Ga Đà Lạt là điểm tham quan, nghiên cứu lý thú không những đối với du khách trong và ngoài nước mà cả với người địa phương. Bởi ngoài kiến trúc cổ nhất và có tuyến đường sắt ngắn nhất, nhà ga Đà Lạt còn gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố trên cao nguyên Lâm Viên hùng vỹ.
Ga Đà Lạt là điểm tham quan, nghiên cứu lý thú không những đối với du khách trong và ngoài nước mà cả với người địa phương. Bởi ngoài kiến trúc cổ nhất và có tuyến đường sắt ngắn nhất, nhà ga Đà Lạt còn gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố trên cao nguyên Lâm Viên hùng vỹ.
Một góc ga Đà Lạt. Ảnh KD |
Công trình của ký ức
Ấn tượng đầu tiên đó là một nhà ga cổ kính, có phong cách kiến trúc độc đáo với ba mái hình chóp là cách điệu của đỉnh núi LangBiang thu nhỏ, phía trong là chiếc đầu máy cũ kỹ chạy bằng củi vẫn sừng sững giữa sân ga như minh chứng về một thời vàng son của nó. Qua tìm hiểu, ga Đà Lạt được xây dựng trong 6 năm (từ năm 1932 đến năm 1938), do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế và nhà thầu Võ Đình Dung thi công. Các kiến trúc sư đã lấy hình tượng dãy núi LangBiang và biểu tượng của các dân tộc sinh sống trên cao nguyên Lâm Viên để chắp cánh cho ý tưởng của mình. Công trình kiến trúc nhà ga Đà Lạt đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2001.
Theo tài liệu ghi chép, sau khi đưa vào hoạt động (năm 1938), tuyến đường sắt của ga Đà Lạt dài 84km; xuyên qua 5 hầm rất dốc nên phải sử dụng hệ thống đường ray và đầu máy răng cưa dài 16km. Tuyến đường răng cưa này trở nên độc đáo nhất nước ta và của cả thế giới. Hàng ngày có 3 đội tàu đi các tuyến: Tháp Chàm - Đà Lạt - Nha Trang; Tháp Chàm - Đà Lạt; Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt đều đều lăn bánh. Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt độc đáo trên thế giới, chỉ có ở Thụy Sỹ (đèo Furka) và Việt Nam. Tuyến đường này có nhiều đoạn qua đèo cao dốc lớn, phải dùng đường ray răng cưa nhằm tăng độ bám của các toa xe, bảo đảm an toàn chạy tàu. Toàn tuyến có 5 hầm, 46 cầu với 14 ga, đặc biệt trong đó có 2 đoạn răng cưa dài gần 14km vượt đèo. Vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phải mất tổng cộng tới 30 năm để hoàn tất 84 cây số đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Đến năm 1972, khi chiến tranh trở nên ác liệt, tuyến đường sắt này buộc phải ngưng hoạt động. Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, ngày ngày những chuyến tàu vẫn ngược xuôi đi về vang lên tiếng còi quen thuộc nối liền Tháp Chàm - Phan Rang với thành phố Đà Lạt bằng những đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa được xem là một trong những công trình độc đáo nhất thời bấy giờ. Sau năm 1975, tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang chính thức ngừng hoạt động. Song, đến năm 1991, nhà ga xe lửa mới bắt đầu khôi phục và đưa vào hoạt động nhằm khai thác du lịch phục vụ du khách mỗi khi đến Đà Lạt thích tham quan, nghiên cứu. Toàn bộ tuyến đường sắt mới này chỉ dài 7km, (từ ga Đà Lạt đến Trại Mát thuộc phường 11 - TP. Đà Lạt). Để phục vụ du khách thư giãn ngắm phong cảnh Đà Lạt hai bên đường ray nên tàu chỉ chạy với vận tốc 15km/h. Và, điểm cuối của cuộc hành trình là chùa Linh Phước, một ngôi chùa lớn có kiến trúc đẹp. Du khách được dừng chân để vãng chùa, thắp hương trước khi lên tàu trở lại ga Đà Lạt kết thúc cuộc hành trình…
Địa chỉ yêu thích của người nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Châu (Trưởng nhà ga Đà Lạt) cho biết: Chiếc đầu máy hiện đang đưa vào phục vụ du khách là đầu máy TR7E của Liên Xô sản xuất vào khoảng những năm 1960; còn đầu máy (cũ) hiện đặt ở sân ga (chạy bằng củi) có thể đưa vào vận hành được, nhưng do lượng khách đi tàu không thường xuyên nên để “trưng bày”; vả lại, trước khi chạy phải khởi động đầu máy này mất 4 giờ đồng hồ rất tốn nhiên liệu…
Ga Đà Lạt là nhà ga đạt nhiều kỷ lục: nhà ga cao nhất (1.500m so với mực nước biển); nhà ga cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng); nhà ga đẹp nhất và độc đáo nhất với tuyến đường sắt ngắn nhất (7 km)… Chính nhờ vậy, những năm gần đây lượng khách đến tham quan và thưởng thức những chuyến tàu đi - về trên phố núi khá đông, nhất là người nước ngoài. Nơi đây còn là điểm đến lý thú của những đôi uyên ương chụp hình, quay phim để lưu giữ khoảnh khắc đẹp trước ngày cưới. Theo Ban quản lý nhà Ga, chỉ tính riêng trong năm 2011 đã đón được 47.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế chiếm trên 60%. Ông Nguyễn Văn Châu cho biết thêm: “Do kiến trúc của nhà ga Đà Lạt gắn liền với nét văn hóa và sự cổ kính của một công trình kiến trúc Pháp, nên các du khách quốc tế tìm về đây để tìm hiểu và lưu giữ những gì còn sót lại của một nhà ga được xây dựng từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước…”.
THU DUNG