Bình yên Trại Mát

03:09, 23/09/2011

(LĐ online) - Đến Đà Lạt, bạn hãy thử một lần tạm rời trung tâm thành phố xuôi về Trại Mát, tìm kiếm những trải nghiệm thú vị với vẻ đẹp mộc mạc, bình yên của khu ngoại ô phố núi…

Ga Trại Mát.  Nguồn Internet
Nhà ga Trại Mát mô phỏng theo ngọn núi Langbiang. Nguồn Internet
(LĐ online) - Đến Đà Lạt, bạn hãy thử một lần tạm rời trung tâm thành phố xuôi về Trại Mát, tìm kiếm những trải nghiệm thú vị với vẻ đẹp mộc mạc, bình yên ở khu ngoại ô phố núi…

Từ trung tâm thành phố, xuôi về phía Đông Nam, theo đường Trần Hưng Đạo, đường Hùng Vương, chỉ mất khoảng 20 phút chạy xe là đã đến Trại Mát – một khu ngoại ô cách trung tâm Đà Lạt khoảng 8km. Dọc đường đi, bạn còn có thể ngắm thỏa thích những cánh rừng thông reo trong gió đang ngày càng hiếm gặp ở khu trung tâm, những ngôi biệt thự kiểu Pháp vẫn ẩn hiện hai bên triền đồi.

Mùa thu, Trại Mát bình yên trong tiết trời se lạnh, những giọt nắng vàng ươm trải khắp các sườn đồi. Có người bảo Trại Mát là một phần của Đà Lạt nên không thể thiếu những đồi thông reo vi vu, những khóm hoa dại bên đường, những ngôi nhà kiểu Pháp dưới dốc núi… Nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra nơi này chẳng khác mấy hình ảnh của Đà Lạt hai, ba mươi năm về trước.

Không ồn ã như khu trung tâm của Đà Lạt, nhịp sống Trại Mát bình dị và mộc mạc. Ở đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân cần mẫn trên các vườn rau trải dài khắp sườn đồi tựa như ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc xa xôi, đó còn là hình ảnh những cô gái má đỏ, môi hồng đội nón lá, mặc áo len nhổ cỏ bên luống hoa, hình ảnh học sinh đến trường trong chiếc áo len ấm áp, hay hình ảnh của những ngôi nhà gỗ có những cánh cửa màu xanh lẩn khuất trong làn sương mờ ảo giữa cánh đồng rau…

Ở khu trung tâm phồn hoa nhất (chợ Trại Mát) cũng khá nhộn nhịp vào buổi sớm mai. Cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản khá tấp nập, ở đó còn có nụ cười tỏa nắng của chị hàng hoa đèo những bó hoa hồng, hoa cúc khổng lồ bán cho khách…

Cách đi Trại Mát

Từ Trung tâm thành phố Đà Lạt, bạn có thể đi Trại Mát bằng xe gắn máy, xe buýt hoặc xe lửa với giá khá rẻ (có thể đi và về trong ngày hoặc chỉ trong 1 buổi).
-    Xe máy: Bạn có thể thuê tại các điểm gần chợ Đà Lạt, khu Hòa Bình, đường Bùi Thị Xuân… rồi theo đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương chạy thẳng đến Trại Mát, độ dài khoảng 7km tính từ hồ Xuân Hương.
-    Nếu đi bằng xe buýt bạn có thể bắt xe chạy tuyến Đà Lạt – Xuân Trường với giá khoảng 12.000đ/người/lượt tùy km.
-    Xe lửa cổ: Bạn đặt vé tại ga Đà Lạt (trên đường Quang Trung). Vé hiện bán với giá 72.000đ/người (gồm đi và về), mỗi ngày có 5 chuyến xe lửa khởi hành đi Trại Mát phục vụ khách du lịch.
Ngay cạnh khu chợ Trại Mát là trạm dừng chân duy nhất của tuyến xe lửa răng cưa cổ của Đà Lạt. Nhà ga được thiết kế mô phỏng hình ảnh của đỉnh Langbiang huyền thoại. Thỉnh thoảng, loạt âm thanh “tu…tu…tu…tu…” vang vọng của chuyến xe lửa từ Đà Lạt cập ga Trại Mát khiến không gian như bừng tỉnh, du khách trong và ngoài nước ùa xuống thăm quan, xì xồ hỏi thăm, chụp ảnh, quay phim…phá vỡ giây phút bình yên của khu chợ quê.

Ngay phía bên kia khu chợ không xa là Chùa Linh Phước – ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng bằng mảnh chai, là một điểm đến thu hút hàng trăm lượt du khách mỗi ngày. Chùa với kiểu kiến trúc cổ kính, ngoài tòa tháp 7 tầng vươn cao, chùa còn hấp dẫn du khách với bức tượng Quán Thế Âm khổng lồ được kết bằng hoa bất tử (một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt). Bức tượng có một không hai này từng được ghi vào danh sách kỷ lục Guiness Việt Nam trong dịp Festival hoa Đà Lạt 2010 vừa qua.

Mươi phút thăm thú cảnh vùng quê yên bình, viếng đền chùa, cảm nhận tiếng kinh cầu, niệm phật… những muộn phiền của bạn dường như được rũ bỏ. Tạm biệt Trại Mát, bạn sẽ trở về với những cảm giác lạ lẫm khó quên của mảnh đất vùng thôn quê mộc mạc và bình yên.
 
Chùa Linh Phước ở Trái Mát. Ảnh Nguyễn Dũng
Đường dẫn vào Chùa Linh Phước. Ảnh Nguyễn Dũng
Chùa Linh Phước. Nguồn Internet
Chùa Linh Phước. Nguồn Internet
 
 
Một góc Trại Mát
Ảnh Nguyễn Dũng
Một góc Trại Mát
Đủ các loại rau được trồng trên những sườn đồi ở Trại Mát. Ảnh Hải Chiêu

Nguyễn Dũng