Bình yên di tích gỗ Nam Bộ

02:04, 13/04/2011

Cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 40 km, Nhà Lớn Long Sơn toạ lạc tại xã Long Sơn từ 100 năm nay. Không gian rộng lớn đến 38 ha với  khu di tích bằng gỗ đồ sộ, khu sản xuất, khu buôn bán, trường học…Nơi đây hiện diện như một biểu hiện trường tồn về lòng thành kính của người dân trước tấm lòng của một người khai phá, lập ấp cho xã đảo Long Sơn- ông Lê Văn Mưu( ông Trần).

Cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 40 km, Nhà Lớn Long Sơn toạ lạc tại xã Long Sơn từ 100 năm nay. Không gian rộng lớn đến 38 ha với  khu di tích bằng gỗ đồ sộ, khu sản xuất, khu buôn bán, trường học…Nơi đây hiện diện như một biểu hiện trường tồn về lòng thành kính của người dân trước tấm lòng của một người khai phá, lập ấp cho xã đảo Long Sơn- ông Lê Văn Mưu( ông Trần).
 
Những phụ nữ kết cườm trang hoàng cho khu Nhà Lớn.
Những phụ nữ kết cườm trang hoàng cho khu Nhà Lớn.

Xã đảo Long Sơn dạt dào gió biển. Dù đang đi giữa cái nắng của buổi xế trưa, những cơn gió đã đem đến cảm giác thật dịu mát. Gió lùa vào khu nhà gỗ đồ sộ được xây dựng từ năm 1910. Trong khu nhà, những bàn tay phụ nữ đang nhịp nhàng, bình thản kết cườm; nam giới tập trung hạ ván đón bá tánh chuẩn bị về dự lễ Vía Ông. Sự ngăn nắp, hiền hoà, nhẹ nhàng ấy diễn ra như nhịp điệu vốn có trong khuôn viên Nhà Lớn. Khu nhà này dựng nên từ những thước gỗ lim, sến, trắc, gụ…từ hơn 100 năm trước, là sức mạnh và tấm lòng của ông Lê Văn Mưu. Con người dũng mãnh ấy từng tham gia  cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do ông Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Cuộc khởi nghĩa không thành, ông về vùng núi Nứa ở phía nam rừng Sác lao động sinh cơ lập nghiệp. Người đàn ông vạm vỡ mình trần, tóc búi, làm việc không kể nắng mưa giông gió đã vỡ đất, khai hoang cả vùng đất rộng lớn nằm gọn trên núi Nứa, xây dựng quần thể nhà gỗ rộng 2 ha trong tổng diện tích rộng rãi đến 38 ha để thờ phụng, sinh sống, ông còn cất nhà cho bá tánh buổi đầu tới Long Sơn tìm kế sinh nhai nhưng còn thiếu một mái nhà. Không chỉ dựng nơi sống, ông còn lập trường học, nhà hội, chợ… để tạo nên cuộc sống đẩy đủ cho những người ông cưu mang. Sau khi ông mất, cảm khái hình ảnh của một con người lớn với tấm lòng cao cả, người dân lập nên đạo ông Trần và tổ chức lễ Vía Ông vào ngày 20.2 âm lịch hàng năm.
   
Những người dân quanh vùng đến với nhà lớn Long Sơn như một phần của lịch sinh hoạt đều đặn. Họ ngưỡng vọng ông nên trong việc chăm chút nhà lớn, mọi người thực hiện trật tự, nề nếp. Đàn ông tham gia vào đội hình phiên gồm phiên hầu, phiên chức, phiên ngủ để chăm lo việc thờ phụng, sửa soạn, đón khách, duy trì nề nếp trong không gian Nhà Lớn. Ông Đoàn Văn Lực năm nay đã 80 tuổi, mái tóc và hàm râu đã bạc trắng, cười hiền từ bảo rằng ông làm phiên đã 60 năm nay trong nhà lớn rồi. Không gian nhà gỗ được kết nối liên hoàn và trải rộng, trong không gian ấy, có nhiều vật dụng bằng gỗ  quý, khảm trổ tinh xảo từ những bộ bàn ghế, tủ, phản…Đặc biệt, nhà lớn còn lưu giữ bộ bàn ghế bát tiên mà Vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh. Sinh thời, ông Trần yêu thích và đề cao tinh thần nhân nghĩa của truyện Lục Vân Tiên nên đã nhờ một hoạ sĩ từ Bến Tre đến vẽ lại câu chuyện này bằng tranh. Đến nay, bộ tranh Lục Vân Tiên vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn bởi kỹ thuật vẽ màu. Đi giữa quần thể kiến trúc rộng lớn, du khách không bị choáng ngợp mà lại có cảm giác thật gần gũi, ấm cúng. Có lẽ, bản chất của đạo ông Trần không cao siêu, hướng về đời thực, không nhiều lễ nghi mà là câu chuyện của đạo lý làm người.
   
Ngoài đại công trình làm bằng gỗ, khu nhà lớn mở rộng với gần chục mẫu lúa, gia súc gia cầm, khu làm muối… Người dân đến ngày mùa tự phân chia ngày công, xắn tay làm phần việc cần làm. Hoa lợi thu được trên vùng đất rộng lớn mà ông Trần đã dày công khai phá trước đây nay được con cháu dùng để ủng hộ những mảnh đời còn khó khăn, các thầy cô giáo và học sinh, đóng góp xây dựng nhà đồng đội…
   
Ngoài ngày Vía ông, lễ cầu an trăm họ diễn ra vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch. Ngày lễ với những món chay đậm phong cách Nam Bộ như chuối ghém, trái su, bí rợ, mắm chay làm từ đu đủ và cải muối, bánh ít trần…Năm 1991, Nhà Lớn Long Sơn được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Năm 2009, nhà Lớn Long Sơn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập đây là” Quần thể kiến trúc cổ dân gian lớn nhất Bà Rịa- Vũng Tàu”. Nhà Lớn Long Sơn nuôi dưỡng hồn văn hoá Nam Bộ ăm ắp với những bộ áo bà ba đen bước chân trần, nhẹ nhàng, hiền từ trong từng lời nói, cử chỉ …


Hải Yến