Từ thị xã Tây Ninh, chúng tôi theo Quốc lộ 22B về Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên - Địa chỉ đỏ lịch sử văn hóa Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Từ thị xã Tây Ninh, chúng tôi theo Quốc lộ 22B về Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên - Địa chỉ đỏ lịch sử văn hóa Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam. 60km mà sao thấy dài dài! Mong ước, hồi hộp thường là thế. Cách biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia 3km đã là Rùm Đuôn. Anh Nhẫn tài xế thông thuộc vùng này hơn cả thuộc lòng bàn tay, quặt xe vào bãi đậu dành cho khách du lịch. Từ đấy tới cổng khu di tích, đối diện bên kia đường, không đầy 200 mét.
Du khách tham quan Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: BN) |
Khách tham quan tùy ý thích, mặc bộ đồ bà ba, khăn rằn, mũ tai bèo mua tại quầy hàng lưu niệm. Hướng dẫn viên Phạm Thị Bạch Hoài duyên dáng dẫn chúng tôi vào nhà trưng bày truyền thống. Những “hiện vật biết nói”, qua lời dẫn, tái hiện bao sự kiện lịch sử có một không hai diễn ra tại nơi đây, kể từ khi Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Mã Đà (Chiến khu Đ-Đồng Nai) được chuyển về Rùm Đuôn (1962). Mọi người dừng lại khá lâu trước bút tích của Bác Hồ trong bức thư Người gửi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày 10-3-1965. Thư có câu: “Chú Zuẩn thân mến… Năm ngoái, chú có ý khuyên B (Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B rất tán thành. Nhưng nay (Bác đề nghị) chú đổi chữ “sau” thành chữ trước…”. Ý Bác là, đi thăm trước ngày ta thắng lợi hoàn toàn mới có tác dụng động viên, khuyến khích đồng chí, đồng bào trong ấy. Bác còn nói, vào tới nơi, đưa Bác đến nhà anh Sáu (Đồng chí Lê Đức Thọ - Sáu Mạnh) và anh Bảy (Đồng chí Phạm Hùng - Bảy Hùng) trong Ban lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam… Một cụ già chống gậy đứng nghe đọc thư Bác, đưa bàn tay khẳng khiu lên dụi dụi vào cặp mắt già nua…
Rời nhà trưng bày hiện vật truyền thống, chúng tôi đi sâu vào khu di tích. Giữa đường gặp đoàn người ăn mặc lịch sự, có ông bà đeo huy hiệu 30-40 năm tuổi Đảng lấp lánh trên ngực, hân hoan vẫy chào. Thì ra, đó là chi bộ Đảng một cơ quan địa phương vừa tổ chức kết nạp đảng viên mới tại hội trường của căn cứ. Khu rừng xanh ngắt râm ran tiếng ve ngân giữa muôn vàn cây bằng lăng, móng bò, dầu… Đặc biệt là cây trung quân giống như những chú rắn khoang quấn quanh thân cây mộc. Hướng dẫn viên Bạch Hoài cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai trùng tu, tôn tạo khu di tích (1994), lúc chọn vật liệu lợp nhà, có ý kiến đề xuất dùng vật liệu cứng hoặc chất dẻo để đỡ phải thay thế. Nhưng Ban chỉ đạo quyết định dùng lá trung quân như hiện vật gốc. Đó là thứ lá ngụy trang tốt, phù hợp với thời tiết, khí hậu ở đây. Bình thường, 4-5 năm mới phải thay. Đặc biệt, nếu xảy ra hỏa hoạn, rất dễ cứu chữa vì lá này không cháy lan. Mái trung quân còn giúp du khách cảm nhận cuộc sống đạm bạc, giản dị, hợp thời chiến, lại gợi cảm xúc về lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân…
Sau khi thăm nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh… chúng tôi tới căn nhà dành cho đồng chí Trần Nam Trung. Quan sát các di vật trong hộp kính, thấy có bao thuốc lá Thăng Long hút dở, ông Chín Cai trong nhóm chúng tôi xúc động mở bao thuốc Thăng Long mang theo, châm lửa, đặt lên bát hương rồi chắp hai tay kính cẩn: “Thưa cụ! Con là Trần Văn Cai ở ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên). Em con là Nguyễn Văn Tâm, quê ở Hải Dương, trước kia là cán bộ Đại đội 8 thuộc Trung đoàn pháo binh 75, Quân Giải phóng miền Đông, Nam bộ, đã từng làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục miền Nam nhưng chưa một lần được tới căn cứ này. Em con vừa vào hôm qua, mang theo thuốc lá Thăng Long. Chúng con xin cụ để điếu thuốc này lại được cháy lên dâng cụ!”. Ông Chín Cai lặng nhìn điếu thuốc đỏ rực trên bàn thờ, vái 3 vái dài. Mọi người xúc động làm theo…
Rời khu căn cứ, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Đi trên con đường bê tông ngoằn ngoèo nhưng thông thoáng, thỉnh thoảng mọi người còn ngoái lại, bâng khuâng… Cánh rừng vẫn 3 tầng cây cao, cây lưng chừng, cây thấp, tạo hóa sinh ra để ban tặng cho dân tộc ta một ATK (An toàn khu) Nam bộ. Nơi đây, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương cục đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân miền Nam đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù, hoàn thành Cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước để có ngày hôm nay.
PHẠM XƯỞNG