(LĐ online) - Cuối tuần bạn rủ vào vườn hái mận. Tôi ngạc nhiên vô cùng: “Đà Lạt làm gì còn mận để hái! Nhà mình ở gần Trại Hầm đây, có thấy vườn mận nào đâu!?”. Bạn tôi trả lời thích thú: “Cứ tin đi! Rồi sẽ thấy mận chín cả vườn tha hồ mà hái đấy”. Quả thật, có một Đà Lạt khác khi nhìn từ những gốc mận này.
(LĐ online) - Cuối tuần bạn rủ vào vườn hái mận. Tôi ngạc nhiên vô cùng: “Đà Lạt làm gì còn mận để hái! Nhà mình ở gần Trại Hầm đây, có thấy vườn mận nào đâu!?”. Bạn tôi trả lời thích thú: “Cứ tin đi! Rồi sẽ thấy mận chín cả vườn tha hồ mà hái đấy”. Quả thật, có một Đà Lạt khác khi nhìn từ những gốc mận này.
Chúng tôi chạy xe xuống ngã ba Chi Lăng, rẽ vào khu Mê Linh ở đó có nhà chị Tâm nằm trên đường Trương Văn Hoàng, một không gian xanh mở ra với những luống hoa cúc được chăm chút cẩn thận trong nhà kính và những gốc mận đang mùa chín rộ chung quanh nhà. Vừa dựng xe, ới chủ nhà một tiếng, những người bạn của tôi là khách quen gia chủ cứ thế trèo lên cây mận mà hái, vừa hái vừa ăn. “Đàn bà con gái có khác, thấy món gì chua chua ngọt ngọt là mê!” -Chị Tâm mang giỏ, rổ, cây sào và ghế ra vườn cười nói vui vẻ. Thì ra bạn tôi trèo cây giỏi nên tuần nào chị Tâm cũng nhờ bạn đến hái giúp cho vì đang mùa mận chín rộ.
Những quả mận chín còn phủ đầy phấn trắng, kết thành chùm trông thật bắt mắt. |
Nếu bạn đứng dưới những gốc mận này bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp của một loài cây trái mà các nhà khoa học xếp vào một loại “siêu thực phẩm mới” rất hấp dẫn. Bởi theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, mận cực kỳ giàu các chất chống ôxy hóa và phytonutrients, có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong cơ thể. Ngoài tính giải nhiệt, giàu vitamine thì quả mận còn chứa một lượng lớn acid neochlorogenic và chlorogenic, có khả năng chống ôxy hóa cao, đặc biệt là loại bỏ rất tốt các hóa chất, độc tố superoxid ra khỏi cơ thể, các hóa chất này được cho là nhân tố chính phá hủy các tế bào gây ung thư cho cơ thể.
Mận chứa nhiều vi chất nên chỉ cần ăn từ 2 - 3 quả mận nhỏ mỗi ngày là đủ. Mận cũng rất ít năng lượng và hoàn toàn không có chất béo. Điều quan trọng là không nên gọt vỏ mận, nên ăn cả vỏ vì có rất nhiều chất chống ôxy hóa ở phần vỏ ngoài của quả mận.
