Khai quật mộ của người đã đặt nền móng cho nền văn minh Maya

02:10, 31/10/2012

Ngôi mộ đặc biệt của một vị vua cổ đại có công đặt nền móng cho nền văn minh Maya cách đây hơn 2.000 năm đã được phát hiện bởi các nhà khảo cổ học ở Guatemala.

Ngôi mộ đặc biệt của một vị vua cổ đại có công đặt nền móng cho nền văn minh Maya cách đây hơn 2.000 năm đã được phát hiện bởi các nhà khảo cổ học ở Guatemala.


Đó là ngôi mộ của vua K'utz Chman, người được cho là đã trị vì khoảng 700 trước Công nguyên, tại Ab'aj Tak'alik, phía Tây của đất nước này.

Vị vua được mai táng cùng với các đồ trang sức ngọc bích và đồ tạo tác khác tại nơi chôn cất hoàng gia của người Maya cổ xưa nhất từng được tìm thấy.

Theo nhà khảo cổ học Miguel Orrego, vị vua này là “Cầu nối giữa thời kỳ Olmec (tiền Maya) với nền văn hóa của người Maya và bắt đầu quá trình chuyển đổi các quy tắc của người Maya”.

Giới sử học tin rằng ông là nhà lãnh đạo đầu tiên xác lập các yếu tố của nền văn minh Maya, chẳng hạn như xây dựng các kim tự tháp và sáng tạo các tác phẩm điêu khắc.

Guatemala là một nơi lưu giữ các tàn tích văn minh Maya cổ đại - một nền văn minh trải rộng từ Honduras hiện nay đến trung tâm Mexico. Thời kỳ Olmec bắt đầu lu mờ dần vào khoảng năm 400 TCN, trong khi người Maya tăng lên về số lượng và giành lấy quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại.

Bên trong ngôi mộ, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các đồ trang sức ngọc bích bao gồm một sợi dây chuyền có mặt khắc hình dạng đầu của một con kền kền, biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có thường được trao cho những người đàn ông lớn tuổi, được tôn trọng. “Biểu tượng được chôn cùng này rất quan trọng. Nó chứng tỏ  rằng vị vua là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên của Tak'alik Ab'aj” - nhà khảo cổ học Miguel Orrego cho biết.

Mặc dù không có hài cốt trong mộ, nhưng các đồ tạo tác cho thấy nhà vua được chôn cất từ 770 đến 510 TCN.

 “Sự phong phú của các đồ tạo tác cho chúng ta biết ông là một lãnh đạo quan trọng và mạnh mẽ” - nhà khảo cổ học Christa Schieber của Đại học Florida nói: “Có khả năng ông ấy là người đầu tiên làm thay đổi hệ thống, chuyển tiếp vào thế giới của người Maya”.

Các sản phẩm ngọc bích trong ngôi mộ có thể cung cấp manh mối về sản xuất và thương mại. Phát hiện này có thể làm sáng tỏ kỹ thuật làm đá, có tính chất thiêng liêng, được coi là của người Maya.

HT (Theo Daily Mail)