Những khu rừng ở Nam Tây Nguyên khoáng đạt, quần tụ nhiều loài chim quý. Vào rừng nghe những bản hòa ca của các loài chim, du khách miên man cùng những tiếng hót lảnh lót, lúc gần lúc xa, mênh mang, réo rắt, trong sáng…
Mi Langbiang - loài chim đặc hữu của cao nguyên Langbiang |
Tour xem chim tại các khu rừng hẳn để dành riêng cho những trái tim thực sự mê say, không quản ngại sự xa xôi, núi đồi cách trở để nghe những âm thanh của cảm xúc. Năm 2009, một đoàn du khách đến từ Thái Lan đã đi theo tiếng gọi của các loài chim quý, theo bản đồ các loài chim di trú, băng qua nhiều khu rừng của Việt Nam, ranh giới của những tiếng hót tại Lâm Đồng được mở ra từ Vườn Quốc gia Cát Tiên, rồi lên Langbian và bước mòn dấu chân tại khu rừng vào cửa ngõ xã Tà Nung của thành phố Đà Lạt. Tour xem chim, nghe tiếng chim hót nổi bật với nhiều thiết bị máy móc lỉnh kỉnh, trong đó, các máy chụp hình và ống nhòm tối tân có thể tạo cảm giác choáng ngợp với những người chưa một lần được biết đến loại hình du thám này. Dường như từ xa, tiếng chim đã thôi thúc trí tưởng tượng, tiếng hót véo von cất cao có thể là của một loài chim có vẻ ngoài sặc sỡ, tiếng hót rộn ràng lại như là sự hội tụ của bầy đàn… Xe đến cửa rừng, lần lượt từng cá nhân nhanh chóng khuân vác máy, lạc bước vào khoảng không mênh mông nhưng không hoang vu bởi bản hợp ca của tiếng chim hót. Anh Piboon- một giảng viên đại học tại Thái Lan đi cùng vợ và con trai, anh chị thay phiên quan sát những cá thể chim trên các cây cổ thụ, bàn luận rồi ghi chép vào nhật ký. Những người bạn của họ di chuyển xa hơn. Lúc này, âm thanh nghe càng lúc càng rõ, có hồn, như chào đón đoàn khách mang theo cả tình yêu thế giới rộng lớn. Từng âm điệu riêng lẻ như có tâm tình và khi hợp lại, chúng trở nên đa thanh âm, làm dịu nhẹ nỗi lòng, giữa rừng vắng, chỉ có những tiếng hót sảng khoái, rộn rã. Sau chuyến đi đó, những hình ảnh về các loài chim và cảm xúc về âm thanh trong các khu rừng đã được giới thiệu một trang web chuyên nghiên cứu về chim mà các thành viên này đã thiết lập. Thế giới ấy là thế giới của tiếng hót diệu kỳ và những bước chân du thám vẫn tiếp tục sưu tập, mong muốn phát hiện ra những loài chim quý để tìm hướng bảo vệ.
Tiếp nối du lịch trong các khu rừng, không thể không kể đến Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà- một trong 221 khu xem chim thế giới và có 3 vùng chim quan trọng trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam với 226 loài chim. Hướng dẫn viên Trần Nhật Tiên làm việc tại Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn đã truyền nguồn cảm xúc cho hành trình Đà Lạt - Klong Klanh kéo dài 2 ngày 1 đêm. Sau chặng đường luồn rừng để đến với Trạm Bidoup, khung cảnh hùng vĩ mà nên thơ của Bidoup - Núi Bà mở ra sinh động. Dưới những tầng mây trắng, rừng yên bình hiện diện. Một bãi cắm trại giữa rừng lá rộng và rừng lá kim là nơi nghỉ chân lý tưởng, ngát hương thơm của cây rừng, du khách có thể thư giãn hoàn toàn cùng rừng núi. Một đêm trong rừng vắng, buổi sáng đón chào lữ khách với tiếng vượn hót, chim kêu. Hàng trăm loài chim làm bừng dậy nguồn năng lượng mới, là tiếng reo vui bình minh, tràn trề sức sống. Sẻ thông họng vàng - một loài chim đặc hữu đẹp ríu rít trong rừng thông, du khách có thể dễ dàng bắt gặp nhất. Nếu những tay máy lão luyện coi Bidoup như một kho báu về hình ảnh thì với du khách, tiếng chim như một món quà quý giá vô hình mà Bidoup đem đến. Những tiếng hót như có thể khiến nguồn cảm xúc trở nên tươi trẻ bởi tiếng hót quá vô lo, yêu kiều, hãnh tiến…
Du lịch để lắng nghe những âm thanh kỳ diệu mà mỗi người ít khi có thời gian và để tâm đến những âm thanh ấy. Nghe tiếng hót mà cũng như nghe chính tiếng lòng mình được khơi gợi với những cảm xúc trọn vẹn giữa thiên nhiên diệu vợi. Tour nghe chim hót và xem chim được coi là “đặc sản” của núi rừng và nếu có dịp, bạn đừng từ chối thứ “đặc sản” này bởi sự kỳ diệu của ngôn ngữ từ âm thanh.