Chất lượng du lịch phụ thuộc cả cộng đồng

09:09, 19/09/2012

(LĐ online) - Ngành du lịch có thêm hành lang pháp lý để góp phần thúc đẩy phát triển, nhưng cũng cho thấy để nâng chất lượng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng còn cần rất nhiều yếu tố ngoài ngành nữa.

(LĐ online) - Vừa qua, theo ủy quyền của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Lâm Đồng, bàn về việc thực hiện Nghị định 16 (NĐ 16) của Chính phủ, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Hoàng Ngọc Huy nhấn mạnh: “Quan điểm của Sở là phạt đến nơi đến chốn, không đánh trống bỏ dùi”. Với Nghị định này, ngành du lịch có thêm hành lang pháp lý để góp phần thúc đẩy phát triển, nhưng cũng cho thấy để nâng chất lượng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng còn cần rất nhiều yếu tố ngoài ngành nữa. 

Hồ Xuân Hương phải luôn luôn có sức hấp dẫn trong lòng du khách
Hồ Xuân Hương phải luôn luôn có sức hấp dẫn trong lòng du khách

Xử lý vi phạm mạnh tay hơn
 
Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (thay thế cho Nghị định 149/2007/NĐ-CP) đã có hiệu lực. Nội dung NĐ 16 đã và đang được ngành du lịch tỉnh phổ biến đến các đối tượng, bao gồm 737 cơ sở lưu trú, 34 khu điểm du lịch, 28 hãng lữ hành và một số ngành liên quan.

So với Nghị định 149 trước đây, NĐ 16 tăng mức phạt cao hơn nhiều, đồng thời bổ sung một số điểm mới. Một vài dẫn chứng: Về vi phạm quy định về thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành, tăng từ 500 ngàn - 1 triệu đồng lên 1 - 3 triệu đồng; điểm mới về hành vi vi phạm là: không thông báo kịp thời cho Sở VH, TT và DL về tai nạn hoặc rủi ro, sự cố có thể xẩy ra với khách du lịch. Về vi phạm quy định kinh doanh lữ hành, tăng mức phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng lên 3 - 5 triệu đồng đối với việc sử dụng hướng dẫn viên (HDV) du lịch không có hợp đồng bằng văn bản hoặc hợp đồng không đầy đủ các nội dung theo quy định; nếu sử dụng HDV có thẻ hết hạn sẽ phạt từ 5-7 triệu đồng (mức cũ 1-2 triệu đồng); sử dụng người không có thẻ HDV để hướng dẫn cho khách du lịch phạt từ 7-10 triệu đồng (mức cũ 2-3 triệu đồng)… Trong lĩnh vực lữ hành mức phạt mới cao nhất 40 triệu đồng (mức cũ 15 triệu đồng) và kèm hình thức xử lý bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 12-24 tháng (mức cũ 6-12 tháng); mặt khác còn yêu cầu có biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Đối với vi phạm quy định hướng dẫn du lịch, mức phạt cũ từ 200 ngàn - 3 triệu đồng, mức phạt mới từ 500 ngàn đến 20 triệu đồng. Trong kinh doanh lưu trú, các hành vi vi phạm cũng tăng mức phạt từ 1 triệu - 25 triệu đồng và bổ sung mới 3 biện pháp khắc phục. Cụ thể như: bổ sung đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, dịch vụ, trình độ chuyên môn…; buộc dở bỏ hủy ấn phẩm, biển quảng cáo, đồ dùng…; buộc gắn biển hạng cơ sở lưu trú…

Và rất cần chung tay của cả cộng đồng  

NĐ 16 cũng nêu rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao cụ thể đối với UBND các cấp, thanh tra ngành VH, TT và DL và các ngành liên quan khác. Ông Hoàng Ngọc Huy cho biết, quan điểm của Sở là từ nay đến hết năm 2012 sẽ tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng, trong đó không chỉ trong ngành du lịch mà cả các ngành liên quan như công an, môi trường, công thương, y tế, thuế…và các địa phương. Khi các đối tượng hoạt động du lịch nhận biết sâu sắc thì ngành mới tổ chức kiểm tra và xử lý, và mong nhận được sự đồng thuận xử lý nghiêm khắc của các ngành liên quan; sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông cũng như của du khách.

