Đơn Dương với những lợi thế du lịch sinh thái

03:04, 05/04/2012

Tuy chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của địa phương nhưng những nhà hoạch định chiến lược ở Đơn Dương vẫn xác định “cần coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng có lợi thế về môi trường sinh thái, cần quán triệt cho các ngành, các cấp coi việc đầu tư phát triển du lịch là đầu tư cho hạ tầng kinh tế, kể cả việc đầu tư tôn tạo, phát triển các cảnh quan, di tích, tín ngưỡng, điểm vui chơi giải trí”.

Tuy chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của địa phương nhưng những nhà hoạch định chiến lược ở Đơn Dương vẫn xác định “cần coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng có lợi thế về môi trường sinh thái, cần quán triệt cho các ngành, các cấp coi việc đầu tư phát triển du lịch là đầu tư cho hạ tầng kinh tế, kể cả việc đầu tư tôn tạo, phát triển các cảnh quan, di tích, tín ngưỡng, điểm vui chơi giải trí”.

Theo kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2015, Đơn Dương dựa trên thế mạnh chính là du lịch sinh thái để phát triển các mô hình du lịch gắn kết với các loại hình khác như du lịch sinh thái gắn với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, gắn với sản phẩm nông nghiệp, gắn với mô hình trang trại, gắn với sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp…
 

Du khách hòa mình vào không những điệu múa truyềnt hống của người dân tộc thiểu số ở Đơn Dương. Ảnh Thụy Trang
Du khách hòa mình vào những điệu múa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở Đơn Dương. Ảnh Võ Trang

Đơn Dương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và mỗi một dân tộc thiểu số ở đây đều có ít nhất một sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống; hơn nữa, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đó thường gắn với những làng nghề truyền thống của bà con. Trong những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống này, Đơn Dương xác định ba thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được để phát triển du lịch đó là nghề sản xuất rượu cần của người Churu (rất khác với rượu cần của người Cơho và người Mạ), nghề làm gốm và nghề làm nhẫn bạc. Cũng cần nói thêm rằng, Đơn Dương là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Churu - dân tộc thiểu số đại diện cho các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo có các yếu tố văn hóa đặc trưng và không trùng khớp với các tộc người thuộc ngữ hệ Môn Khơme (Mạ, Cơho…) ở những vùng khác thuộc Lâm Đồng nên đây chính là thế mạnh mà khó nơi nào trong tỉnh có được. Nếu không kể nghề làm rượu cần (cũng rất khác so với rượu cần Mạ và rượu cần Cơho) thì chỉ riêng hai nghề làm gốm và làm nhẫn bạc tại các làng nghề thôi cũng đủ để Đơn Dương dựng nên một nền tảng du lịch sinh thái gắn với sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề thu hút được du khách.

Ở mô hình du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp và trang trại, sau Đà Lạt, có thể nói Đơn Dương là địa phương thứ hai có lợi thế để khai thác kinh doanh du lịch. Theo quan điểm của Phòng VH-TT huyện Đơn Dương - đơn vị lập kế hoạch phát triển du lịch Đơn Dương đến năm 2015: Nếu việc trồng rau hoa kết hợp với du lịch được quy hoạch cụ thể và có đầu tư nhất định thì điều đó không những tạo điều kiện thuận tiện cho nông dân yên tâm sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mà còn tạo được sản phẩm “làm nền” để thu hút du khách và để phát triển kinh tế du lịch. Với mô hình trang trại kết hợp với du lịch sinh thái, cũng theo Phòng VH-TT Đơn Dương, việc xây dựng thành các mô hình mẫu về canh tác nông nghiệp (trang trại trồng rừng, trồng cây ăn quả, vườn ươm…) kết hợp với việc tổ chức dã ngoại hoặc tham quan, nghỉ dưỡng cuối tuần thì Đơn Dương có rất nhiều lợi thế.

Đặc biệt, việc phát triển các tuyến du lịch theo nhiều loại hình du lịch, nhiều mô hình du lịch kết hợp cũng là một thế mạnh của Đơn Dương: Tuyến du lịch hồ Đạ Ròn gắn với việc tham quan các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ở xã Đạ Ròn như cơ sở nuôi ong mật ở thôn 1, thăm làng dệt thổ cẩm Chăm ở Suối Thông A, thưởng thức rượu cần tại thôn Ròn, tham quan các mô hình trồng rau hoa của các doanh nghiệp… Hoặc, tuyến du lịch hồ sinh thái Ma Đanh kết hợp tham quan hồ làng nghề kim hoàn và tranh thêu tay của nhà dòng Tu Tra, thăm trang trại chuối laba Ka Đơn. Rồi nữa, đó còn là tuyến du lịch sinh thái hồ Pró kết hợp tham quan làng gốm và thưởng thức rượu cần của người Churu ở xã Pró; tuyến du lịch sinh thái đồi Châu Sơn kết hợp tham quan, tìm hiểu kiến trúc và cảnh quan nhà dòng Châu Sơn (Lạc Xuân) và thác nước Diom A (Lạc Xuân). Đặc biệt, cũng trên địa bàn huyện Đơn Dương, tuyến du lịch sinh thái hồ Đa Nhim với hai “vệ tinh” rất quan trọng là thác Thiên Thai và đèo Ngoạn Mục cùng với các đình, chùa trong khu vực và các buôn làng tại đây sẽ là tuyến du lịch thu hút được rất nhiều du khách.

Hiện tại, du lịch là ngành kinh tế chưa thật rõ nét trong bản đồ kinh tế của huyện Đơn Dương. Tuy nhiên, nếu xét về tiềm năng, như trên vừa phân tích, Đơn Dương là huyện có đủ điều kiện để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai, đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với các mô hình du lịch khác. Đến năm 2015, du lịch là ngành kinh tế được nhắc nhiều ở Đơn Dương sau Đà Lạt là điều mà không chỉ lãnh đạo của huyện này mong đợi.

Khắc Dũng