròn, được bao phủ một lớp lông mỏng màu cẩm thạch, pha lẫn những vết màu huyết dụ lấm chấm đen. Cầm trái đào Sa Pa mới hái, du khách “không thể kìm hãm sự sung sướng”, lau vội lớp lông, cắn. Vị chua thanh, chát chát, ngòn ngọt, mùi thơm đặc vị không lẫn vào đâu được…, cảm như tinh tuyết đất trời Sa Pa hòa quyện trong miệng…

Đào Sa Pa được bán rải rác bên vệ đường cửa ngõ thị trấn, nhưng chủ yếu là đưa tới chợ Sa Pa bằng lờ củ, sọt, rọ trên vai người Mông, trên xe thồ; nhiều thì bằng xe ôtô. Đào được xếp hình tháp, nằm phủ kín các vỉa hè phố chợ. Và mặc dù mát như Sa Pa, đào vẫn phải được để ngỏ, thoáng. Chứ lại cho đào vào túi nilông thắt nút kín rồi để trong thùng xe ôtô, ròng rã hàng trăm cây số thì còn gì là đào!

Thào A Tre ( thứ 2 từ trái sang) cùng bạn thợ rọ tại thị trấn Sa Pa.
Thào A Tre ( thứ 2 từ trái sang) cùng bạn thợ rọ tại thị trấn Sa Pa.
Đào Sa Pa như cô gái đẹp một cách giản dị nhưng lại hay làm nũng, kén cá chọn canh, va chạm dễ tổn thương. Cô gái đẹp ấy rất ưa chàng rọ tre đồng hương vừa cứng cáp lại vừa dẻo dai. Ra chợ đào Sa Pa, khách hàng thường chỉ say sưa với đào và cô bán đào người Mông nói năng vẫn còn nhiều thơ ngây, dễ thương hoặc là bà buôn đào người Kinh khéo nài khách bằng cả đuôi con mắt mà ít khi để ý đến người đan rọ đựng đào. “Thợ rọ đào” toàn là đàn ông người Mông. Họ không dùng xe thồ rọ cồng kềnh cản trở giao thông, mà “tác nghiệp” ngay tại chợ đào, cạnh vườn hoa Nhà thờ Đá. Có chàng cần mẫn một mình nơi gốc cây. Những đoạn tre vầu bánh tẻ được thợ rọ dùng dao sắc do chính người Mông làm, tách ra thành sợi nan vừa dẻo vừa dai, rồi thoăn thoắt bắt kết thành những chiếc rọ hình dáng tựa như chiếc phích đựng nước sôi nhưng mập ngang hơn. Rọ thường có 2 cỡ. Cỡ đựng 5kg và cỡ đựng 3kg đào, vừa với “khuôn” món quà du lịch Sa Pa của khách miền xa. Độ dày của nan rọ và độ thoáng của “mắt rọ” cũng vừa, nếu vần đi vần lại cái rọ chứa đầy đào thì chỉ có rọ là tiếp đất chứ đào không hề “mất an toàn”.

Rọ được bán ngay tại chỗ. 5000 đồng một cái, bất kể to nhỏ. Thào Mí Páo - người bản Cát Cát, tay đan rọ cừ khôi bảo: “Bán chung một giá cho nhanh. Rồi mọi người cũng mua hết”. Thường là chủ đào mua rọ của thợ đan rọ để đựng đào cho khách. Khách mua đào thì trả tiền rọ cho chủ đào, vẫn 5000 đồng một cái.

Thợ rọ đào chỉ hành nghề trong mùa đào, hết đào lại làm nương, phát rẫy, rỗi rãi thì đi chơi. “Đan rọ bán cũng vui lắm, có tiền mua áo cho vợ, mua quyển sách cho con, lại có tiền uống rượu…”. Thào A Tre nói thế. A Tre 35 tuổi, trẻ hơn Thào Mí Páo, quê ở bản Xá, Sa Pả, huyện Sa Pa, có vợ và 4 đứa con. A Tre để vợ và các con chăm sóc đàn gà, lợn ở nhà, còn mình đi chợ thị trấn đan rọ đào. Gặp hôm có nhiều đoàn khách du lịch, thợ rọ đào bận túi bụi. Từ lúc ông mặt trời thấp thoáng ngọn cây thông phía Đông tới khi ông ấy xuống núi, A Tre cùng các bạn, mỗi người đan và bán được tới gần 50 cái rọ, rủ nhau ăn phở thật vui, số tiền còn lại mang về đưa cho vợ…

“Ơi Sa Pa, thành phố trong sương! Bốn mùa hoa trái ngát hương”. Nghỉ mát Sa Pa, ai ơi đừng quên đào rọ.

HOA FĂNG