Diễn giải môi trường từ trái tim

03:06, 06/06/2012

Từ Đà Lạt, đi khoảng 40 km để về với rừng Bidoup - Núi Bà - điểm đến mới trong bản đồ du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Việc bảo tồn vườn quốc gia song song với phát triển du lịch sinh thái đã tạo nên một sức hút khá đặc biệt…

Từ Đà Lạt, đi khoảng 40 km để về với rừng Bidoup - Núi Bà - điểm đến mới trong bản đồ du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Việc bảo tồn vườn quốc gia song song với phát triển du lịch sinh thái đã tạo nên một sức hút khá đặc biệt…

Diễn giải môi trường qua vòng vân gỗ trên thân cây thông hai lá dẹt
Diễn giải môi trường qua vòng vân gỗ trên thân cây thông hai lá dẹt


Mô hình diễn giải và câu chuyện của rừng

Từ tỉnh lộ 723, rẽ chừng vài km qua những cánh rừng thông và ven suối, Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường với những mô hình giản dị mà độc đáo tiếp đón du khách thay cho lời chào của rừng. Giản dị mà sinh động, 20 chủ đề diễn giải trực quan, câu chuyện của rừng mở ra. Hình ảnh và màu sắc tinh tế, kết cấu lời dẫn rõ ràng, các tiểu tiết nhấn nhá đầy sức gợi. Cuộc sống con người và thiên nhiên đan chặt với nhau như các đường trên một tấm thảm, đó là sự gắn bó và hòa hợp hết sức hữu cơ, khó tách rời. Thông điệp “Hãy nhìn kỹ hơn” như nhắc nhở về những gì nhỏ bé nhất cấu tạo nên rừng, đó là hệ động thực vật đa dạng, từ những loài côn trùng tưởng như quá nhỏ nhoi giữa cái bao la, rộng lớn đến vô cùng. Trò chơi tìm chìa khóa để mở đúng ô cửa giới thiệu về các loài chim tại vườn quốc gia là một trong 221 khu xem chim thế giới dẫn giải khá lý thú. Từ đó, hình ảnh xuất hiện chim bồng chanh rừng sống ở ven suối; chim mỏ chéo mới tìm thấy duy nhất trên thế giới, mỏ có lực mở rất mạnh để tách hạt trong trái thông; chim hút mật bụng vàng đạp cánh liên tục để giữ thăng bằng, dùng thức ăn là mật các loài hoa… Hình ảnh của các loài thực vật và loài hoa đặc hữu: từ đỗ quyên Langbiang rực rỡ đến vương quốc của các loài lan, loài kim giao nam dùng làm đũa thử độc thời xa xưa, thông đỏ có thể chiết xuất trị bệnh nan y… Một phần thân cây thông hai lá dẹt với các vòng vân gỗ đặt ra câu hỏi dành cho khách tham quan về tuổi đời của cây khi một vòng trắng tương ứng với mùa mưa, vòng đen là qua một mùa nắng. Trên trần nhà, mô hình Ma cà rồng bay - loài sinh vật mới được phát hiện tại Bidoup - Núi Bà vào năm 2010 di chuyển từ trên xuống dưới gốc cây. Hình ảnh con người bảo vệ thiên nhiên được ghép từ hàng trăm thông điệp về môi trường khi quay phía sau mỗi tấm ghép…

Những trái tim thổn thức cùng rừng

Những diễn giải viên như là linh hồn để mô hình và mẫu vật sống động, có tâm hồn, có đời sống, lan tỏa nhiều cảm nhận. Bằng tình yêu, lòng nhiệt tình, các diễn giải viên, hướng dẫn viên đã làm Bidoup - Núi Bà gần hơn và nhiều rung cảm hơn.

Ka Xuân năm nay vừa tròn 23 tuổi, nhà ở xã Đa Nhim, Lạc Dương, thuyết minh về giàn bếp của người đồng bào dùng để phơi các thực phẩm, Ka Xuân hứa sẽ đem món bánh nếp nhà làm để mời mọi người thưởng thức. Vẻ hồn nhiên, dung dị của một hướng dẫn viên bản địa dường như đem đến cảm nhận khá trọn vẹn về cuộc sống của những gia đình ở gần rừng, được rừng bao bọc, che chở qua những mùa mưa nắng. Không như Ka Xuân, Bon Yo Bét - cô hướng dẫn viên từng có vài năm hướng dẫn du khách trên nhiều chặng đường lại rất chủ động và tự tin. Yêu nghề hướng dẫn viên, Bon Yo Bet đã đặt chân đến nhiều vùng đất và tỏ ra rất am hiểu về cuộc sống, phong tục, con người; ngoại ngữ của chị cũng khá vững. Các câu chuyện của chị cứ trôi đi rất tự nhiên, lôi cuốn. Dẫn khách đi dọc tuyến thác Thiên Thai, thiên nhiên cây cỏ trở thành những nhân vật hấp dẫn, thiết thực trong câu chuyện của hướng dẫn viên. Cây thổ tâm thất có tác dụng bổ gan, kinh giới núi chữa bệnh nghẹt mũi, cây cu li dùng để cầm máu khi không may đi rừng bị va vấp, còn sói Nhật lại làm giảm sưng và giảm ngứa… Các bụi tre có thể đem về đan gùi hay để làm dụng cụ tỉa hạt. Gốc trúc ven suối là tài sản quý để bà con đem về làm xà gạc phát cỏ cho cây trồng…

Sắp đặt mà như không sắp đặt, những câu chuyện mang hơi thở của núi rừng từ những con người lớn lên cùng cây rừng, các cánh rừng. Tình yêu rừng như một nguồn cảm xúc rộng lớn, diễn giải viên Trần Nhật Tiên tốt nghiệp Khoa Môi trường - Đại học Đà Lạt, lời diễn giải của anh vừa chặt chẽ, khoa học và sáng tạo và như có rất nhiều niềm vui khi nói về đam mê với công việc của mình. Hàng ngày chạy xe máy vài chục km từ Đà Lạt vào Bidoup, nhịp điệu đều đặn nhưng lăn xả, không nề hà điều kiện địa hình hay thời tiết. Có lẽ không gian Bidoup - Núi Bà đã gắn những tình yêu của mỗi diễn giải viên thành một tình yêu lớn để lan tỏa và lắng đọng đến du khách. Các mô hình diễn giải đang được tiếp tục hoàn thiện để diễn giải viên mô tả sinh động và gần gũi hơn về cuộc sống đa chiều của rừng!

HẢI YẾN