Nhìn trên bản đồ đảo Phú Quốc giống như một con diều hình tam giác mà dãy đảo nối nhau phía nam đảo như cái đuôi diều đang phấp phới bay đẩy diều vào đất liền.
Nhìn trên bản đồ đảo Phú Quốc giống như một con diều hình tam giác mà dãy đảo nối nhau phía nam đảo như cái đuôi diều đang phấp phới bay đẩy diều vào đất liền.
So với Côn Đảo, Phú Quốc rộng hơn nhiều, song mỗi đảo có một vị thế riêng đang thu hút các nhà đầu tư. Diện tích đảo Phú Quốc là 460km2. Phía bắc đảo rộng 50km, đoạn giữa rộng 30km và phía nam đảo chỉ rộng 3km. Với diện tích và vị thế ấy cũng đủ cho Phú Quốc vẫy vùng.
Bến tắm bãi Dài |
Lâu nay nói tới Phú Quốc, không ai không nhắc tới Phú Quốc có ba đặc sản rất đặc biệt. Một là nước mắm Phú Quốc, hai là hạt tiêu Phú Quốc, ba là rượu sim Phú Quốc. Trên khắp đất nước ta, rất nhiều nơi làm nước mắm, trồng tiêu và nấu rượu. Nhưng nước mắm Phú Quốc ngon hơn nhiều, tiêu Phú Quốc cay và thơm hơn, đặc biệt rượu sim được chế xuất bằng quả sim thế nào đó mà tạo được mãnh lực cho đàn ông. Ai đến Phú Quốc cũng tìm đến rượu sim như đến bản Đôn Tây Nguyên, ai cũng tìm đến a ma công vậy. Vẫn đang còn là một bí mật. Có người đàn ông nào đi thăm Phú Quốc về mà không đem theo ít nhất một chai rượu sim.
Những lò nước mắm Phú Quốc chốt hai bên bờ sông Dương Đông chạy dài 28km suốt chiều ngang của đảo này. Sáng sáng, tàu đánh cá từ ngoài biển về, đậu đặc trên mặt sông Dương Đông. Cá còn đang tươi, được chuyển lên đổ vào ang cá làm bằng gỗ dựng trong lò. Mỗi ang chứa được 12 tấn cá. 12 tấn cá ấy được ủ kỹ trong 12 năm thì cho 3.000 lít nước mắm. Khách đến thăm cửa hàng, chủ mời nếm thử nước mắm Phú Quốc. Hầu như khách nào đến thử nước mắm cũng đều gật đầu khen ngon. Khi bằng lòng mua, chủ và khách cam kết với nhau sẽ có kế hoạch chuyển nước mắm ấy theo đường bưu điện đến tận nhà, dù khách hàng đang ở rất xa như Lạng Sơn, Hà Nội. Có đoàn khách ký mua nước mắm một lúc tới mười mấy triệu đồng. Thế mới biết nước mắm Phú Quốc hấp dẫn tới nhường nào.
Mới đây Chính phủ vừa ký quyết định sẽ đầu tư cho năm đơn vị phát triển kinh tế, Phú Quốc là một trong năm đơn vị ấy. Được kích thích trên là Phú Quốc sẽ bừng dậy với một khí thế mới để khai thác tiềm năng của mình. Các mặt hàng của Phú Quốc sẽ mau chóng có mặt trên khắp thị trường trong nước một ngày không xa. Lúc ấy không cần đến Phú Quốc mà chỉ đến một chợ, một siêu thị gần nhà là đã có nước mắm, hồ tiêu, rượu sim của Phú Quốc rồi.
