Nằm trên ngọn đồi Tương Sơn, đỉnh đèo Mimosa, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5 km, nơi yên nghỉ của nữ sĩ Tương Phố. Nơi đây là điểm đến thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ và cũng là nơi thăm quan thật ý nghĩa khi có dịp đến Đà Lạt.
Ngọn đồi Tương Sơn vẫn ngày ngày đón những du khách văn chương có dịp đến Đà Lạt ghé thăm, những người đã từng mến mộ nữ sĩ Tương Phố. Từng nổi tiếng với những sáng tác như Giọt lệ thu”(1928) và “Mưa gió sông Tương” (1960), nữ sĩ đã được rất nhiều bạn bè và độc giả nhớ đến. Nơi đây Tương Sơn, cũng là nơi mà nữ sĩ đã và đang yên nghỉ đã trở thành một điểm du lịch văn hóa lý thú. Đến đây, du khách dừng chân ngắm đèo Mimosa, thăm quan nhà trưng bày các tác phẩm của nữ sĩ, thắp nén nhang lên mộ nữ sĩ…
Có nhiều đoàn khách thăm quan lên Đà Lạt mong muốn có những tập thơ của nữ sĩ mà không có, may mà lần này lên Đà Lạt mới biết được địa điểm này. Tôi nhớ lại hôm đi thăm mộ nữ sĩ Tương Phố. Từ Hồ Xuân Hương theo lối chùa Tàu xuống đường Mimosa qua bệnh viện Hoàn Mỹ, chập chùng thông, thưa thớt nhà dân, bất chợt có một đồi thông hoang vắng, có tấm biển đắp bê tông dựng bên chân Đồi Tương Sơn. “Đồi Tương Sơn, nơi yên nghỉ cuối cùng của nữ sĩ Tương Phố”. Từ chân đồi lên phần mộ đã có con đường xây bậc rất vững chãi, và tôi đến thì tốp thợ đang thi công mở con đường bê tông cho xe ô tô lên khu mộ của Nữ sĩ Tương Phố.
Bên tay phải con đường là Mộ nữ sĩ Tương Phố và bên tay trái là ngôi biệt thự với nhiều chức năng: Nhà quản trang, nhà Bảo tàng Tương Phố! Trông coi Khu này là cụ Nguyễn Ngọc Ninh 78 tuổi. Biết chúng tôi là độc giả yêu thơ Tương Phố, cụ tiếp chúng tôi rất ân cần chu đáo, chỉ dẫn rất tỷ mỹ chi tiết từng hiện vật ở Khu Bảo tàng này!
Quả thật, đến Đà Lạt bây giờ không chỉ là đi ngắm cảnh nữa mà có rất nhiều điểm du lịch văn hóa cần được biết tới, đồi Tương Sơn chính là một trong những địa điểm như vậy. Còn gì thú vị hơn khi đến một địa chỉ văn hóa, được ngắm cảnh thiên nhiên, được ngâm thơ đọc sách và nghe tiếng thông reo trong sự yên bình của đất trời Đà Lạt. Hay đâu đó vẫn thấy người nữ sĩ năm xưa đọc thơ khiến lòng mình xao xuyến biết bao.