Viêng Chăn không xa (tiếp theo)

02:05, 30/05/2012

Ngôi chùa thiêng mà bất cứ du khách nào đến Lào cũng ghé thăm để làm lễ buộc chỉ cổ tay là chùa Xỉ Mương (Si Muang) cách đại lộ trung tâm 1 km. Đây là ngôi chùa thiêng nhất của Lào. Truyền thuyết ghi có một cô gái tên là Si Muang ở làng bên có thai ba tháng đến dự lễ hội hiến tế...

(Tiếp theo và hết)

[links(right)]… Ngôi chùa thiêng mà bất cứ du khách nào đến Lào cũng ghé thăm để làm lễ buộc chỉ cổ tay là chùa Xỉ Mương (Si Muang) cách đại lộ trung tâm 1 km. Đây là ngôi chùa thiêng nhất của Lào. Truyền thuyết ghi có một cô gái tên là Si Muang ở làng bên có thai ba tháng đến dự lễ hội hiến tế. Không may nàng sảy chân rơi xuống hố dành cho các trinh nữ tự nguyện nên mọi người cứ thế lấp đầy đất xuống. Khi phát hiện ra, nàng được cứu nhưng không thoát khỏi cái chết. Hiện nay trong chùa có ngôi mộ được coi là mộ của nàng Si Muang. Có một điều rất đặc biệt là ở đây một đôi chim Hồng hạc bay về và ở lại ngay trên đỉnh ngôi mộ dưới tán cây xanh tốt. Mặc dù ngôi chùa luôn nhộn nhịp người nhưng chim vẫn yên ổn trú ngụ không tỏ ra sợ hại. Đôi chim vươn cao cổ, xõa cánh hiền từ nhìn mọi người cứ nhởn nhơ thanh thản như phong cách người Lào vậy. Nhẩn nha sống, nhẩn nha chơi, nhẩn nha lặng lẽ suy tưởng đó là đặc điểm riêng của con người ở đất nước chùa tháp. Ở giữa sân Chùa có một cái thuyền rồng trang trí rất đẹp cho khách dẫn nước tắm tượng Phật - Một Pho Tượng Phật bằng đồng đặt trong cái kiệu gỗ. Dòng nước chạy dọc thân thuyền rồng róc rách như dòng suối nhỏ chở hương thơm thấm vào pho Tượng Phật.

Chùa Khăm Muôi
Chùa Khăm Muôi

Chúng tôi đã đến thăm chùa Wat si sa kẹt (còn gọi là chùa Triệu tượng) được xây năm 1818. Tượng Phật ở đây rất nhiều, có cái bằng ngón tay đến tượng to cao 3 mét bắng đồng đen, đất sét, gỗ. Người Lào không bao giờ xem tượng là đồng nát mang đi nấu chảy để lấy đồng. Kho tượng như một kho hồi ức vô giá của họ. Cách thủ đô Viêng Chăn 27km còn có vườn Phật lưu giữ hàng trăm bức tượng, còn có tên gọi khác là Suốn Phụt. Vườn phật do vị sư tên là Bun Le Ua Su Li At xây năm 1958 gồm 200 bức tượng bằng bê tông có nhiều tượng voi đặc sắc; có tượng voi 3 đầu lớn nhất nước Lào. Tượng ở đây phong phú về dáng cách điệu, có tượng các nhà sư đi khất thực hay hình vũ nữ rất sinh động. Ấn tượng nhất là bức tượng Phật nằm dài 50m. Và quả bí ngô khổng lồ thể hiện đường từ địa ngục lên thiên đường với 3 tầng có đường xoắn ốc cho khách tham quan đi vào bên trong. Một ngôi chùa được xem là biểu tượng quốc gia in trên tiền giấy và quốc huy Lào được xây năm 1566 dưới triều vua Xịt Thả Thi Lạt là chùa That Luang. Mô hình chùa như một nậm rượu trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ thứ 13. Bên ngoài được dát vàng. Truyền thuyết trong tháp có lưu giữ xá lợi của đức phật, là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Chùa Thạt Luang có tháp chính cao 45m bao quanh là các tháp phụ sơn son thiếp vàng rực rỡ trang nghiêm.

