Bàn giải pháp quản lý, đầu tư và khai thác danh lam thắng cảnh du lịch

11:05, 31/05/2012

(LĐ online) - Đại diện 25 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tham gia hội nghị danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch tỉnh Lâm Đồng để bàn giải pháp quản lý, đầu tư và khai thác hoạt động du lịch.

(LĐ online) - Ngày 31/5, tại Làng du lịch rừng Madagui (huyện Đạ Huoai), Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch tỉnh Lâm Đồng. Đại diện 25 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tham gia hội nghị này và cùng bàn giải pháp quản lý, đầu tư và khai thác hoạt động du lịch.
 

h
Đại diện 25 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tham gia hội nghị

Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, tỉnh Lâm Đồng hiện có 34 danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch, trong đó có 18 danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia và địa phương. Đến nay, tổng vốn đầu tư các danh lam thắng cảnh và khu, điểm du lịch đạt khoảng 800 tỷ đồng. Trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, ước tính vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và phát triển sản phẩm du lịch đạt trên 250 tỷ đồng. Các khu, điểm du lịch có mức đầu tư lớn là Làng du lịch rừng Madagui, Trúc Lâm Viên, thác Đatanla, khu du lịch thác Đam B’ri, Làng Cù Lần… Nhiều khu điểm du lịch mới đưa vào hoạt động kinh doanh đã góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình quản lý, đầu tư và khai thác danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khu, điểm du lịch trở nên nhàm chán, đơn điệu và hoạt động kém hiệu quả do chỉ tập trung khai thác mà không được đầu tư phát triển và tiếp thị, quảng bá. Một số khu, điểm du lịch chưa thực hiện công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa đúng quy trình và chưa đúng luật. Do đó, khi khai thác kinh doanh thì nhiều sản phẩm du lịch không phù hợp với di tích danh lam thắng cảnh và thị hiếu của du khách. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp và không phù hợp. Đặc biệt, các đơn vị được giao quản lý, khai thác danh thắng chưa chú trọng đến việc tôn tạo, đầu tư mang tính chiến lược, định hướng lâu dài. Nhiều khu, điểm du lịch lạm dụng việc bán quà lưu niệm, quần áo và các loại dược liệu không có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều di tích bị xuống cấp ảnh hưởng đến việc khai thác giá trị thương hiệu của danh thắng như hồ Than Thở bị bồi lắng nhiều, thác Cam Ly ô nhiễm nghiêm trọng, thác Ponguor, Gougah, thác Voi, thác Bảo Đại…  bị ảnh hưởng nguồn nước do thuỷ điện, khai thác khoáng sản …

Trước thực trạng khá phổ biến đó, ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng, cho rằng: để đầu tư sản phẩm du lịch mang tính khác biệt cần đầu tư nhiều công sức và trí tuệ. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu lập lại quy hoạch đối với một số khu, điểm du lịch chưa phù hợp với quy hoạch chung của ngành. Các doanh nghiệp từng bước nghiên cứu, đầu tư sản phẩm theo hướng tạo ra sự khác biệt và đầu tư theo chủ đề dựa trên lợi thế từng vùng, từng khu, điểm du lịch. Các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra đối với những khu điểm du lịch không đảm bảo về vệ sinh môi trường, ô nhiễm nặng, từ đó có biện pháp xử lý bằng cách cho tạm ngưng hoạt động trong một thời gian nhất định để đảm bảo không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Lâm Đồng.
 

Xe trượt cỏ, một trong những dịch vụ du lịch hấp dẫn khách du lịch tại Làng du lịch rừng Madagui
Xe trượt cỏ, một trong những dịch vụ du lịch hấp dẫn khách du lịch tại Làng du lịch rừng Madagui

Theo bà Đoàn Thị Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp cần kiên quyết tiến hành giải toả lấn chiếm tại các danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch nhằm tôn tạo, trả lại vẻ đẹp cảnh quan vốn có. Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kiến trúc công trình, vị trí xây dựng tại các khu điểm du lịch để tránh phá vỡ cảnh quan. Đặc biệt, việc bảo vệ rừng đầu nguồn cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt song song với việc khơi thông hệ thống sông suối, xây dựng hệ thống hồ lắng trước khi đưa nước về hồ, thác phục vụ du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cho biết: Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư du lịch triển khai dự án còn mang tính chất cầm chừng. Doanh nghiệp chủ yếu đặt nặng việc khai thác cái vốn có, còn việc đầu tư chọn ra sản phẩm độc đáo, kéo du khách đến và giữ chân du khách còn hạn chế. Các doanh nghiệp cần phải nhận thức được rằng nếu đầu tư tốt thì lợi ích đầu tiên sẽ do doanh nghiệp thụ hưởng. Vì vậy, doanh nghiệp được tỉnh tin tưởng giao cho các danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tôn tạo, bảo vệ và khai thác du lịch.

Trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt – Lâm Đồng đạt trên 5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%. Đây là tín hiệu khả quan cho du lịch Lâm Đồng trong tình hình suy thoái chung của ngành du lịch Việt Nam. Theo Sở Văn hoá thể thao và Du lịch Lâm Đồng, thời gian tới ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất biện pháp xử lý các khu, điểm du lịch đang xuống cấp, không còn khả năng hấp dẫn du khách. Các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh hình thành đội ngũ thuyết minh viên để thuyết minh, hướng dẫn du khách tham quan.

HỮU SANG