Mận cực kỳ giàu các chất chống ôxy hóa và phytonutrients, có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong cơ thể. Ngoài tính giải nhiệt, giàu vitamine thì quả mận còn chứa một lượng lớn acid neochlorogenic và chlorogenic, có khả năng chống ôxy hóa cao, đặc biệt là loại bỏ rất tốt các hóa chất, độc tố superoxid ra khỏi cơ thể. |
Đứng giữa những gốc mận xù xì trong buổi sáng trong lành, những quả mận chín còn phủ đầy phấn trắng kết thành chùm trông thật bắt mắt, chỉ khi bàn tay bạn chạm vào thì trái mận mới bóng lên. Lựa những quả thật chín, có màu tím sẫm và hơi mềm, cắn vào một miếng bạn sẽ cảm nhận vị ngọt lịm trên đầu lưỡi thật khó quên. Với những quả mận vừa độ chín, mọng nước khi ăn vào giòn tan, có vị ngọt lẫn chua và không gì thích thú bằng ăn ngay tại vườn. “Đây là hoa quả sạch không phải thuốc thang gì đâu, các em cứ ăn thoải mái nhé!” – Chị Tâm rộng rãi mời mọc. Có vài chùm mận rất đẹp chị Tâm bảo để dành cho khách Sài Gòn vài hôm nữa lên chơi. Chị Tâm giới thiệu: Vườn mận này chỉ dành cho bạn bè, người thân, khách gia đình đến thăm, thưởng thức và khi họ đi xa hễ nhớ đến anh chị là nhớ đến những gốc mận xum xuê trĩu quả.
Không phải là giống mận có lịch sử lâu đời được du nhập vào Ðà Lạt từ thập niên 30 do ông Louis Piere nhập vào Việt Nam, ban đầu được trồng ở Trại thực nghiệm Dankia sau đưa về trồng đại trà ở trong nhà vườn Ðà Lạt, trồng nhiều là Trại Hầm, Trạm Hành, Trại Mát, Ðịnh An, với 4 giống cơ bản là hồng Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mận Trại Hầm và mận Pháp. Mận Trại Hầm đã đi vào quá vãng rồi, vườn mận nhà chị Lưu Thị Minh Tâm có tuổi thọ hơn 10 năm, là giống mận lấy từ Cao Bằng nhưng sinh trưởng ở Đà Lạt cho trái rất to và thu hoạch quanh năm, chín rộ vào 2 mùa cao điểm tháng 5 và tháng 11 âm lịch. Chị Tâm cho biết: “Chúng tôi chỉ trồng mận chơi thôi, cây dễ trồng, chăm sóc không khó lắm, 3 năm thì cây cho quả, càng về sau cây càng cho nhiều quả và đẹp mắt giống như cây cảnh cho đẹp nhà”.
Đây là giống mận lấy từ Cao Bằng nhưng sinh trưởng ở Đà Lạt cho trái rất to. |
Hiện nay, nhà chị Tâm thu hoạch mận hàng tuần, không kịp hái thì mận chín rụng đầy gốc. Mỗi lần hái được 30 - 40 kg với giá 15 -25 ngàn đồng/kg, chị Tâm bán tại nhà hoặc bỏ mối cho những người bán trái cây để ăn tươi là chính. Chị Tâm cho biết thêm: “Từ vườn mận này để “trồng chơi” và “thu nhập chơi” thôi chứ nhà chị không trồng kinh doanh, nếu trồng kinh doanh thì cũng có hiệu quả kinh tế, có điều cây mận tỏa ra tán rộng, chiếm nhiều đất, mà đất ở thành phố lấy đâu ra nhiều để mà chơi một vườn mận như thế này!”. Nhà chị Tâm có khuôn viên đất đai rộng nên vườn mận vẫn chiếm vị trí ưu tiên để đem niềm vui tinh thần cho gia đình, bạn bè.
Dưới những gốc mận, anh chị Tâm quây lưới để nuôi vịt ngan, chúng tôi đùa rằng gia đình chị Tâm có mô hình “Trên mận –dưới ngan” rất độc đáo!”. Chị Tâm tự hào khoe rằng, vườn mận hơn 10 năm tuổi này có nhiều người ở Đà Lạt đến xin chiết cành nhân giống nhưng những cây mận đời sau lại không cho nhiều quả như mận vườn nhà chị. Và đúng như vậy, chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã vặt từ trên cây xuống 40 kg mận, những quả mận to, mọng nước và còn phủ nhiều phấn. Mọi người tha hồ nếm, tha hồ chụp ảnh cảm thấy một chuyến du lịch khám phá vườn tược Đà Lạt thật hấp dẫn.
DIỆU HIỀN