(LĐ online) - Vừa thấy hai vị khách Tây còn khá trẻ bước vào, chị Ka Đông xởi lởi: “Hello ! What’s your name? Where are you from? How are you?...”. Sau màn chào hỏi, Ka Đông bắt đầu giới thiệu cho khách về “làng Gà” độc nhất vô nhị của quê hương mình với ánh mắt đầy tự hào.
(LĐ online) - Vừa thấy hai vị khách Tây còn khá trẻ bước vào, chị Ka Đông xởi lởi: “Hello ! What’s your name? Where are you from? How are you?...”. Sau màn chào hỏi, Ka Đông bắt đầu giới thiệu cho khách về “làng Gà” độc nhất vô nhị của quê hương mình với ánh mắt đầy tự hào.
Du khách chăm chú nghe chị Ka Đông giới thiệu về làng con Gà |
Người nhỏ nhắn, nước da sạm đen vì nắng gió, dù mới 34 tuổi nhưng Ka Đông đã có “thâm niên” làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” đã hơn 10 năm nay. Không rõ học tiếng Anh từ khi nào nhưng Ka Đông kể về sự tích làng con Gà (tên thường gọi của làng K’Long, thôn Đarahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng) bằng chất giọng trầm ấm, lưu loát hệt như người xứ Tây. Trong nắng chiều óng ả, Ka Đông bắt đầu giải thích cho khách về sự ra đời của tượng gà trống 9 cựa khổng lồ ngự giữa làng và tên gọi “Làng con Gà” bằng câu chuyện tình cảm động của đôi trai gái người Cil.
Vừa chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hai vị khách người Đức lại thắc mắc tại sao lại có tục thách cưới? sao người ta thách cưới nhiều lễ vật như vậy? có cách nào bỏ được tục thách cưới này không?... Vẫn bằng nụ cười thân thiện, Ka Đông tiếp tục giải thích cho hai vị khách những điều họ chưa hiểu về tục thách cưới của dân tộc mình.
Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ nên con gái phải đi cưới chồng. Lễ vật thách cưới thường là 5 con trâu, 20 tấm xà rông (còn gọi là tấm bắt chồng) cùng với 5 con gà. Truyền thuyết kể rằng vào ngày nọ có một cặp trai gái rất yêu thương nhau, gia đình đàng trai thách cưới theo tục lệ với những lễ vật truyền thống nhưng trong đó họ yêu cầu chỉ duy nhất một con gà, điều đặc biệt là con gà đó phải có... 9 cựa. Vì muốn lấy được người mình yêu, cô gái đã chấp nhận trèo đèo vượt suối đi tìm bằng được con gà 9 cựa cho họ nhà trai. Nhưng nàng đâu biết rằng con vật đặc biệt đó không có ở trên đời. Tìm kiếm trong vô vọng, nàng đã kiệt sức và gục chết trong rừng sâu. Câu chuyện tình yêu bất tử đó đã được bà con làng K’Long ngưỡng mộ, họ tìm đến nơi nàng chết rồi cùng góp sức gùi đá dựng lên pho tượng gà 9 cựa và lập làng luôn ở nơi đây để làm chứng cho mối tình thủy chung của cô gái. Tượng gà sừng sững như một lời nhắc nhở hãy bỏ những thủ tục hà khắc để đôi lứa đến với nhau. |
Sau khi giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành làng Gà, về pho tượng Gà 9 cựa nặng kỷ lục, về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc… Ka Đông lại dẫn khách đi tìm hiểu cuộc sống của dân làng. Chị Ka Đông tâm sự: “Mình kể chuyện chỉ để giúp họ hiểu thêm về làng con Gà này thôi chứ không lấy tiền công đâu. Khách họ cũng dễ thương lắm, nhiều người khi nghe mình kể còn xúc động đến chảy nước mắt”.
Sau khi 2 vị khách kia đi, vẫn nụ cười ấy, Ka Đông lại kể một câu chuyện về cuộc đời mình với cái duyên đã gắn với pho tượng gà bất động này. Ka Đông cũng không nhớ chính xác từ khi nào mình bắt đầu học nói tiếng Anh và làm công việc như của một hướng dẫn viên du lịch như thế này. Trong trí nhớ của mình, từ lúc khoảng 14, 15 tuổi chị đã thấy có khách du lịch tìm đến làng xem tượng gà trống. Thấy nhiều người lạ đến làng, có cả khách Tây và khách ta nên cô bé Ka Đông lúc ấy cứ tung tăng chạy theo xem, ngơ ngác và thích thú.
Sau này khi đã trưởng thành, đã bắt được một trai làng trong vùng về làm chồng, Ka Đông mới mở cửa hàng bán thổ cẩm dưới chân pho tượng gà để phục vụ du khách. Thấy nhiều khách Tây đến thăm làng, chị đã tự mày mò học tiếng Anh từng chút một. Ngày qua ngày, chị đã có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài không thua kém những người được đào tạo qua trường lớp. “Nhưng mà mình chỉ nói và nghe dược thôi nhé, còn viết và đọc thì mình chịu” – Ka Đông nói vậy.
Nhờ duyên kể chuyện, Ka Đông thường xuyên được hướng dẫn viên của các đoàn khách đi ô tô, đoàn khách lẻ nhờ chị giới thiệu về làng Gà cho khách giúp họ. Không chỉ du khách trong nước mà có nhiều khách nước ngoài cũng nhờ chị hướng dẫn. Chính vì vậy, cửa hàng thổ cẩm của Ka Đông luôn đông khách. Khách đến thường xuyên đến nỗi Ka Đông vẫn nhớ rành rành cứ chiều thứ 5, thứ 7 là hay có khách đoàn từ Sài Gòn, Bình Dương đến, dịp cuối tuần và các ngày khác hay có khách mô tô (khách lẻ, chủ yếu người nước ngoài) từ Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk… ghé thăm.
Năm nay dù đã có 4 mụn con, tất bật với việc ruộng rẫy nhưng Ka Đông vẫn dành thời gian làm hướng dẫn viên cho tour du lịch độc đáo “made in làng Gà”. Những lúc nhàn rỗi, Ka Đông còn tranh thủ ngồi dệt thổ cẩm ngay tại cửa hàng phục vụ khách tham quan. Những sản phẩm của cửa hàng chị cũng làm từ thổ cẩm truyền thống của người đồng bào. Đôi khi khách ngồi nghe kể chuyện rồi mua cái khăn, cái áo, cái túi hay cái xà rông – một trong những lễ vật thách cưới của dân tộc Cil để làm kỷ niệm. Chị Ka Đông còn kể: “Có hôm khách xem mình dệt thổ cầm rồi thấy thích quá đòi chỉ cho dệt thử nhưng đều lắc đầu kêu khó”.
Dù công việc “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” này không đem đến nguồn thu nhập chính để chị Ka Đông nuôi gia đình nhưng sau những ngày đi làm rẫy, chị vẫn ngồi chờ khách tới để tiếp tục kể chuyện, hướng dẫn khách đi tham quan, khám phá cuộc sống của người dân trong làng. Có những vị khách vì quá thích thú nên đã nhiều lần quay lại làng Gà, đó là vợ chồng ông Peter (người Úc), đó là bà Marry (người Anh)… để thêm một lần nghe kể về câu chuyện tình bất tử gắn liền với sự ra đời của làng con Gà có một không hai ở vùng cao nguyên Lâm Đồng này.
Nguyễn Dũng