Hành trình về xứ sở chùa tháp

02:04, 24/04/2012

Chúng tôi đến Campuchia vào dịp Tết cổ truyền của người Khơme kéo dài trong 3 ngày chính là 13, 14, 15 tháng 4 với niềm háo hức sẽ đón một cái tết đậm đà sắc màu văn hóa của xứ sở chùa tháp…

Du lịch Campuchia đang là tour được khá nhiều công ty du lịch chào bán và đông đảo khách người Việt hưởng ứng. Ngoài yếu tố giá tour phải chăng, địa hình liền kề, hành trình này còn hấp dẫn bởi những nét văn hóa - lịch sử khá độc đáo mà nhóm phóng viên Báo Lâm Đồng đã có dịp ghi nhận…

 Kỳ 1:  Đón tết cùng người Campuchia
                                             
Chúng tôi đến Campuchia vào dịp Tết cổ truyền của người Khơme kéo dài trong 3 ngày chính là 13, 14, 15 tháng 4 với niềm háo hức sẽ đón một cái tết đậm đà sắc màu văn hóa của xứ sở chùa tháp…
    

Angkor Wat. Ảnh MPK
Angkor Wat. Ảnh MPK


Từ biên giới hai nước, đi bằng đường bộ, để qua đến Siem Reap - nơi còn hiện hữu quần thể Angkor kỳ vĩ và phủ một bức rèm huyền bí về kiến trúc, đoạn đường đi qua 4 tỉnh là: Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham, Kampong Thom. Dọc hai bên đường, những nếp nhà sàn trải dài để thích nghi với địa hình đặc thù hay bị ngập lụt, cổng chùa dựng lên san sát qua các vùng dân cư. Là vùng đất của chùa tháp, cổng chùa có thể được dựng cách nơi thờ tự hàng km nhưng vẫn là một biểu tượng tín ngưỡng độc đáo, đầy bản sắc.
 

Ảnh MPK
Ảnh MPK


Sắp đến ngày tết, những khu chợ bình dị có phần tấp nập, đông người nhất tại hàng trái cây, bán đồ cúng lễ. Dân từ các khu vực kéo về chợ bằng nhiều loại phương tiện vận chuyển khá thô sơ: xe đạp, xe máy, xe tuk tuk… Không khí chuẩn bị ở những ngôi chợ làng đơn sơ nhưng cũng căng vài tấm bảng bằng chữ Campuchia và cả tiếng Anh “Happy New Year”…
    
Về đến Siem Reap - thành phố du lịch náo nhiệt, sầm uất với trên 200 khách sạn, không khí tết  như làm tăng thêm phần nhộn nhịp ấy. Trời chiều, bên chiếc cầu nối từ khu vực nhà nghỉ, khách sạn sang đến chợ đồ cũ, từng góc hàng nhẹ nhàng bày bán những mâm hàng cúng. Màu sắc vàng rực của hoa cúc, xanh non của các loại lá xếp thành hình tháp, cùng nhang, đèn cây cắm trên  thân cây chuối là mâm cúng phổ biến được những bà nội trợ khoan thai lựa chọn. Nhịp sinh hoạt chầm chậm trôi dưới ánh nắng chiều. Các gian hàng bày bán ngan ngát hoa sen.

Theo phong tục truyền thống, ngày đầu tiên của tết, người dân sẽ dọn nhà để đón một năm mới sạch đẹp, bình yên; ngày thứ 2 dành cho việc làm bánh tét, ngày thứ 3 là ngày quan trọng nhất, người dân cùng đi chùa lễ Phật. Nam giới trong trang phục quần tây áo sơ mi, nữ giới mặc xà rông và áo truyền thống, người người sẽ dùng nước hoa lài, hoa sen tắm cho tổ tiên ở trong nhà, tiếp đó đi tắm tượng Phật trong các ngôi chùa.

Đêm giao thừa, cùng nhóm du khách hòa vào không khí đón năm mới tại một ngôi nhà ở khu vực chợ đêm Siem Reap. Mâm đồ cúng đầy đủ, trang hoàng nhưng không khí không quá lắng đọng. Những bản nhạc vui nhộn mở lên, mọi người nắm tay nhau nhảy múa. Nhạc càng rộn rã, không khí càng phấn chấn. Cảm giác vui tươi lan tỏa cho một năm mới bình an, chan hòa.
    
Không khí đón tết ở Siem Reap mang cảm xúc ngọt ngào trên hành trình về thủ đô Phnom Penh. Mong muốn được hòa vào lễ hội té nước trở nên xa xôi khi hướng dẫn viên Spreap Mony Rady cho biết chỉ ở các ngôi làng mới còn giữ được tục lệ ấy, người ở phố chú trọng vào việc đi chùa.
 

Ảnh MPK
Chùa vàng. Ảnh MPK


Ngày tết, chợ và các cửa hàng lớn đều đóng cửa, người dân Campuchia dừng những hoạt động thường nhật để hướng về cõi thiền, để tận hưởng những ngày tụ họp. Tết chính kéo dài 3 ngày nhưng theo lời Rady, có một số người dân đón tết cả tuần để nghỉ ngơi, thư giãn. Nhịp điệu đón tết ở Phnom Penh về đêm vừa rực rỡ, vừa thanh thản. Trong chùa Analom - ngôi chùa cổ bậc nhất Campuchia, đèn điện trang hoàng sáng lấp lánh, tín đồ đi hành lễ vui vẻ, tấp nập.

Bữa ăn ngày tết Campuchia đạm bạc, mặn mà. Món ăn sang trọng, ngon miệng nhất mà mỗi người chờ đón là amok. Món này gồm thịt gà, cá, tôm nấu trong trái dừa, ăn vừa béo, vừa thơm, vừa đậm. Ăn amok với cơm trắng, bữa ăn đem theo dư vị ngọt ngào trong mùa tết ở đất chùa tháp.

Xuân Trung - Hải Yến - Tuấn Linh