Một ngày trên hồ chứa nước Ka La

03:06, 01/06/2011

Hồ Ka La cũng là một trong những công trình thủy lợi trên cả nước được Bộ NN&PTNT công nhận công trình đạt chất lượng vàng. Thắng cảnh thiên nhiên nơi đây khá thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, mở mang du lịch và cải tạo môi trường, sinh thái trong vùng…

Được ví như một “Biển hồ trên núi”, hồ chứa nước Ka La - Di Linh có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho nhân dân 3 xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Lạc và các vùng phụ cận. Hồ Ka La cũng là một trong những công trình thủy lợi trên cả nước được Bộ NN&PTNT công nhận công trình đạt chất lượng vàng. Thắng cảnh thiên nhiên nơi đây khá thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, mở mang du lịch và cải tạo môi trường, sinh thái trong vùng… Một ngày thưởng ngoạn trên hồ chứa nước Ka La thật ấn tượng. Nhưng chợt giật mình, bởi phía sau có những ẩn họa luôn rình rập…
 
Thuyền của người dân hoạt động trên hồ Ka La.
Thuyền của người dân hoạt động trên hồ Ka La.

Cơn mưa đầu mùa và sức gió khá mạnh làm cho thời tiết trong lòng hồ Ka La u ám. Con thuyền đang cập bến cũng lắc lư, chao đảo. Chúng tôi cùng các cán bộ Trạm Khai thác thủy lợi Di Linh quyết định xuống thuyền xuất bến.

Người lái thuyền là một thanh niên độ chừng 24 đến 25 tuổi, tên là Thắng. Anh cho biết, con thuyền đang chở chúng tôi được anh mua lại của ngư dân từ vùng biển tỉnh Bình Thuận. Hơn 3 năm qua, con thuyền này là phương tiện để vận chuyển hàng hóa, phục vụ trong gia đình và chở thuê số bà con không có thuyền ra vào phía bên kia lòng hồ để sản xuất. Tôi hỏi anh, anh đã có bằng tài công chưa (bằng lái thuyền - PV)? Anh Thắng hỏi lại tôi, bằng tài công là gì? Tôi cười và hỏi tiếp, vậy anh đã có bằng gì rồi, anh trả lời, tôi chỉ có bằng lái xe ô tô…? Sau 15 phút khởi hành, thuyền ra đến giữa lòng hồ. Nước ở hồ Ka La xanh biếc. Ông K’ Róc, người đi cùng chúng tôi trên thuyền, cho biết: “Hồ ở đây có nơi sâu 10 - 15m. Mùa khô nhìn vậy, nhưng vào mùa mưa nước đổ về trông còn dữ dằn hơn”. Ông K’ Róc nói tiếp: “Biết đi lại bằng thuyền trên hồ vào mùa mưa rất nguy hiểm, nhưng cũng phải “liều”, bởi phía bên kia hồ là vườn cà phê của gia đình đã sản xuất lâu rồi…”. Biết hôm nay có các phóng viên xuống, chủ thuyền đã chuẩn bị một số áo phao “còn mới”, thế nhưng, tâm trạng của các thành viên trong đoàn cũng không khỏi quan ngại trước chiếc thuyền đơn sơ, chòng chành giữa hồ nước mênh mông.

Thuyền của chúng tôi cập bến phía bên kia rừng đầu nguồn hồ Ka La cùng lúc với 3 chiếc thuyền của người dân. Hiện ra những rẫy cà phê xanh mướt, ngút tầm mắt. Nhiều ngôi nhà đơn sơ được bà con dựng lên bên hồ Ka La. Có đôi ba đứa trẻ độ chừng 3 đến 4 tuổi ngước mắt nhìn chúng tôi xa lạ. Ông K’ Róc chỉ tay lên phía trước và nói: “Hầu hết các gia đình khi vào đây sản xuất đều đưa con cái đi theo. Bố mẹ nó làm cà phê trên tận đỉnh đồi kia, đến trưa mới xuống, tối đến lại đưa chúng xuống thuyền về bên kia nhà. Tuy vậy, nhưng bọn trẻ vẫn khỏe mạnh, chỉ tiếc rằng, tất cả chúng lớn lên chỉ bằng lời ru trên nương của mẹ, còn chuyện được đi trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay…”.

Dọc theo bên lòng hồ, chúng tôi thấy có khá nhiều chiếc thuyền được neo dây khá cẩn thận. Theo ông Phan Quốc Hội, Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi Di Linh - đơn vị trực tiếp quản lý hồ Ka La: “Hiện tại ở hồ Ka La có gần 15 chiếc thuyền lớn nhỏ của bà con hoạt động. Đây là những phương tiện chuyên chở bà con ra vào phục vụ cho sản xuất phía bên trong lòng hồ và đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, số thuyền lớn hầu hết các chủ phương tiện không có bằng tài công; còn số thuyền nhỏ thì đơn sơ, không đảm bảo chất lượng; thiếu các vật dụng bảo vệ về con người và sử dụng thuyền theo thói quen. Với chức năng của trạm chỉ quản lý môi trường xung quanh và lòng hồ, đảm bảo phục vụ tưới tiêu, riêng việc quản lý thuyền đi lại của bà con thì trạm nằm ngoài quyền hạn…”. Qua tìm hiểu, trước tình trạng bà con dùng thuyền đi lại không đảm bảo an toàn trên lòng hồ Ka La ngày càng phổ biến, vừa qua, các ngành chức năng huyện Di Linh cũng đã vào cuộc, tổ chức gặp mặt và yêu cầu các chủ phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc hoạt động… Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, các hộ gia đình sử dụng thuyền đa số là bà con đồng bào DTTS, chưa hiểu biết về cách sử dụng thuyền, cho nên vẫn còn rất chủ quan mỗi khi cho thuyền hoạt động trên lòng hồ.

Hồ chứa nước Ka La được xây dựng trên suối Da Riam, nằm phía bắc xã Bảo Thuận. Đây là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng. Với diện tích mặt hồ trên 300 ha, hiện tại đang phục vụ tưới tiêu thường xuyên cho 1.650 ha lúa, rau màu, và tạo nguồn nước thô cung cấp sinh hoạt cho khoảng 24.000 hộ dân. Mặt hồ rộng, nguồn nước dồi dào, thắng cảnh nơi đây khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành du lịch sinh thái… Chính vì vậy, việc bà con dùng thuyền đi lại phục vụ sản xuất và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ cũng là lẽ tất yếu.

Trời xế chiều, chúng tôi xuống thuyền trở vào bến. Trở lại câu chuyện với anh Thắng, chủ chiếc thuyền đưa chúng tôi thưởng ngoạn hôm nay. Vẻ ngậm ngùi anh nói: “Thực ra nhiều bà con ở đây sử dụng thuyền còn rất bỡ ngỡ. Đường bộ thì không có, nên bắt buộc phải dùng thuyền, mặc dù chưa có sự việc nào đáng tiếc xảy ra… sắp tới mong các ngành chức năng nên tổ chức các lớp tập huấn sử dụng thuyền, khi đó mới yên tâm…”.

Chúng tôi chia tay các cán bộ trạm thủy lợi khi màn đêm buông xuống. Dưới lòng hồ dần xuất hiện đôi ba ánh đèn của bà con chuẩn bị cho một đêm đánh bắt cá tôm. Cuộc sống nơi đây về đêm thật bình yên. Nhưng phía sau những chiếc thuyền nhỏ mong manh ấy đang thường trực những “hiểm họa” khôn lường…

MẠNH THÀNH