Sự trăn trở cũng là nỗi bức xúc thường trực của lãnh đạo Sở VH, TT và DL rất cần được chia sẻ và đồng tâm huyết của cộng đồng. Đó là: chất lượng du lịch đi xuống không thể quy kết nguyên nhân chỉ do ngành du lịch. Điều hiển nhiên rằng, để du lịch nâng chất lượng phải là công sức, trách nhiệm của cả cộng đồng. Ngoài ngành du lịch là cơ quan quản lý nhà nước, sự tồn tại và phát triển của ngành du lịch còn liên quan chặt chẽ đến các ngành khác, các địa phương, doanh nghiệp, người dân và chính du khách.

Hoa anh đào là nét đẹp của phố Đà Lạt nhưng chưa thể làm nên thương hiệu du lịch Đà Lạt
Hoa anh đào là nét đẹp của phố Đà Lạt nhưng chưa thể làm nên thương hiệu du lịch Đà Lạt

Bản thân lực lượng thanh tra của Sở VH, TT và DL thì quá mỏng (chỉ có 5 người bao gồm cả 3 lĩnh vực). Làm 1 phép tính sơ bộ, với 737 cơ sở lưu trú (Đà Lạt chiếm 85%), 34 khu điểm du lịch, 28 hãng lữ hành và 60 điểm tham quan miễn phí thì thanh tra cũng chỉ giải quyết được theo định kỳ hoặc theo đơn từ mà thôi. Trong 9 tháng năm 2012, thanh tra sở này đã kiểm tra 161 lượt trong đó 51 lượt vi phạm các quy định về du lịch. Hành vi vi phạm phổ biến nhất là không đăng ký thực hiện của cơ sở lưu trú; sử dụng tên giao dịch không đúng; treo bảng hiệu không đúng quy định (ví dụ, cấp phép “nhà nghỉ” nhưng treo “khách sạn”); không treo bảng đồng về hạng để khách biết…

Dĩ nhiên, bản thân ngành du lịch cần nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ nhưng nếu cộng đồng không chung tay thì tất yếu chất lượng du lịch sẽ đi xuống. Lấy một vài ví dụ để minh chứng điều này. Vừa qua, một số cảnh quan du lịch xuống cấp nghiêm trọng như hồ Than Thở, thác Cam Ly,… trách nhiệm vừa thuộc về doanh nghiệp chậm đầu tư, nâng cấp nhưng còn là sự quản lý của địa phương Đà Lạt; còn là ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp hay trong sinh hoạt…Ông Hoàng Ngọc Huy không dấu bức xúc với chúng tôi rằng: Khu phố đi bộ là thưởng lãm, làm du lịch không phải chặn xe là đi bộ, nhà nhà đóng cửa; nơi chắn barie chính là nơi cung cấp thông tin cho du khách, chứ không thể để phản cảm như thế được, chúng tôi đã có ý kiến từ lâu nay mà vẫn không ai sửa cho. Tình trạng chặt chém chỗ này, ô nhiễm môi trường chỗ nọ, bản thân ngành du lịch không thể ra tay khắc phục mà chính là các địa phương và ngành liên quan.  

Nếu người dân không có ý thức và địa phương quản lý không  nghiêm thì danh thắng hồ Than Thở vẫn bị rác bao vây như thế này
Nếu người dân không có ý thức và địa phương quản lý không nghiêm thì danh thắng hồ Than Thở vẫn bị rác bao vây như thế này

NĐ 16 đương nhiên là cái “gậy” hữu hiệu của ngành chủ quản nhưng nó không thể chi phối mọi ngóc ngách của ngành du lịch. Bởi thế, rất cần sự quan tâm thích đáng của các cấp ở địa phương, sự phối hợp kiên quyết của các ngành, sự đồng lòng của mỗi người dân và du khách thì mới mong đến khẳng định thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.  

                                MINH ĐẠO