Góc nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Khăm Muộn (Lào)
Góc nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Khăm Muộn (Lào)


Trước khi sang Lào, chúng tôi đã tìm hiểu về văn học Lào nhưng ít có tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Hồi nhỏ tôi đã được đọc tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ (với bút danh Lê Khâm) viết về bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào như: “Trước giờ nổ súng”, và “Bên kia biên giới”. Hình ảnh anh bộ đội Pha - thét Lào với chiếc mũ lưỡi trai rất đặc trưng đã in đậm trong trí nhớ của tôi. Rồi Tiểu đoàn 2, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng… những tên đất, địa danh cứ âm thầm vang vọng. Tôi cũng đã từng gặp nhà văn Chăn Thy, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào ở trại viết Tam Đảo. Ông từng theo học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ ở Quảng Bá (Việt Nam) những năm 1972 để bổ sung cho chiến trường cùng các nhà văn trẻ Việt Nam. Lần này rất tiếc ông bị tai biến ngồi trên xe lăn nên đi lại rất khó khăn. Nhà văn Chủ tịch Hội mang dòng máu Việt: quê gốc của ông ở huyện Tương Dương - Nghệ An. May mắn chúng tôi được gặp ông tiến sĩ, Cục trưởng Cục Xuất bản và phát hành báo chí Lào - một người quen của nhà văn Đức Ban. Ông Cục trưởng vui tính nhưng rất điềm đạm đã có lần tự lái xe từ Lào sang Hà Tĩnh làm việc xong tắm biển rồi mới về. Phong cách sống của ông thật bình dị. Sáng nghe điện thoại nhà văn Đức Ban hẹn, ông dậy thật sớm (mặc dù là ngày tết được nghỉ) để đến quán bình dân ăn sáng vui vẻ với mọi người. Tối, ông tự đánh xe ra quán bờ sông để chúc rượu với các nhà văn Việt Nam. Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt ông thật sáng láng, ông bảo: Tôi đã đọc tạp chí Hồng Lĩnh của các anh rồi trong hội báo xuân đầu năm. Thì ra hội báo xuân tổ chức ở Thủ đô Viêng Chăn, có nhiều báo và tạp chí của Việt Nam, của Hà Tĩnh. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cái bắt tay nóng hổi một câu đùa và đôi lúc có chút ngả nghiêng bên chén rượu. Sống thật, hết mình, người Lào là vậy đó.

Tôi lại nhớ cái buổi trưa liên hoan tại Thà Khẹt sau khi dự lễ khánh thành khu nhà tưởng niệm Bác Hồ tại khách sạn Mê Kông. Khu nhà tưởng niệm khá khang trang, được xây ở tỉnh Khăm Muộn giáp với tỉnh Quảng Bình. Nơi đây Bác Hồ đã từng ở và hoạt động một thời gian. Đoàn nhà văn Việt Nam được ông Tỉnh trưởng chúc rượu mấy lần, dành riêng cho đoàn một mâm tiệc thật thịnh soạn có cả rượu Tây và thịt ba ba đặc sản. Ông Tỉnh trưởng dáng người thấp đậm, chắc như gỗ lim cứ đi vòng quanh mâm mà chúc, mà nói với nhau bằng thứ tiếng Việt lơ lớ thổ âm Lào: Các bạn Việt Nam tốt lắm, chúng ta là người nhà là con cháu Bác Hồ mà! Đến Lào vào dịp tết nên các cửa hàng ăn uống của người Lào đều đóng cửa, họ kéo nhau ra đường té nước và nhảy múa. Đặc điểm của người Lào là không bao giờ vội dù bán quán hàng khách đến sốt ruột cũng phải chờ. Hết giờ là nghỉ không làm thêm kể cả trạm bán xăng cũng vậy. Họ chơi tết đúng hơn là ăn tết.

