Lần đầu tiên tôi “xuất ngoại” với đoàn tham quan Hội Nhà báo Lâm Đồng theo tour của đơn vị du lịch Dalattourist chi nhánh TP.HCM. Khi biết điểm đến là Hồng Kông, nhiều bạn bè và người thân đùa vui: Chà, thương hiệu đấy! Tha hồ sắm sửa ở “Thiên đường mua sắm” nhé !
Hồng Kông nhộn nhịp về đêm |
Từ hàng thế kỷ trước, Hồng Kông là hải cảng tấp nập những thương thuyền Tây phương mang hàng hoá sản xuất từ châu Âu sang trao đổi với trà, dược liệu, gia vị, tơ lụa của Trung Hoa. Hải cảng rất phồn thịnh, việc mua bán rất tấp nập nên Hồng Kông theo tiếng Hán có nghĩa là Hương Cảng (tức “cảng thơm”). Đặt chân đến Hồng Kông lần đầu tiên, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi có quá nhiều trung tâm thương mại, tài chính quy mô hoành tráng. Các khu mua sắm tập trung chủ yếu tại đảo Kồng Kông và bán đảo Cửu Long. Và, cũng phải đặt chân đến Hồng Kông, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa của cụm từ “Thiên đường mua sắm của châu Á”. Có thể nói, Hồng Kông là trung tâm trung chuyển từ hàng trăm cơ sở gia công cho các hãng thời trang quốc tế cũng như các hãng CNTT từ Ma Cao, Quảng Châu, Thẩm Quyến ra thế giới. Chính bởi vậy, hầu hết các mẫu mã mới nhất hay các công nghệ tiên tiến nhất đều có thể tìm thấy ở xứ Hương Cảng này.
Theo chân hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Đạt (người Việt, quốc tịch Hồng Kông), đoàn chúng tôi đã đến thăm những khu điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng của Hồng Kông như cây cầu Thanh Mã đẹp nhất châu Á, vịnh nước cạn, đại lộ các ngôi sao, ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi Thái Bình, tận hưởng các trò chơi cảm giác mạnh như tàu siêu tốc, thế giới ảo, không gian 3 chiều tại công viên Disneyland… Đến du lịch Hồng Kông, hầu hết các đoàn du khách đều được dẫn đến tham quan mua sắm tại trung tâm vàng bạc đá quý và cửa hàng miễn thuế - đây là chính sách kích cầu hoàn hảo không đánh thuế cho đa số các mặt hàng của ngành du lịch Kồng Kông (ngoại trừ rượu và nước hoa). Và, để mua quà lưu niệm thì nơi phù hợp nhất có lẽ là “Chợ quý bà” – Ladies’ Markt dài xuyên qua mấy dãy phố, mở cửa từ trưa đến khoảng 11 giờ khuya. Nơi đây bán nhiều mặt hàng từ quần áo, thú bông, túi xách, trang sức, đồ lưu niệm… tha hồ để lựa chọn và giá cả nói chung là rẻ hơn nhiều với với sản phẩm cùng loại mà mua ở trong các cửa hàng ngoài phố hay ở trung tâm thương mại. Tuy nhiên, khi mua sắm ở chợ này nên trả nửa giá rồi tăng từ từ đến khi người bán chấp nhận.
Rất nhiều hàng hóa được bày bán tại Chợ Quý Bà |
Sau một ngày mệt nhoài, bỏ cả cơm trưa để ngắm “thiên đường mua sắm Kim Sa Chuỗi”, chúng tôi hớn hở trở về khách sạn vào lúc 3 giờ 30 để chuẩn bị ra sân bay làm thủ tục kết thúc hành trình chuyến du lịch Hồng Kông. Nhìn những món quà nhỏ xinh, ít ỏi mua sắm được ở Trung tâm thương mại TsimShaTsui, tôi lại véo von: “Không đâu bằng chốn quê nhà!”.