Người già ở làng cổ làm du lịch

03:09, 28/09/2011

Ở ngôi làng này, giới trẻ thì ra thành phố làm ăn, còn người già ở lại làm du lịch!

Cụ bà Phan Văn Dũng làm hướng dẫn viên du lịch
Cụ bà Phan Văn Dũng làm hướng dẫn viên du lịch
Đến thăm Làng cổ Đường Lâm - một Di tích thắng cảnh quốc gia của Hà Nội, mới thấy được nét đặc trưng độc nhất vô nhị ở Làng cổ Đường Lâm. Ở ngôi làng này, giới trẻ thì ra thành phố làm ăn, còn người già ở lại làm du lịch!
   
Làng cổ Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Với diện tích 800 ha, 1.973 hộ, gần 9.000 nhân khẩu, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ nguyên vẹn tên của 9 làng nhỏ cho đến nay. Đó là : Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Ngày 28/11/2005, Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng đây là Di tích lịch sử Quốc gia.  Đây cũng là ngôi làng duy nhất của cả nước có đến 9 Đình làng được xếp hạng Di tích Quốc gia và trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.

Sau khi mua vé, bước vào cổng làng, du khách có thể nhận ra cây đa, bến nước, sân đình và quán nước ven đầu làng. Ở đó, có mấy bà cụ trạc ngoài 70 đang ngồi nhai trầu, trò chuyện rôm rả. Một vài cụ đứng lên đón khách và hỏi có muốn cụ đưa đi dạo quanh làng cổ không. Giá cả tùy lòng hảo tâm của khách. Có cụ còn bảo: “Muốn đi bộ cũng được”. Điều này chứng tỏ các cụ hãy còn khỏe và minh mẫn lắm.

Ở đây, cứ hỏi tên là các cụ chỉ nói tên ông chồng của mình - đúng theo ngôn ngữ làng xưa - gạn hỏi mãi thì một cụ bà bán hàng nước và kẹo quê mới móm mém bảo: “Tên tôi xấu lắm, tên Đỗ Thị Dốt, 9 người con, 23 cháu, 10 chắt ngoại. Hiện nay, ông nhà tôi và một số con cháu vào trong Nam sống rồi, cũng khá lắm. Tôi vẫn sống ở đây. Hồi xưa khổ lắm, ra riêng, các cụ chỉ cho mỗi đứa tí đất làm ăn. Giờ nơi đây thành điểm du lịch, có đông khách tới chơi, sướng lắm.” 

Cụ bà Phan Văn Dũng (gọi theo tên chồng) khoe mình là em dâu của cụ Phan Kế Toại (cụ Phan Kế Toại nguyên là  Khâm sai Bắc bộ phủ của chính quyền Trần Trọng Kim. Sau Cách mạng Tháng 8, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhà cụ hiện vẫn ở làng Mông Phụ, sát cạnh nhà bà Dũng)  đưa khách đi dạo quanh làng cổ, bà kể vanh vách những ngôi nhà nào có niên đại 500 năm, nhà nào 400 năm, 300 năm. Theo đó, ở làng của bà là làng Mông Phụ có tới 100 ngôi nhà cổ kính rêu phong được làm bằng đá ong cổ kết dính bằng mật mía. Nhà nào cũng có cổng, tường rào đều bằng đá ong, sân lát gạch nghiêng dẫn vào nhà trong, rồi thì làng bên cạnh là Đông Sàng có chùa Mía cũng rất cổ kính với gần 300 pho tượng cổ được nhiều người đến viếng thăm, rồi bụi duối cổ mà  thời xưa, Ngô Quyền xích voi vào đấy…

Theo bà Dũng, trước đây, đường làng là đường đất, rất lầy lội vào mùa mưa. Sau này khi được phong Di tích cấp quốc gia, làng được Nhà nước cấp kinh phí lát đường bằng bêtông để du khách đi lại dễ dàng bằng xe đạp, xe taxi hay dạo bộ.

Tuy mất đi phần nào dáng dấp ngôi làng cổ nhưng đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách. Khách vào đến cổng làng, trước khi đi dạo, đều ghé vào ngồi xếp chân bằng tròn trên chiếc sập bằng gỗ gụ diện tích rất rộng để nghe cụ Thủ từ Đình làng Mông Phụ là cụ Nguyễn Ngọc Lê kể chuyện lịch sử ngôi làng.

Tuổi đã gần 80 nhưng giọng cụ vẫn sang sảng, kể chuyện rành mạch và thỉnh thoảng cười ha hả, nhất là khi kể chuyện đối đáp thông minh và cái chết oanh liệt của Thám hoa Giang Văn Minh, (người làng Mông Phụ), sứ thần thời Hậu Lê khi đi sứ sang Trung Quốc, rồi Cụ  kể chuyện được đóng phim “Lều chõng” rất vui. Cụ tỏ ra tự hào về đình làng cổ Mông Phụ mà  mình đang được giữ trọng trách trông coi và đón tiếp du khách.
 
Trò chuyện bên quán nước
Trò chuyện bên quán nước

Bà Macdo, một du khách Pháp cho biết: Trong số các điểm tham quan du lịch của Đoàn, đây là nơi thú vị nhất, bà mong muốn trong những lần sau nữa, khi ghé thăm lại, ngôi làng cổ này vẫn giữ được nguyên vẹn nét hoang sơ dân dã như thế này, nhất là những mái ngói cổ kính rêu phong, nhiều chỗ đã mục nát, nên phục chế lại nguyên dạng.

Nếu như làng Mông Phụ nổi tiếng với gần 100 ngôi nhà cổ thì Làng Cam Lâm lại nổi tiếng là 1 ngôi làng duy nhất của Việt Nam có đến 2  vị vua, đó là Vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền. Vì thế, trong ngôi làng này vẫn còn đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền và lăng Ngô Quyền.

Người dân Đường Lâm rất ý thức về giá trị văn hóa của làng mình. Dù người dân trong làng vẫn sống bằng nghề nông là chính như trồng bắp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... du lịch chỉ là phụ, nhưng ai cũng vui vẻ, thân thiện, sẵn sàng ngừng làm việc, mời uống ly nước vối ấm áp khi khách ghé thăm nhà. Điều này cũng dễ hiểu khi con cháu của làng này lập nghiệp rời khỏi làng đi khắp 5 châu 4 bể, nhưng những người già vẫn trụ lại đây và sẵn sàng làm HDV kể chuyện miễn phí cho du khách nghe và đưa khách đi dạo chơi miễn phí quanh làng để tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngôi làng thân yêu của mình.

Bích Vân