Thực trạng hoạt động kinh doanh lữ hành và vận chuyển du lịch ở Lâm Đồng vẫn là một bức tranh tối màu.
Theo thống kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh hiện có 33 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 8 đơn vị lữ hành quốc tế, 25 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 2 đại lý lữ hành.
Đà Lạt mùa dã quỳ. Ảnh Văn Báu |
Hầu hết các sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành tại Lâm Đồng là lữ hành nội địa và chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm như: Tổ chức các chương trình du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc tôn giáo trong tỉnh; tổ chức các chương trình mạo hiểm dành cho du khách (chủ yếu là khách quốc tế); tổ chức các chương trình du lịch cho người địa phương đi tham quan du lịch, nghỉ dưỡng đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Xác định kinh doanh lữ hành vận chuyển du lịch là một hoạt động đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, để tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động này, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã phối hợp với CA tỉnh và UBND Tp.Đà Lạt tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của 22 doanh nghiệp cơ sở kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch. Qua đó cho thấy thực trạng hoạt động kinh doanh lữ hành và vận chuyển du lịch ở Lâm Đồng vẫn là một bức tranh tối màu.
Đa số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành vẫn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực còn yếu kém; chưa đủ khả năng thực hiện được những chương trình lớn để thu hút khách đến Lâm Đồng, chưa tổ chức được những chương trình du lịch sự kiện có quy mô lớn tại Lâm Đồng; các chương trình (tour) du lịch còn đơn điệu, được sao chép lẫn nhau, không phong phú mới lạ.
Riêng hoạt động lữ hành quốc tế trong tỉnh còn rất kém, quy mô mới chỉ dừng lại ở phạm vi phục vụ khách du lịch quốc tế đến tham quan Đà Lạt và việc thu hút khách quốc tế đến Lâm Đồng cũng chủ yếu do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của các địa phương khác nối tour.
Tất cả các công ty lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh (8 đơn vị) hầu như chưa tự khai thác và tổ chức được các tour du lịch đưa khách quốc tế từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc đưa người Việt Nam ra nước ngoài du lịch (out bound).
Các hoạt động du lịch out bound chủ yếu phải liên kết với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở các địa phương hoặc 2 chi nhánh của Công ty Du lịch Lâm Đồng và Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt tại Tp.Hồ Chí Minh.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành nội địa đều tập trung phục vụ chủ yếu là khách du lịch vãng lai đến Đà Lạt có nhu cầu tham quan tại địa phương; một số doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình du lịch trong nước cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và người địa phương đi tham quan du lịch các tỉnh, thành khác.
Một số doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm như Cty TNHH Phước Đức, Cty DL Lâm Đồng, Cty CP DVDL Đà Lạt... đã đạt được kết quả nhất định trong việc thu hút du khách đến Lâm Đồng, nhưng vẫn chưa cạnh tranh được với các doanh nghiệp du lịch của các địa phương khác.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành nội địa tổ chức chương trình mạo hiểm liên kết thể thao cho du khách (đa số là khách quốc tế) như: leo núi, leo vách đá, vượt thác, chèo thuyền, xe đạp địa hình, nhưng với những loại hình đặc thù này nhà tổ chức phải có chuyên môn cao và phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, trong khi vẫn chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn triển khai loại hình du lịch này.
Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của các loài hoa. Ảnh Văn Báu |
Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành của một số doanh nghiệp như: không thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, nhưng tổ chức bán tour cho cả khách du lịch quốc tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên du lịch chưa có thẻ, chưa đạt chuẩn quy định, việc lưu hồ sơ đoàn khách thực hiện sơ sài.
Có 3 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành nhưng không thực hiện đúng quy định về kinh doanh lữ hành: không thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Sở VHTTDL) về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh, không lập hồ sơ theo đúng quy định; một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định, nhưng đóng cửa doanh nghiệp để tránh bị kiểm tra.
Nhằm xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng, đảm bảo an toàn cho du khách, Sở VHTTDL đã đưa ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và vận chuyển du lịch.
Ngoài công tác hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định, Sở sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh mở rộng quy mô và hình thức hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước có hình thức liên kết và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động lữ hành tại Lâm Đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bằng cách: bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, cấp phát thẻ theo đúng quy chuẩn; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý điều hành các doanh nghiệp, đội ngũ lái xe và phục vụ xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Xây dựng hệ thống các tour du lịch đặc thù của Lâm Đồng làm đa dạng hóa nhiều sản phẩm du lịch để quảng bá đến du khách, tư vấn giới thiệu cho các doanh nghiệp mở rộng khai thác phục vụ du khách.
Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành, thực hiện thống kê, báo cáo kinh doanh theo định kỳ; đảm bảo tốt về an ninh, an toàn và mua bảo hiểm cho du khách; báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra trong quá trình tổ chức tour du lịch; phản ánh ngay cho cơ quan quản lý những vướng mắc trong quá trình kinh doanh, những biểu hiện kinh doanh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch để sớm được giải quyết.
QUỲNH UYỂN