Tạo thế mạnh của một ngành kinh tế động lực

02:03, 18/03/2012

Tháng 5/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 04 về “Phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015”. Sau gần 1 năm triển khai, những công việc và kết quả ban đầu đã được nhìn nhận để du lịch thể hiện được vị thế là một ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Tháng 5/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 04 về “Phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015”. Sau gần 1 năm triển khai, những công việc và kết quả ban đầu đã được nhìn nhận để du lịch thể hiện được vị thế là một ngành kinh tế động lực của tỉnh.

NHỮNG KẾT QUẢ BAN ĐẦU:

Theo tinh thần Nghị quyết số 04, việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, lấy yếu tố chất lượng dịch vụ và môi trường sinh thái làm trọng tâm, gắn với tổng thể phát triển kinh tế địa phương, phát triển du lịch vừa là động lực, vừa là điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại.
 

Eden Resort - dự án du lịch mới được hoàn thành trong năm 2011.
Eden Resort - dự án du lịch mới được hoàn thành trong năm 2011.

Lượng khách tăng trưởng bình quân được đưa ra với mục tiêu là mỗi năm tăng 10-11%, đến năm 2015 đạt từ 4,5 đến 5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm 10%). Thời gian lưu trú bình quân của khách lên khoảng 2,7 ngày. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2015, dịch vụ chiếm 35,2% đến 35,8% tổng GDP toàn tỉnh. Có 25.000 phòng nghỉ với số phòng đạt từ 1 đến 5 sao chiếm 40%, thu hút 15.000 lao động hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch với 90% lao động trực tiếp được đào tạo. Đa dạng hoá sản phẩm du lịch sinh thái, nâng cấp các khu điểm du lịch, phát triển các làng hoa, khôi phục phát triển làng nghề, gắn phát triển nông nghiệp cao với du lịch. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện tôn tạo cảnh quan, mở rộng dịch vụ…

Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng đạt trên 3.527.000  lượt (với 181.200 lượt khách quốc tế), doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ. Riêng về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có 723 cơ sở lưu trú với 11.612 phòng (đạt 46,4% Nghị quyết), có 21 khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao. Lâm Đông có một làng du lịch đầu tiên trong cả nước xuất hiện trong năm 2011 là Khu du lịch rừng Madagui. Trong năm này, các khu điểm tham quan, khách sạn cao cấp đã đầu tư mở rộng dự án, nâng cấp sản phẩm với số vốn khoảng 500 tỷ đồng.

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức 8 lớp đào tạo sơ cấp nghề, 1 lớp tiếng Anh chuyên ngành nhà hàng - khách sạn, 1 khoá tập huấn nghiệp vụ trong năm 2011, phối hợp tổ chức khoá bồi dưỡng nghiệp vụ về lữ hành vận chuyển, thuyết minh viên, lao động được đào tạo đang ở mức 45%. Công tác quảng bá xúc tiến tiếp tục được thực hiện liên kết, hợp tác du lịch với Hà nội, Đăk Nông, tiếp đón các đoàn khảo sát đến từ Uzbekistan và 6 tỉnh có mối quan hệ liên kết phát triển du lịch với Lâm Đồng. Việc xây dựng môi trường du lịch bền vững thực hiện qua những nội dung như: Kiểm tra đôn đốc về hoạt động kinh doanh du lịch, thẩm định “nhãn hiệu xanh” cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lôi cuốn và đề cử các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng du lịch ở tầm vóc trong và ngoài nước…

NHỮNG CÔNG VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA:

Năm 2012, du lịch Lâm Đồng phấn đấu đón 3,9 triệu lượt khách (trong đó có 200.000 lượt khách quốc tế), doanh thu xã hội từ du lịch đạt 7.020 tỷ đồng, hệ thống lưu trú đạt 14.000 phòng (đạt 56% mục tiêu Nghị quyết đề ra), 65% lao động được qua đào tạo. Sở VH - TT - DL tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, trong đó xây dựng các đề án về: năm du lịch quốc gia 2014; quản lý cơ sở lưu trú du lịch; phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; lành mạnh hoá môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển làng nghề… Song song đó là công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, xây dựng các tour, tuyến du lịch mới, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch gắn với các ngày lễ lớn trong năm.

Trong buổi làm việc vào ngày 16/3 mới đây giữa Thường trực Tỉnh uỷ với Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cho rằng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực, vẫn còn những khó khăn hạn chế cần được khắc phục như: việc khai thác phát triển du lịch chưa có tính đồng bộ và chưa phối hợp hiệu quả; cơ sở vật chất dành cho văn hoá - thể thao phục vụ cho du lịch còn thiếu thốn; các chương trình về văn hoá mang bản sắc dân tộc và tổ chức sự kiện chưa có chiều sâu và còn mang tính cục bộ ở một số địa phương, công tác quảng bá về hình ảnh địa phương cần thực hiện cả trên các kênh truyền hình nước ngoài…

Đồng chí Hoàng Sỹ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cho rằng: trong năm đầu thực hiện Nghị quyết 04, điều đáng ghi nhận là các công việc đã được cụ thể hoá, lượt khách tăng trưởng, nguồn nhân lực được tập trung đào tạo, một số dự án đã được tích cực đầu tư như Khu du lịch rừng Madagui. Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao bước đầu đã gắn với phát triển du lịch. Du lịch đã góp phần ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2011. Để du lịch thể hiện vai trò là một ngành kinh tế động lực, cần quan tâm thực hiện tốt việc tuyên truyền nội dung Nghị quyết, làm rõ lợi thế so sánh về phát triển du lịch - dịch vụ. Xác định du lịch là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, văn hoá, thể dục thể thao… từ đó, phát triển du lịch đúng hướng, có chất lượng và chiều sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ các các sở lưu trú; chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao; coi trọng du lịch sinh thái; gắn du lịch với văn hoá, thể thao, nông nghiệp; tạo ra các mặt hàng lưu niệm đặc trưng…

Hải Yến