“Ông tướng” ở Lệ Mật

03:05, 18/05/2011

Xem tích trò “Đả giảo long, cứu công chúa” do đội dân vũ làng Lệ Mật trình diễn trong Lễ hội truyền thống của địa phương, khán giả không khỏi trầm trồ khen ngợi người đóng vai ông tướng – lão nông Hoàng Ngọc Dậu.

Xem tích trò “Đả giảo long, cứu công chúa” do đội dân vũ làng Lệ Mật trình diễn trong Lễ hội truyền thống của địa phương, khán giả không khỏi trầm trồ khen ngợi người đóng vai ông tướng – lão nông Hoàng Ngọc Dậu.

Cụ Dậu – bố của liệt sĩ Hoàng Ngọc Thuấn, ở tổ 8, phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) đã hơn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng. Cụ có đôi mắt rất sáng, giọng nói  ấm và mái tóc trắng như cước pha chút phiêu bồng, lãng tử. Mấy chục năm qua, cụ chuyên đóng vai ông tướng nhà Lý trong tích trò nổi tiếng ấy.

Cụ Dậu trogn vai tướng nhà Lý.
Cụ Dậu trogn vai tướng nhà Lý.
Kế thừa di sản văn hóa mô phỏng chuyện chàng trai hiền tài trị thủy quái giảo long, cứu công chúa Nhà Lý trên sông Thiên Đức hồi thế kỷ XI; để tăng tác dụng giáo dục lịch sử truyền thống đối với thế hệ trẻ; được lãnh đạo xã khuyến khích, cụ Dậu tích cực góp phần củng cố đội dân vũ của làng.
 
Hiểu rõ “Có tích mới dịch nên trò”, cụ tham gia sáng kiến để toàn đội nhanh chóng nắm vững, hiểu sâu chuyện “Đả giảo long, cứu công chúa”. Ấy là một ngày đẹp trời. Công chúa Nhà Lý đi du ngoạn trên sông Thiên Đức (sông Đuống). Nhan sắc của nàng làm cho cảnh vật thêm tươi thắm. Thấy thế, thủy quái nổi sóng, cho giảo long nổi lên mặt nước dìm thuyền, cướp công chúa. Nghe tin dữ, vua cha lập tức sai tướng giỏi điều binh đi ứng cứu. Song, các võ kiệt đều không đủ sức đương đầu với thủy quái hung hãn. Duy có chàng Công, người làng Lệ Mật đã lặn xuống đáy sông. Sau một hồi giao tranh quyết liệt, chàng đã chiến thắng thủy quái, tiêu diệt giảo long, đưa công chúa lên bờ. Chàng được người đời ca tụng: “Đề nữ phục sinh-Tráng sĩ danh truyền Lý sử”...

Khi diễn tích này, cụ Dậu thể hiện xuất sắc vai vị tướng Nhà Lý (Xem ảnh) điều khiển cuộc chiến đấu. Với tướng mạo uy hùng và một tấm lòng nhân hậu, vị tướng đã thao lược với cái tâm sáng, con mắt tinh tường, biết tạo điều kiện cho bậc hiền tài lập công. Chính vì thế, nên tuy không trực tiếp giết giảo long, cứu công chúa như chàng Công, nhưng vị tướng vẫn được toàn dân kính trọng và tôn phục. Hệ quả là, từ đó, mỗi khi gặp cụ Dậu, bà con lại hồ hởi: “Xin kính chào Ông tướng!”.
 
Ngoài những buổi thể hiện tích trò ấy tại hội làng, theo lời mời, cụ Dậu cùng đội dân vũ Lệ Mật còn đi biểu diễn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm triển lãm Giảng Võ-Hà Nội và một số vùng dân cư khác. Năm 1995, kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đội vào phục vụ bà con thành phố Hồ Chí Minh tại công viên Đầm Sen, Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ngày ấy đã dự xem và tỏ lời khen ngợi.

Cụ Dậu tâm sự: “Đội dân vũ càng ngày càng được dân làng và quan khách yêu quý. Tuy nhiên, lớp diễn viên cũ thì ngày một già đi. Các diễn viên tuổi thanh niên thì cũng đến lúc lập gia đình, phải tập trung thời gian lo việc nhà, việc sản xuất… Thế là lại phải tuyển và đào tạo người mới. Được lãnh đạo và chính quyền quan tâm động viên. Bên cạnh đó, tình yêu nghệ thuật và lòng tự tôn dân tộc của bà con dân làng vẫn thăng hoa”. Bất giác, cụ Dậu nhìn xa xăm. Giọng trầm xuống: “Liệu có lúc nào người ta nỡ quên đi quốc hồn, quốc túy; quên đi lịch sử quê cha, đất tổ của mình!”.

Nhìn dáng cụ, hiểu tâm sự của cụ, tôi lại thấy hiện ra hình ảnh Ông tướng Nhà Lý chỉ huy “Đả giao long, cứu công chúa” trong đội dân vũ Lệ Mật lừng danh.

Phạm Xưởng