Trong buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Bộ Văn hóa – thể thao – du lịch (VH-TT-DL), hai bên đã thống nhất việc tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2014” tại Lâm Đồng có tên là “Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng 2014”, có chủ đề chính là “Du lịch xanh Tây Nguyên”.
Trong buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Bộ Văn hóa – thể thao – du lịch (VH-TT-DL), hai bên đã thống nhất việc tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2014” tại Lâm Đồng có tên là “Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng 2014”, có chủ đề chính là “Du lịch xanh Tây Nguyên”.
Một lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng |
Lãnh đạo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết: Với chủ đề “Du lịch xanh Tây Nguyên”, Năm Du lịch quốc gia 2014 được tổ chức tại Lâm Đồng là chính (các tỉnh Tây Nguyên còn lại và một số tỉnh lân cận là địa phương hưởng ứng), và được xác định là dịp để quảng bá du lịch với quy mô quốc gia, nhất là du lịch Tây Nguyên; đồng thời, là dịp để giới thiệu những đặc trưng của bản sắc văn hóa truyền thống mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên; đồng thời, là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch giữa khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung với các địa phương khác (trong nước và kể cả nước ngoài). Nội dung các hoạt động trong Năm Du lịch Tây Nguyên 2014 gồm 4 chương trình chính: Điểm hẹn Tây Nguyên xanh, Hội tụ sắc màu Tây Nguyên, Sắc xuân Tây Nguyên và Di sản văn hóa Tây Nguyên. Với thời gian dự kiến diễn ra trong suốt cả năm 2014, theo ý kiến của nhiều người, 4 hoạt động chính này là cần thiết nhưng có lẽ chưa đủ. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL lưu ý: Tỉnh cần cơ cấu lại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch một cách hợp lý hơn; đặc biệt là cần tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động; các hoạt động cần phải được tổ chức sao cho nổi bật các giá trị văn hóa của vùng đất Tây Nguyên.
Trên tinh thần chỉ đạo đó, theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, ngoài 4 nội dung chính đã được thống nhất (như trên vừa nêu), Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng cần bổ sung thêm 3 nội dung là: Lễ hội văn hóa các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên, Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên và Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Trong 3 nội dung bổ sung này, với riêng Lễ hội văn hóa các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên thì Lâm Đồng đã có không ít kinh nghiệm nhờ ở năm 2003 đã từng tổ chức một sự kiện tương tự. “Lần đó, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện có tên gọi giống như thế - “Lễ hội văn hóa các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên” tại Đà Lạt nhân kỷ niệm 28 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó là lần đầu tiên tại Đà Lạt diễn ra một cuộc hội ngộ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc bản địa sinh sống trên dải đất Trường Sơn – Tây Nguyên này” – ông Nguyễn Vũ Hoàng, tổng đạo diễn chương trình Lễ hội Văn hóa các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên 2003, cho biết. Lễ hội lần đó đã quy tụ khoảng 350 nghệ nhân đến từ 11 tỉnh, thành trong khu vực. Còn với chương trình Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên thì sao? Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng, mặc dầu Lâm Đồng chưa lần nào tổ chức riêng một lễ hội như thế với quy mô lớn nhưng rải rác trong một vài lễ hội hoặc liên hoan (nhất là liên hoan cồng chiêng của tỉnh và khu vực), nội dung “trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số” cũng đã được lồng ghép nên dẫu sao thì đó cũng là những kinh nghiệm rất đáng quý. Mặt khác, mới đây, chương trình trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội cũng sẽ giúp cho Lâm Đồng những kinh nghiệm cần thiết trong lần tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên sắp đến. Và, cuối cùng là Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên: Mới đây – hồi đầu tháng 6.2012, một liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam đã được tổ chức trong 6 ngày tại Huế, và liên hoan đã quy tụ trên 400 nghệ nhân thuộc 19 đoàn nghệ thuật đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tất nhiên, liên hoan nhạc cụ truyền thống được tổ chức tại Huế lần đó là “sân chơi” của những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nên không giống như liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên sắp đến với dự kiến người tham dự liên hoan hầu hết là nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số (không mang tính chuyên nghiệp), nhưng dẫu sao thì đó cũng là “tấm gương” để những nhà tổ chức liên hoan lần này ở Lâm Đồng rút ra nhiều bài học trong khâu thiết kế chương trình, đặt ra nội dung và hình thức để tổ chức.
Như vậy, với tinh thần cầu thị, biết học hỏi và rút kinh nghiệm từ những hoạt động trước đây, các nhà tổ chức sẽ mang lại sự thành công như mong đợi từ 3 nội dung được bổ sung vào các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng 2014 sắp đến!
Khắc Dũng