Vào vườn quốc gia lắng nghe cuộc sống…

02:06, 03/06/2012

Hành trình Nhật Bản - Việt Nam Shimizu Saika luôn háo hức mong đặt chân đến với Vườn quốc gia Biduoup - Núi Bà - nơi chị trở thành tình nguyện viên. Cuộc sống dường như mới bắt đầu với chị khi bước đến với rừng, một thế giới sơ nguyên mở ra trước mắt…

Chị Shimizu Saika
Chị Shimizu Saika

Hành trình Nhật Bản - Việt Nam Shimizu Saika luôn háo hức mong đặt chân đến với Vườn quốc gia Biduoup - Núi Bà - nơi chị trở thành tình nguyện viên. Cuộc sống dường như mới bắt đầu với chị khi bước đến với rừng, một thế giới sơ nguyên mở ra trước mắt…

Quê nhà chị ở Yamanashi - một tỉnh cách thủ đô Tokyo khoảng 2 giờ đi xe và cũng có khí hậu mát mẻ tương tự Đà Lạt. Từng tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin địa lý, Shimizu Saika đã có hơn 3 năm làm việc tại phòng trưng bày của Trung tâm đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản. Ba năm thuê một căn phòng nhỏ ở thủ đô đắt đỏ với công việc đều đặn hàng ngày, rồi Shimizu Saika muốn khám phá nhiều hơn về thế giới bên ngoài nước Nhật và tham gia tuyển chọn làm tình nguyện viên. Lòng nhiệt tình, khả năng chuyên môn cộng với vốn kinh nghiệm trong công việc đã giúp chị vượt qua các vòng thi tuyển kiếm được một tấm vé tới đất nước Việt Nam, làm tình nguyện viên của tổ chức JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và cơ duyên ấy đưa chị đến Bidoup - Núi Bà.

Vốn tiếng Việt vẫn còn bập bõm nhưng nụ cười của Saika đủ để làm mọi khoảng cách trở nên gần lại. Mỗi ngày chị chạy xe đạp từ nơi ở  tới khu vực đưa đón xe buýt để vào Bidoup. Đã từng nhiều lần leo lên những ngọn núi Fuji, Kitadake, Yatugatake… ở quê nhà, cảm nhận về cây và các loài hoa, cũng như cái lạnh tới băng tuyết đã quen thuộc, đến với Bidoup, Saika muốn được nghe thật nhiều tiếng chim giữa cuộc sống thiên nhiên trong lành, đa dạng tại một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam. Chị tập làm quen với những công việc bình thường nhất ở “Trung tâm du khách và diễn giải môi trường”, và đang cùng tập thể cán bộ, nhân viên ở đây triển khai những ý tưởng cho phòng trưng bày hấp dẫn hơn cũng như tìm cách diễn giải về môi trường thật ấn tượng. Theo Saika, du lịch dựa vào cộng đồng còn đang mới mẻ ngay cả với nhiều nước trên thế giới nên đang đặt ra một số thách thức để thực hiện thành công. Trong đó, có sự phối hợp, dựa vào cộng đồng để rừng được bảo vệ. Muốn làm được điều đó, hiển nhiên là phải khơi dậy tình yêu đối với thiên nhiên và rừng, công việc của một tình nguyện viên là tìm ra những điều hấp dẫn ấy giữa một khu rừng bao la để giới thiệu tới mọi người. Góp phần  xây dựng hệ thống mẫu trưng bày, diễn giải có chiều sâu về thực vật, những bài học về môi trường…, bằng những việc làm cụ thể của nhiều thế hệ tình nguyện viên.

Vườn quốc gia Biduoup. Ảnh Internet
Vườn quốc gia Biduoup. Ảnh Internet

   
Saika đăng ký làm tình nguyện viên trong 2 năm, ngoài những khoản chi phí ăn ở, tình nguyện viên không hưởng bất cứ mức lương nào. Hỏi chị động lực để trở thành một tình nguyện viên đến đất nước khác, Saika cho rằng vì chị muốn tìm hiểu về một không gian rộng hơn, về  đời sống phía trong một vườn quốc gia là mẫu chuẩn hệ sinh thái. Tại Nhật Bản, nhiều người Nhật đã tình nguyện tham gia vào đội quân cảm tử trong trận động đất năm vừa qua, đã chiến đấu kiên cường vượt qua những ngày khan hiếm các nhu cầu thiết yếu. Còn đối với Saika, trải nghiệm cùng những thử thách là niềm vui, là ý chí của một thời tuổi trẻ. Chị là tình nguyện viên thứ 3 đến đây, đồng thời là tình nguyện viên đầu tiên làm việc toàn thời gian ở vườn quốc gia. Saika đang hòa nhập với tất cả những điều mới mẻ để ghi dấu một thời tình nguyện của mình ở vùng đất dù ở xa nhưng lại quá đẹp - một vẻ đẹp huyền ảo của núi rừng và còn nhiều việc cần làm để hình ảnh vườn quốc gia này được biết đến rộng rãi hơn.

Hải Yến