Những ngày cuối cùng của chuyến đi chúng tôi quyết định sang Thái Lan thăm khu tưởng niệm Bác Hồ ở làng Nọng Ôn, xã Xiêng Phin, tỉnh U Don Tha Ni (Thái Lan). Thủ tục sang đất Thái cũng khá đơn giản. Chúng tôi thuê một chiếc xe du lịch, lái xe là ông Thoong sa vốn là người dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai, Thuận Châu. Ông Thoong sa nói tiếng Việt khá tốt lại vui tính và hài hước. Mọi thủ tục ở cửa khẩu đều do ông làm giúp cho cả đoàn. Xe chúng tôi lướt nhẹ vào đất Thái. Hình như tốc độ cuộc sống bên này nhanh hơn khác với người Lào. Đã bắt đầu thấy những cửa hiệu sáng loáng biển chữ tiếng Anh. Làn đường bên Thái rộng, chạy xe theo tay lái nghịch. Đây là xứ sở của du lịch, cuộc sống thị trường sôi động, những người Thái vẫn giữ được nét mềm mại như nếp nhà mái cong uyển chuyển của họ. Vào siêu thị xe chúng tôi chạy vòng vèo đến tầng bốn dừng lại cho mọi người ra mua sắm. Chúng tôi vào một cửa hàng ăn tự chọn với giá chỉ 2 USD đủ các món. Ngồi cùng dãy bàn với chúng tôi là các em học sinh người Thái rất xinh học lớp du lịch đang đi thực tập. Khi biết đây là đoàn nhà văn Việt Nam đến thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ ai cũng vui vẻ chụp ảnh và tặng quà lưu niệm. Ban quản lý khu nhà tưởng niệm rất nhiệt tình. Chúng tôi được nhà báo Lang Quốc Khánh điện thoại trước nên gần đến tỉnh U Đon Tha Ni đã có xe của người trong Ban quản lý ra đón và dẫn đường vào tận nơi. Khu tưởng niệm Bác Hồ gồm nhiều công trình: nhà Bác Hồ ở và làm việc năm 1928, nhà đa năng vừa xây xong rất đẹp, vừa có phòng trưng bày hình ảnh hoạt động của Bác Hồ ở Thái Lan, những hoạt động quan hệ Việt - Thái, phòng chiếu phim, phòng đọc sách báo. Tôi rất xúc động khi bước vào ngôi nhà tranh Bác Hồ ở năm 1928 còn lưu giữ rất nhiều hiện vật thuở ấy, có cả nhà bếp, chuồng gà, các dụng cụ làm đồng và bộ phản gỗ cho mọi người nằm nghỉ.

Những năm 20 của thế kỷ trước, U Đon Tha Ni là thị xã nhỏ, dân cư thưa thớt, rừng rậm bạt ngàn gỗ quí vây quanh. Để phát triển phong trào yêu nước, chống thực dân của nhân dân Việt Nam, tháng 7 năm 1928 Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Thời gian ở đây Bác có nhiều tên gọi như ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín. Tại đây Bác Hồ chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Bác đã dành nhiều thời gian để dịch sách lý luận, làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ. Bác sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn. Tôi lặng lẽ cầm lên chiếc liềm cắt lúa, cán liềm đã bóng mồ hôi, lưỡi liềm đã mòn nhưng vẫn còn hơi ấm của bàn tay Người. Bao năm xa quê Bác vẫn không quên, vẫn quí từng hạt thóc, bông lúa. Những hạt giống được Người gieo xuống và sinh sôi nảy nở thành một vườn ươm đào luyện cho thế hệ mai sau. Hình ảnh Bác hiện về thật chân chất giản đị sống động trong câu chuyện của những người già Việt kiều ở đây kể lại. Chắc có những buổi chiều Người ngồi đây nhìn theo đàn chim tha hương bay trên bầu trời về phía đất Lào, đất Việt để nhớ làng về làng Sen Nam Đàn xa xôi. Hành trình của Người đi qua bao con đường vòng, còn chúng tôi hôm nay đến đây lại được đi bằng đường thẳng. Con đường từ trái tim đến với trái tim, con đường của tình hữu nghị, bắc qua cầu Hữu Nghị trên dòng sông Mê Kông chở phù sa ra lưu vực đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ…

Đoàn nhà văn trước nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Thái Lan
Đoàn nhà văn trước nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Thái Lan


Tạm biệt Viêng Chăn, tạm biệt thành phố trăng rằm nằm ở tả ngạn sông Mê Kông phía Tây bắc nước Lào. Tôi mang theo mấy hạt giống hoa Đọc Khun mà chị Hằng hái ở cây rực rỡ hoa vàng trước cổng cơ quan thường trú VOV gửi tặng. Tôi sẽ ươm những hạt giống hoa này ở vùng đất biển gió Lào quê tôi bởi như chị Hằng nói: khí hậu càng nóng hoa càng tốt, càng tươi. Hoa như một biểu tượng sức sống của sắc nắng vàng Viêng Chăn. Có một Viêng Chăn gần gũi như dòng sông Mê Kông vẫn chảy bên lòng. Viêng Chăn không xa - Viêng Chăn thành phố trăng đêm nay lại hiện về trong nỗi nhớ…

Bút ký: NGUYỄN NGỌC PHÚ