Đến Phú Quốc hôm nay, du khách còn được gặp một đặc sản mới đó là cả một thế giới ngọc trai. Ngọc trai không chỉ có ở thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông. Ngọc trai được bày bán đầy trên các cửa hàng trong chợ. Chợ đêm trên đường Trần Hưng Đạo, phải gọi đúng tên là chợ ngọc trai. Mặt hàng chủ yếu của chợ đêm bán cho du khách là ngọc trai. Giá của ngọc trai được tính theo độ tròn, độ bóng, tuổi trai tự nhiên hay trai nuôi, có những viên giá lên đến hàng chục triệu đồng. Biển Phú Quốc rất thuận lợi cho việc nuôi ngọc trai. Chúng tôi đến thăm một trại nuôi ngọc trai ven biển, cô gái bắt hai con trai trong bể nuôi ra, một con mới nuôi ba năm, một con đã nuôi sáu năm. Cô bảo chúng tôi quan sát, lưỡi dao rạch thịt trai ra, từ đó 2 viên ngọc trai xuất hiện. Chúng tôi chuyền tay nhau. Ngọc trai lấp lánh như mơ. Khi vào trong cửa hàng, cô giới thiệu với chúng tôi thế nào là ngọc trai giả, thế nào là ngọc trai thật. Chỉ thoáng chốc, khách du lịch nữ và cả nam nữa dễ muốn sở hữu một vòng ngọc trai đeo trên cổ hoặc một chiếc nhẫn ngọc trai lồng vào ngón tay. Chưa bao giờ thấy ở đâu nhiều ngọc trai như Phú Quốc.
Thời Phú Quốc mang đầy tính hoang vu đã qua rồi. Trong kháng chiến chống Mỹ, Phú Quốc chỉ có 20 nghìn người. Nay Phú Quốc đã có 80 nghìn người. Theo như dân Phú Quốc nói, thì 64 tỉnh, thành trong cả nước đã có người đến ở Phú Quốc nhằm mục đích khai thác Phú Quốc. Điều trước đây Phú Quốc không ngờ là bây giờ du khách đến Phú Quốc đông đến thế. Nghề chính của dân Phú Quốc lâu nay là ra biển đánh bắt hải sản. Nghề làm nông cũng có nhưng rất ít. Điều hiện tại Phú Quốc đang lo là làm sao đón khách niềm nở để Phú Quốc trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Trong một năm bây giờ Phú Quốc có 2 mùa du lịch. Từ tháng 5 đến tháng 9 chủ yếu là du lịch nội địa. Còn từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau chủ yếu là du lịch quốc tế. Mùa hè khách nội địa đến Phú Quốc để nghỉ mát. Mỗi ngày Phú Quốc trung bình có 4 chuyến tàu cánh ngầm từ Rạch Giá Kiên Giang và 15 chuyến máy bay chở khách từ Sài Gòn ra. Chỉ kể riêng máy bay, mỗi chuyến 90 hành khách thì một ngày Phú Quốc đã đón 1.350 khách rồi. Còn mùa đông khách chính là Bắc Âu. Khi đó Bắc Âu rét, người Nga và châu Âu kéo nhau đến tắm cái nắng Phú Quốc, tắm biển Phú Quốc rất đông, trốn cái lạnh từ Bắc Cực tràn về.
Trời ban cho Phú Quốc 2 thế mạnh du lịch. Một là 4 phía đảo đều là biển, với 3 bãi tắm lớn: bãi Trường dài 28 km, bãi Dài 9km và bãi Sao 3km. Khi bãi Trường biển động, có sóng lớn thì bãi Dài và bãi Sao lại yên ả và ngược lại khi bãi Sao và bãi Dài sóng lớn thì bãi Trường lại biển yên. Cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào Phú Quốc cũng có chỗ đầy tính ưu đãi dành cho khách.
