(LĐ online) - Ngày cuối tuần, chúng tôi xuôi hướng quốc lộ 20 về Đơn Dương tìm đến xã Tu Tra – nơi có nghệ nhân Ya Tuất làm nhẫn (tiếng Churu gọi là Srí) nổi tiếng một vùng.
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về quy trình làm nhẫn, Ya Tuất vội đi lấy bạc, khơi bếp than hồng chuẩn bị “biểu diễn”. Trong căn bếp nhỏ, ánh lửa từ đống than củi đã bùng lên, hun đỏ cả khay đựng bạc được làm bằng đất sét. Cạnh đó, khuôn đúc nhẫn nhìn như một chiếc chân gà co quắp cũng được hun đỏ rực. Ngồi bên bếp lửa, Ya Tuất vừa lau giọt mồ hôi vừa cắt nghĩa giảng giải: “Với nghề làm nhẫn bạc này, công đoạn khó nhất là đổ bạc vào khuôn, việc này chỉ diễn ra trong tích tắc, nếu chậm tay sẽ đổ bể hết cả”.
Thổi lửa để nấu bạc |
Dứt lời, nhận thấy được độ “chín” của bạc, anh vội đưa tay lấy chiếc kẹp sắt nâng khay đựng bạc đổ nhanh vào cái khuôn đang đỏ rực trên bếp than hồng. Ngay lập tức, anh lại gắp khuôn nhẫn ra và nhúng vào tô nước để sẵn. Công đoạn khó nhất đã hoàn thành, chờ cho lớp khuôn làm bằng hỗn phân trâu và đất sét tan hết, Ya Tuất gắp chiếc nhẫn lên và lau rửa cẩn thận. Sau công đoạn này, người nghệ nhân còn phải mài rửa, đánh bóng cẩn thận và đính hạt Kơnia (màu đỏ tươi hoặc màu sẫm) vào mặt trên của nhẫn dành cho đàn ông. Còn nhẫn dành cho người phụ nữ chỉ có hoa văn và đánh bóng bề mặt là được.
Những chiếc khuôn đã hoàn thành để chuẩn bị đúc nhẫn |
Cũng theo nghệ nhân Ya Tuất, công đoạn làm nhẫn bạc còn rất công phu ở việc tạo khuôn. Thường thì để có hình dáng chuẩn, hoa văn đẹp, không bị cong vênh, khuôn được làm từ sáp ong. Bên ngoài được bao bọc bởi một lớp hỗn hợp phân trâu và đất sét. Các công đoạn được giải thích có vẻ dễ dàng nhưng việc thực hiện cũng rất khó, bởi: “Tùy trình độ khéo tay của mỗi người nhưng có người làm đến công đoạn cuối cùng là đổ bạc vẫn bị hư hỏng, hình dáng nhẫn bị méo mó” – Ya Tuất nói thêm.
Theo niềm tin của người Chu Ru, nghề làm nhẫn bạc không phải ai cũng làm được. Hiện nay, ngoài Ya Tuất còn có 3 người khác làm được nghề này sau một thời gian dài học hỏi. Đó là con trai của anh – Ya Thương chỉ mới 19 tuổi, cháu và em trai Ya Tỷ cũng đang còn rất trẻ.
Chiếc nhẫn bạc đã hoàn thành |
Để phát triển và giới thiệu rộng rãi nghề này, từ năm 2008, Ya Tuất bắt đầu biểu diễn làm nhẫn tại Khu du lịch đồi Mộng mơ (TP. Đà Lạt). Tại đây anh đã tự tay thực hiện tất cả các công đoạn để hoàn thành một chiếc nhẫn bạc truyền thống giới thiệu tới du khách. Nhiều du khách tỏ ra thích thú và không ngần ngại chi tiền mua nhẫn (khoảng 150.000 – 300.000đ/chiếc) để một lần được sở hữu tín vật linh thiêng của người dân tộc Chu Ru vùng đất Nam Tây Nguyên huyền thoại.