Thành công từ sự chia sẻ, hợp tác

03:04, 25/04/2012

Cuối năm 2002, sự kiện công trình Cáp treo Đà Lạt hoàn thành và thu hút rất đông du khách bởi là loại hình dịch vụ mới lạ, thú vị... đã đánh dấu sự hợp tác thành công giữa hai doanh nghiệp: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Lâm Đồng và Công ty Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist).

Cuối năm 2002, sự kiện công trình Cáp treo Đà Lạt hoàn thành và thu hút rất đông du khách bởi là loại hình dịch vụ mới lạ, thú vị... đã đánh dấu sự hợp tác thành công giữa hai doanh nghiệp: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Lâm Đồng và Công ty Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist).

Cáp treo Đà Lạt - công trình sử dụng 100% vốn vay
Cáp treo Đà Lạt - công trình sử dụng 100% vốn vay


Vào năm 2000, dự án Cáp treo Đà Lạt với nguồn vốn 60 tỷ đồng là một dự án rất lớn ở tỉnh, nhưng được nhìn nhận là ít khả thi và có tính rủi ro cao. Vì, dù loại hình cáp treo trên thế giới được sử dụng rất nhiều, nhưng nước ta có ít (Bà Đen - Tây Ninh, Bà Nà - Đà Nẵng), lại chưa tạo được sức hấp dẫn. Do vậy, dự án Cáp treo Đà Lạt ban đầu không nhận được sự đồng thuận trong thủ tục bảo lãnh vốn vay. Nhưng, nhờ có sự ủng hộ một cách mạo hiểm và quyết đoán của Ban giám đốc BIDV Lâm Đồng, dự án đã được triển khai vào đầu năm 2002.

Đối với BIDV Lâm Đồng, cho vay một dự án lớn như vậy mà không có sự bảo lãnh là điều không thể. Giám đốc lúc đó là ông Văn Đình Hải - phải đích thân mang dự án Cáp treo Đà Lạt ra BIDV Trung ương để thuyết trình. Sau đó, dự án Cáp treo Đà Lạt cũng thuyết phục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng bảo lãnh vay tại Quỹ hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển). Nhờ nguồn vốn được giải ngân tốt, nên một dự án sử dụng hoàn toàn vốn vay, với tiến độ giải ngân và xây dựng hợp lý, đã gây bất ngờ vì hoàn thành chỉ trong vòng 10 tháng (2/2002 - 12/2002). Khi đưa vào hoạt động, Cáp treo Đà Lạt còn gây ấn tượng về doanh thu, với lượng khách có ngày lên tới 5 - 7 ngàn người, doanh thu gần 300 triệu.

Cáp treo Đà Lạt lúc ấy được Vietking công nhận là tuyến cáp treo dài nhất Việt Nam (4,6 km/tuyến), là hệ thống cáp đơn tuần hoàn, gồm 50 cabin, xuất phát từ đồi Rôbin đến Thiền Viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.650m, sử dụng công nghệ hiện đại do Công ty Doppelmayr của Áo và Thụy Sĩ cung cấp và lắp đặt. Đi trên cáp treo, du khách được ngắm nhìn Đà Lạt với rừng thông, với những vườn rau, hoa ẩn hiện bên sườn đồi, hòa quyện trong sương mù. Ga đến nằm cạnh khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm, bên bờ hồ Tuyền Lâm - một điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch Đà Lạt.

KDL Cáp treo Đà Lạt đạt mức doanh thu bình quân năm là 20 tỉ đồng, góp phần tạo nên sự tăng trưởng liên tục trên 10% mỗi năm của Công ty Du lịch Lâm Đồng, thu nhập của người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng - là mức thu nhập cao so với các công ty, hãng du lịch khác trên địa bàn. Hơn nữa, sau 10 năm hoạt động, đến nay, KDL Cáp treo Đà Lạt đã thu hồi vốn.

Song song với Cáp treo Đà Lạt, một dự án nữa của Dalattourist đánh dấu sự thành công trong hợp tác giữa hai doanh nghiệp là dự án Xe trượt ống tại KDL Datanla có tổng số vốn đầu tư là 17 tỷ đồng, với 30% vốn vay từ BIDV. Hệ thống xe trượt ống - thác Datanla được đưa vào hoạt động giữa năm 2006, là sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và hiện đại nhất Việt Nam do đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp và lắp đặt. Với độ dài hơn 1km, xuyên qua rừng già nguyên sinh, du khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ ngoài thử nghiệm cảm giác mạnh, còn được thưởng thức nét hoang sơ của núi rừng và thác nước.

Hệ thống Xe trượt ống đưa doanh thu của KDL Datanla tăng hơn 10 lần trong vòng hơn 5 năm (2005 - chưa có dịch vụ, khoảng 2,8 tỉ; đến 2011 là gần 30 tỉ). KDL Cáp treo Đà Lạt, KDL Datanla và KDL LangBiang của Dalattourist là những điểm du lịch có doanh số thuộc hạng cao của tỉnh Lâm Đồng. Có được kết quả này, là do Công ty có định hướng đúng, dùng nội lực để phát triển, nghiên cứu đầu tư những dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo và thú vị; đồng thời tạo được sự gắn kết giữa Ban lãnh đạo Công ty và người lao động trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tăng doanh thu, cải thiện đời sống và thu nhập một cách bền vững.

Ghi nhận về đối tác (BIDV) và nhận định về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, ông Phạm Anh Dũng - phụ trách mảng maketting cho biết: Dalattourist và BIDV Lâm Đồng là đối tác tin cậy của nhau. Ngân hàng sát cánh với Công ty từ những lúc khó khăn; Công ty thực hiện được cam kết kinh doanh đúng định hướng và hiệu quả, không những không tạo ra nợ xấu mà còn đạt được 4 mục tiêu tăng trưởng là: doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, nộp ngân sách tăng và thu nhập của người lao động tăng.

Trong năm 2012, Dalattourist sẽ tiến hành cổ phần hóa. Ban lãnh đạo và cơ cấu tổ chức Công ty có thể có những thay đổi cho phù hợp với mô hình hoạt động mới. Mối quan hệ trong tương lai với các tổ chức tài chính tín dụng có thể cũng thay đổi, nhưng BIDV Lâm Đồng luôn là đối tác tin cậy, có ý nghĩa về lịch sử và truyền thống trong hợp tác làm ăn của Công ty.

LÊ HOA