Thế mạnh thứ 2 của Phú Quốc là rừng. 75 phần trăm diện tích đất Phú Quốc là rừng, nay đã thành Vườn quốc gia Phú Quốc. Toàn bộ rừng Phú Quốc vẫn đang ở trạng thái nguyên thủy. Nghĩa là rừng chưa hề bị một nhát dao nào tàn phá. Trong khi tôi đang viết chi tiết này thì trên báo Tuổi trẻ đăng một bài ghi chép ngắn rằng trong 8 tháng qua của năm 2012, rừng của huyện A Lưới thuộc Thừa Thiên Huế đã bị 167 trận phá rừng. Như thế đủ thấy người dân Phú Quốc quý rừng biết chừng nào. Ưu đãi đã dành cho du khách. Du khách Bắc Âu rất thích tắm biển xong được lang thang trong rừng. Từ môi trường công nghiệp bước vào một thế giới của môi trường mang tính hoang vu nguyên thủy như một khám phá. Chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, bất ngờ giữa Vườn quốc gia Phú Quốc, khi gặp một con suối lổng chổng như núi non vừa được thiên nhiên khai phá đầy tính hoang sơ, đó là suối Tranh. Suối Tranh dài tới gần 4 cây số, trên độ cao nhất của suối là suối bạc, nước tung trắng xóa, khơi nguồn cho dòng nước trong veo, tạo thành những vũng tắm nhỏ. Mỗi vũng tắm ấy chỉ dành cho dăm bảy người tâm huyết túm tụm riêng với nhau. Du khách cả trong nước và ngoài nước mê những vũng tắm như một thế giới riêng của da thịt mình. Hèn chi không chỉ biển Phú Quốc mà cả rừng Phú Quốc cũng làm cho khách châu Âu mê mệt là phải. Nước đầu tiên của châu Âu xây dựng khu nghỉ mát tại Phú Quốc là Pháp.
Du khách còn một ham muốn nữa khi đến Phú Quốc là khám phá vùng đáy biển nơi này. Du khách sẽ được trang bị bộ đồ lặn hiện đại nhất để tha thẩn nơi đáy biển. Thật chúng ta không thể tưởng tượng được đáy biển Phú Quốc và Côn Đảo có tới 320 loài san hô. Loài san hô trắng ta đã từng thấy, còn loài san hô đen, bạn sẽ gặp ở Phú Quốc nếu có dịp bạn đến hòn đảo này.
Ở Thừa Thiên có một giếng nước ngọt là giếng Phao Lồ nằm ở chùa Phước Duyên, vua nhà Nguyễn ngày ngày cho thuyền về chở nước giếng Phao Lồ về cho triều đình dùng, giếng này rất lạ vì phía trước là phá Tam Giang nước lợ, còn sau lưng là biển Đông, vậy mà giếng nước này lại ngọt. Cũng vậy, bốn bề Phú Quốc là nước mặn nhưng ở phía nam đảo, một hòn đá nứt ra, nước ngọt bên trong cứ thế tuôn chảy đều đặn, múc mấy cũng không hết. Đó chẳng xứng đáng là một giếng tiên sao?
Lang thang trên đảo Phú Quốc gặp biết bao điều lạ. Bây giờ lúc chúng tôi đang ở đảo Phú Quốc đây là mùa hạ, đúng lúc miền Bắc phải gồng sức đối mặt với cơn bão số 5 và miền Trung đang bị làn gió nóng từ phía Tây tràn về, có nơi nóng tới 38 độ. Vậy mà Phú Quốc chỉ 23, 24 độ là cùng. Cái mát ở đây làm cho con người thanh thản. Nhất là khi lang thang trong rừng, tiếng chim hót trên cành cao, sóc đuổi nhau trên cành thấp, tất cả là một thế giới thanh bình. Du khách chọn nơi này để đến là có lý.
Đứng trên đỉnh ngôi nhà cao 5 tầng giữa Phú Quốc, quay nhìn 4 phía toàn là rừng xanh, nhấp nhô giữa rừng xanh là 99 ngọn núi hội tụ và bờ biển hai phía đông tây thấp thoáng những chùm nhà ngói đỏ, đó là những cụm nhà nghỉ mát của khách đường xa, gió thoang thoảng thổi nhẹ nhàng lướt trên đầu, cứ gợi cho tôi một cảm nghĩ Phú Quốc bình yên biết bao nhiêu, Phú Quốc đang mỗi ngày một đến với tiềm năng trời cho của mình.
Nguyễn Quang Hà