Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường

03:04, 29/04/2011

(LĐ online) - Theo các nhà chuyên môn, việc thành lập một trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường chính là bước đi quan trọng trong việc từng bước kiện toàn mô hình hoạt động của Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà.

(LĐ online) - Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 50km, trên đường 723 nối Đà Lạt (Lâm Đồng) với Nha Trang (Khánh Hòa) – hai trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Theo các nhà chuyên môn, việc thành lập tại đây một trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường chính là bước đi quan trọng trong việc từng bước kiện toàn mô hình hoạt động của Vườn cùng với việc góp phần quan trọng vào công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương nói riêng và ở phạm vi toàn quốc nói chung.

Buổi sáng sớm ở rừng quốc gia Bidoup Núi Bà.
Buổi sáng sớm ở rừng quốc gia Bidoup Núi Bà.

VQG Bidoup Núi Bà có diện tích hơn 65.000ha, trong đó 91% diện tích có rừng, được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Đây là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng như rừng kín thường xanh mưa ẩm núi trung bình, rừng hỗn giao cây lá rộng – lá kim ẩm á nhiệt đới, rừng thưa cây lá kim á nhiệt đới núi thấp và rừng hỗn giao cây lá rộng và tre nứa. Chỉ riêng về hệ sinh thái, Bidoup Núi Bà là sinh cảnh đặc trưng cho hệ sinh thái của vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và vùng núi thấp của nam Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn thì VQG Bidoup Núi Bà có quy mô lớn về diện tích, đồng thời chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, có khí hậu quanh năm mát mẻ và cảnh quan hùng vĩ, rất xứng đáng để trở thành khu du lịch sinh thái mẫu chuẩn của Việt Nam và đồng thời là nơi giáo dục môi trường lý tưởng của không chỉ Việt Nam. Tại quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Bidoup Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà” ngày 19.11.2004 thì mục tiêu và nhiệm vụ của Vườn đã được ghi rõ: Bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của TP Đà Lạt. Bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa nơi cội nguồn của TP Đà Lạt. Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới. Và, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Trong vài năm gần đây, với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái trong VQG Bidoup Núi Bà. Cùng với đó, cũng trong vài năm gần đây, một trong những điều kiện thuận lợi nữa là nhiều dự án viện trợ không hoàn lại của các tổ chức trong và ngoài nước đã và đang được triển khai tại Vườn nhằm thực hiện chương trình du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Bên cạnh, trong quá trình quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển Vườn thì việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học và các giá trị nhân văn cùng với việc lập kế hoạch phát triển du lịch sinh thái có quan hệ hữu cơ với nhau và đòi hỏi phải có một tổ chức chuyên trách đảm nhận.

Cùng với việc phát triển du lịch sinh thái là một trong những nhiệm vụ của Vườn được quy định tại văn bản của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Lâm Đồng thì một yêu cầu cấp bách khác được đặt ra cho VQG Bidoup Núi Bà nữa là tăng cường công tác giáo dục môi trường và xem đây là một hoạt động thường xuyên nhằm từng bước thay đổi ý thức của cộng đồng xã hội theo hướng bảo vệ và khai thác hợp lý những tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn phục vụ cho việc phát triển bền vững của Vườn.

Và, từ những cơ sở vừa phân tích ở trên, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định thành lập “Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường” thuộc sự quản lý trực tiếp và toàn diện của VQG Bidoup Núi Bà, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn và nghiệp vụ của Sở Du lịch thương mại và Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, mục tiêu trước mắt của Trung tâm được xác định là: Xây dựng VQG Bidoup Núi Bà thành một địa điểm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường có quy mô tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương, có sức thu hút du khách và các tổ chức kinh doanh du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, đây còn là nơi phục vụ và thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí chính đáng của nhân dân và du khách; đáp ứng các nhu cầu về tham quan và nghiên cứu của học sinh, sinh viên và của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Rồi nữa, Trung tâm cũng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Và, thông qua hoạt động du lịch, Trung tâm còn góp phần vào việc nâng cao nhận thức của du khách và người dân địa phương về công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Khắc Dũng