Suối Đankia hay còn có tên gọi nữa là Ankroét, đây là con suối hùng vĩ được người Pháp chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Suối Đankia là hợp lưu của hồ lớn Suối Vàng ở phía trên thượng nguồn, bắt đầu tuôn chảy dưới rặng núi Lang Biang hùng vĩ...
Suối Đankia hay còn có tên gọi nữa là Ankroét, đây là con suối hùng vĩ được người Pháp chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Suối Đankia là hợp lưu của hồ lớn Suối Vàng ở phía trên thượng nguồn, bắt đầu tuôn chảy dưới rặng núi Lang Biang hùng vĩ. Bác sĩ Yersin đã ghi chép về suối Đankia trong cuốn hồi ký của mình ca ngợi cảnh đẹp hùng vĩ và thơ mộng này. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của hồ cũng được ghi chép trong một chuyến du ký của Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công dưới triều Nguyễn.
Suối Đankia cùng với hồ Đankia là một hệ thống thủy lợi vô cùng quan trọng của Đà Lạt, nơi đây chính là khu vực cung cấp nguồn nước sạch cho cư dân Đà Lạt và các vùng lân cận. Năm 1942, khi Toàn quyền Pháp tại Đông Dương nhận thấy tiềm năng thủy điện quan trọng của con suối này và đã chính thức cho xây dựng nhà máy thủy điện tại đây. Cũng chính bởi sự hùng vĩ của con suối này được ghi chép qua thư tịch Hán Nôm của Hoàng triều. Theo như lời Thượng thư bộ Công đã tấu: Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thủy, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi phương Nam.
Về tên gọi Đankia theo ghi chép và ý nghĩa của chữ Hán có nghĩa là màu đỏ, vì thế thời xưa thường dùng chữ Đan trì, Đan bệ để chỉ cung điện đời xưa đều chuộng sắc đỏ, còn chữ Kia thực chất là chữ Ki là một trong những ngôi sao trong nhị thập bát tú. Như vậy, nếu nói về ý nghĩa của dòng suối này, theo cách hiểu lâu nay là do nước suối về mùa mưa rất đỏ, màu sắc đặc trưng nổi bật nên mới có tên như vậy. Dân gian vẫn hay gọi suối vàng cũng để chỉ cái nước đỏ mà thôi. Tuy nhiên, chữ Đankia có lẽ bắt nguồn từ một ngôi làng có tên là Đankia của người đồng bào gần đó.
Nguyên văn đoạn nhật ký ghi chép về suối Đankia được ghi chép bởi 187 chữ Hán: “cự Lâm Viên phỏng ngũ lục kia lô miệt hựu hữu Đanki tuyền (Tây ngữ dịch danh Ưng Kì du kiệt từ) Giá tuyền thủy tự địa hạ dũng xuất. Tòng nhị thạch khiếu phún thượng giao chú vu thạch bàn trung. Tục truyền tiên nhân tọa dục vu thử. Thạch bàn hạ hựu hữu nhất cự thạch khiếu. Thủy tuyền thoan quá thạch bàn hạ, chú vu cự thạch khiếu, cao độ phỏng tứ thập dư tây xích. Thủy tuyến phân chú phàm hữu ngũ phái, tự ngoại nhi vọng, thủy tòng thạch bàn trung xuất đương cao dũng hạ, ngũ phái sàn viên, hình như ngũ long phún thủy. Tục danh vi tiên dục hồ, hình thế kì tuyệt. Hựu văn cận Lâm Viên xứ hữu nhất cao sơn cao nhị thiên nhị bách tây xích, vi Trung Kỳ chư cao sơn chi tối, dĩ khai nhất tiểu điều lộ, dĩ tiện đăng lâm. Giả như lập thử sơn đỉnh chiếu thiên lý kính, tây kiến Côn Tung tỉnh dân cư. Đông triệt hải ngoại, thử diệc thừa quý khâm sứ đại thần thoại chỉ”.
Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 - 6 ki-lô-mét còn có suối Đanki, tiếng Tây dịch là (Ưng-kỳ-du-kiệt-từ) tức là [Ankroét]. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một bàn đá. Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới bàn đá lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua bàn đá, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 nhánh. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong bàn đá trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như 5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thế thật kỳ lạ. Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung [Kon Tum], phía Đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm sứ đại thần nói cho biết.
Sự hùng vĩ của con suối được miêu tả khá chi tiết và thú vị, dòng suối này có rất nhiều những hòn đá tảng nằm chắn ngang dòng suối. Vì thế mà tác giả đã ví như là chiếc thạch bàn (bàn đá lớn). Từ hai bên khe của bàn thạch đó, nước cứ thế phun ra đổ vào những tảng đá lớn ở giữa dòng. Cảnh thác nước tuôn trào thật kỳ vĩ, cộng với vẻ đẹp hoang sơ chẳng khác gì chốn bồng lai. Có lẽ vào thời điểm này, cây cối hai bên bờ suối vẫn còn rậm rạp, cùng với thác nước tuôn trào, hình thế như năm rồng phun nước, quả thật không cảnh nào có thể tả nổi.
Truyền thuyết, tục danh nơi đây có tiên giáng trần, làm nơi cho các thần tiên tắm gội, có lẽ câu truyện này chỉ có trong truyền thuyết, hay do quan niệm dân gian mà ra. Song quả thật nếu như hồ tiên tắm này lúc đó và bây giờ nếu có xảy ra thật thì cũng không có gì là ngoa ngôn. Bởi từ thác nước này, đi lui xuồng gần nhà máy thủy điện thì phong cảnh như mơ vậy.
Cảnh suối Đankia được tô điểm bởi một ngọn núi cách đó không xa lắm, ngọn Lang Biang hùng vĩ, được mệnh danh là cao nhất xứ Trung Kỳ, từ đỉnh núi này nếu nhìn bằng kính viễn vọng thì có thể nhìn thấy cư dân của tỉnh Kon Tum và phía đông thì thấy được tới biển Ninh Thuận. Như vậy, từ lúc bấy giờ khi khảo sát và ghi chép ấy lại ứng với bây giờ, khi đỉnh Lang Biang cũng là nơi để du khách lên cao ngắm cảnh.
Nguyễn Huy Khuyến - Khắc Niên