Bái Đính - Ngôi chùa của nhiều kỷ lục

04:09, 05/09/2012

Về Ninh Bình lần đầu tiên, tôi choáng ngợp trước một vùng non nước hữu tình của miền đất cố đô Hoa Lư mà ngày xưa khi còn đi học tôi đã đắm mình qua những trang lịch sử. Đặc biệt, đặt từng bước chân lên các bậc đá của hành lang La Hán dài hơn 3km dẫn lên chùa Bái Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn - Ninh Bình), tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một ngôi chùa to nhất và đẹp nhất Việt Nam…

Về Ninh Bình lần đầu tiên, tôi choáng ngợp trước một vùng non nước hữu tình của miền đất cố đô Hoa Lư mà ngày xưa khi còn đi học tôi đã đắm mình qua những trang lịch sử. Đặc biệt, đặt từng bước chân lên các bậc đá của hành lang La Hán dài hơn 3km dẫn lên chùa Bái Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn - Ninh Bình), tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một ngôi chùa to nhất và đẹp nhất Việt Nam…

Tượng Phật lớn được dát vàng đặt trong chính điện
Tượng Phật lớn được dát vàng đặt trong chính điện


Bề thế và uy nghi

Khi ô tô còn cách dãy núi Đính chừng 3km, ngôi chùa uy nghi tráng lệ với những dãy nhà cao thấp lô nhô và những mái ngói nâu cong vút chạy dọc hai bên sườn một ngọn núi cao đã hiện ra trong nắng sớm. Chùa Bái Đính nằm trong một quần thể rộng 539 ha (gồm 2 bộ phận: chùa cổ 27 ha và khu chùa mới đang được trùng tu tôn tạo từ năm 2005 đến nay, gồm nhiều hạng mục đồ sộ. Tư liệu chép lại, hơn 1.000 năm về trước, trên đất Ninh Bình, có ba triều đại vua nối tiếp nhau: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo. Bởi vậy, tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ được xây dựng vào giai đoạn này, trong đó có chùa Bái Đính. Khu núi chùa Bái Đính là một trong các khu chức năng thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An đã được Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 365 ngày 22/3/2004 và được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 2570 ngày 18/11/2005 nhằm bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa, di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, để tiến tới đề nghị Unesco công nhận khu cố đô Hoa Lư là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư trùng tu, phục dựng thêm khu chùa mới với tổng kinh phí trên 6.000 tỷ đồng, làm cho chùa Bái Đính trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, dù đang tiếp tục công việc trùng tu một số hạng mục (dự kiến đến năm 2015 chính thức hoàn thành đưa vào hoạt động). Tuy nhiên, du khách thập phương, nhất là người nước ngoài đã biết đến Bái Đính là một ngôi chùa to nhất và đẹp nhất Việt Nam đã tìm đến tham quan vãn chùa rất đông. Toàn bộ khuôn viên chùa Bái Đính được thiết kế hài hòa gắn với thiên nhiên: núi cao, thung lũng hồ nước, không gian cây xanh với những khu vườn thoáng rộng hàng chục ha. Trên đỉnh núi là Điện Tam Thế được thiết kế 3 tầng mái cong, có 12 mái 4 phía, cao 30m, rộng 47m, dài 52m. Từ cố đô Hoa Lư đi vào đến núi Bái Đính chỉ khoảng 20km. Đứng xa từ 2 - 3km đã thấy 2 ngôi chùa như hai búp sen khổng lồ mọc vững chãi trên vách núi nối tiếp nhau, với những mái đao cong vút. Tòa nằm phía trước, bên dưới gọi là Pháp Chủ điện. Tòa nằm phía trên, cách khoảng 100m, gọi là Tam Thế điện. Phía ngoài cùng, ngay con đường quanh co dẫn lên chùa, cách Pháp Chủ điện khoảng 300m là gác chuông 3 tầng, 24 mái. Đây là nơi sẽ đặt một quả chuông nặng tới 36 tấn. Hành lang hai bên đặt 500 tượng La Hán (lối dẫn từ cổng tam quan lên gần sát Tam Thế điện, mỗi bên đặt 250 tượng La Hán bằng đá trắng có đánh số thứ tự). Quan sát trong số 500 tượng La Hán, có tượng bồ tát Thích Quảng Đức của Việt Nam (được đặt ngay hàng đầu nơi tiếp giáp cửa Tam quan đi vào). Cả một quần thể chùa nằm trên núi Đính, nhìn ra hồ Đầm Thị ở phía Bắc và xa xa là sông Hoàng Long. Đứng ở sân chùa Bái Đính trông ra, bốn bề là cảnh sông nước và núi đá vôi rất hữu tình, mang nét đặc trưng của vùng Gia Viễn (Ninh Bình) - vốn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”.

Những kỷ lục xác lập

Càng đi sâu vào bên trong tòa Tam Thế điện, du khách choáng ngợp trước một tượng Phật lớn được dát vàng sáng loáng đặt ngay chính diện; hai bên là tượng 2 con rùa to đội trên lưng chim hạt. Đặc biệt, từ hai dãy hành lang hai bên lối lên chùa Bái Đính đặt 500 tượng La Hán, trên các vách tường trong toàn bộ các ngôi chùa lớn nhỏ và trên các lối đi, tường thành trong khuôn viên chùa Bái Đính, người ta chạm khắc và bố trí hàng dãy tượng phật bằng đá trắng và tượng dát vàng, tạo ra dáng vẻ uy nghiêm của một ngôi chùa lớn.

Chùa Bái Đính được báo chí trong và ngoài nước biết đến và đã có nhiều bài viết ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực. Ngày 6/6/2009, chùa Bái Đính đã đạt 6 kỷ lục được công nhận. Đến ngày 28/2/2012, chùa có thêm 2 kỷ lục mới được công nhận và là ngôi chùa lớn nhất châu Á được xác lập. Đến nay, chùa Bái Đính - Ninh Bình có tám kỷ lục được xác lập, đó là:

Chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á (Tượng đồng nặng 100 tấn đặt trong Điện Pháp Chủ); Chùa có tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (tượng Phật Di lặc nặng 100 tấn ngoài trời); Chùa có chiếc Chuông đồng lớn nhất Việt Nam (Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông); Khu chùa rộng nhất Việt Nam (tổng diện tích 539 ha); Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á (hành lang La Hán dài 3 km); Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị La Hán được đúc bằng đá xanh cao khoảng 2,3m); Khu chùa có Giếng ngọc lớn nhất Việt Nam (có đường kính 30m, độ sâu của nước 6 m, không bao giờ cạn nước); Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ).

Do chưa hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng, nên hiện nay công tác quản lý ở ngôi chùa bề thế này rất lỏng lẻo. Cảnh chèo kéo, mồi chài khách du lịch của một số người bán hàng rong rất nhốn nháo; khách tham quan nhét bừa tiền lẻ vào tay các tượng phật (tiền bay lả tả và rơi vung vãi trên sàn nhà) rất phản cảm; du khách sờ vuốt tượng La Hán để cầu phúc… làm cho một số bộ phận trên tất cả các tượng La Hán mòn nhẽm, nhem nhúa rất khó coi… Hy vọng, chính quyền và ngành Văn hóa địa phương kịp thời có biện pháp ngăn chặn, hướng dẫn để những hình ảnh không đẹp không còn diễn ra ở một ngôi chùa to và đẹp nhất nước này…

Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG