Du lịch cùng hàm cá mập

03:01, 30/01/2013

Kết hợp mạo hiểm và sinh thái, bơi lặn ngắm cá mập là một công nghiệp du lịch đang phát triển ở Úc, New Zealand, Nam Phi, đảo Guadalupe ngoài khơi Mexico, các quần đảo Bahamas, Maldives, Palau và gần đây là hình thành tự phát ở Oslob thuộc đảo Cebu của Phillipines.

Khi biến thành sản phẩm du lịch, cá mập có giá trị kinh tế cao hơn hẳn khi nấu thành món súp.

Kết hợp mạo hiểm và sinh thái, bơi lặn ngắm cá mập là một công nghiệp du lịch đang phát triển ở Úc, New Zealand, Nam Phi, đảo Guadalupe ngoài khơi Mexico, các quần đảo Bahamas, Maldives, Palau và gần đây là hình thành tự phát ở Oslob thuộc đảo Cebu của Phillipines.

Biểu diễn cho cá mập ăn ở khu du lịch lặn biển quần đảo Bahamas
Biểu diễn cho cá mập ăn ở khu du lịch lặn biển quần đảo Bahamas


Làm giàu nhờ cảm giác mạnh

Là một quốc gia hẻo lánh với 21.000 dân sống trên 300 đảo nhỏ ở tây Thái Bình Dương, Palau không có sức hấp dẫn du lịch nào ngoại trừ lặn biển. Do đó, chi tiêu của du khách quốc tế cho vé máy bay, ăn ở và bơi lặn chiếm tới 39% trong tổng GDP 218 triệu USD của Palau. Và 21% số du khách bơi lặn chọn Palau làm điểm đến chỉ vì muốn xem cá mập sọc trắng, như vậy sản phẩm du lịch cá mập đóng góp khoảng 8% GDP.

Một nghiên cứu công bố đầu tháng 5.2011 của Viện Hải dương học Úc (Australian Institute of Marine Science – AIMS) đã cho biết các số liệu trên và đi đến kết luận: Mỗi con trong khoảng 100 con cá mập đang sống ở các điểm bơi lặn chính của Palau đóng góp mỗi năm cho nước này một giá trị tương đương 179.000 USD, và suốt cả cuộc đời mỗi con cá mập này có trị giá tới 1,9 triệu USD. Nghiên cứu này cũng ước tính rằng nếu bị săn lấy vi và thịt bán đi, 100 con cá mập ấy chỉ có trị giá tổng cộng 10.800 USD.

Palau trở thành thánh địa cá mập đầu tiên của thế giới từ 2009. Trước đó vài năm, chính phủ Palau thậm chí còn tính biến nước này thành một ngư trường với mục đích đánh bắt cá mập để xuất khẩu vi cá! Cư dân Palau hiện nay mỗi năm thu được 1,2 triệu USD từ du lịch cá mập trong khi chính phủ thu được 1,5 triệu USD.

Matt Rand, Giám đốc bảo tồn cá mập toàn cầu của tổ chức môi trường Pew Environment Group (cơ quan tài trợ cho nghiên cứu của AIMS), cho biết: “Rõ ràng là cho dù có mổ xẻ kiểu nào đi nữa thì một con cá mập ở dưới nước vẫn có giá trị lớn hơn tổng số các bộ phận của nó khi xẻ thị đem bán”. Các nghiên cứu tương tự trước đó cũng đi đến kết luận này. Một nghiên cứu tiến hành ở đảo quốc Maldives ở Ấn Độ Dương cũng cho thấy mỗi con cá mập bản địa có giá trị là 33.500 USD đối với chính phủ nước này. Nhận thức được sức thu hút của du lịch, đảo quốc Bahamas ở Đại Tây Dương cũng tự quảng bá mình là “Kinh đô bơi lặn ngắm cá mập của thế giới”.

Ngoại trừ ở Oslob của Philippines, hầu hết các hình thức du lịch cá mập đều khá giống nhau. các nhóm du khách mang đồ lặn và bình dưỡng khí thay phiên nhau chui vào lồng sắt bảo vệ. Lồng sắt được thả xuống dưới mặt nước để du khách quan sát đàn cá mập bơi lội chung quanh và ăn những tảng thịt cắm trên đầu xiên nhọn của các chuyên viên kiêm hướng dẫn viên đang bơi lặn cùng cá mập ở bên ngoài lồng. Những du khách ngại mạo hiểm sẽ quan sát cảnh tượng này từ trên boong tàu du lịch. Cảm giác mạnh đẻ ra tiền!

Cho cá mập ăn tận miệng

Obslob nhanh chóng biến thành một điểm du lịch cá mập quốc tế chỉ trong vòng hai năm qua từ khi một nhóm ngư dân nghèo đánh cá bằng thuyền chèo bắt đầu làm một chuyện phi thường: Họ cho loài cá mập lớn nhất thế giới là cá nhám voi ăn bằng cách trực tiếp đưa thức ăn vào miệng cá.

Tiếng đồn lan nhanh, đầu tiên là với dân bản địa Philippines, rồi lan khắp thế giới khi những ngư dân này bắt đầu thu tiền để đưa du khách đi cùng. Chưa đầy một năm, Oslob bộc phát thành điểm du lịch quốc tế và cùng đồng hành với nó là làn sóng tranh cãi giữa các nhà môi trường, quan chức du lịch cùng các ngư dân – những người khởi xướng mọi chuyện và nay tự xưng là những “Whale Shark Feeders” (những người cho cá nhám voi ăn) hay người dụ cá.

“Không có nơi nào trên thế giới người ta lại cho cá nhám voi ăn kiểu này,” – nhà nghiên cứu Ann Lucey của tổ chức môi trường Ý LAMAVE nhận xét. “Đây là một cơ hội kỳ lạ để được tương tác cận kề với loài cá mập này nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tác động đối với hành vi, chế độ ăn và kiểu mẫu di trú của chúng”.

Theo các giới chức du lịch địa phương, sự phát triển mới mẻ này lại là tin mừng cho loài cá nhám voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Các ngư dân và lũ cá này vốn đang tranh chấp trên cùng một lãnh địa. Cá nhám voi thì lùng sục thứ thức ăn ưa chuộng là các loài nhuyễn thể có rất nhiều ở vùng nước Oslob, còn ngư dân thì lại muốn đánh bắt các loài cá khác cũng sinh sôi ở đó. Khi cá nhám voi bén mảng vào vùng nước này thì ngư dân ngày càng đánh bắt ít cá hơn trước. Họ phải làm cách gì đó để sinh tồn.

Thay vì giết hại những sinh vật khổng lồ này để bán vi cá như thường xảy ra ở các nơi khác trên thế giới, các ngư dân này nghĩ ra cách tốt hơn. Mỗi ngày, một ngư dân sẽ thả những con tôm nhỏ thành vệt dài để dụ đàn cá mập voi ra khỏi vùng nước này trong khi các bạn chài của họ tiếp tục đánh cá. Đã quen làm đến mức thành thục, các Whale Shark Feeders bây giờ lại dụ cá voi bơi thẳng tới đám đông du khách đang chực chờ. Du khách người thì quan sát trên những chiếc thuyền nhỏ, người thì đeo ống thở lặn xuống nước xem những ngư dân bỏ trực tiếp những con tôm tí hon vào những cái miệng há hốc của loài cá mập lớn nhất thế giới này.

Giá dịch vụ du lịch này ở Oslob tăng vọt, ở thời điểm hiện nay là 500 peso (khoảng 12 USD) cho khách nước ngoài ngồi trên thuyền xem cá nhám voi được cho ăn và 1.000 peso (khoảng 25 USD) để bơi và chụp ảnh cùng cá. Dân Philippines chỉ trả nửa giá đó. Giới chức du lịch cũng áp dụng các quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu cho du khách lặn bằng ống thở cũng như số lượng tàu du lịch và du khách trên mỗi tàu. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển du lịch cá mập ở Oslob vẫn là câu hỏi: Con người có nên cho loài cá hoang dã này ăn hay không?

Lợi và hại?

Mỗi năm có hơn 35.000 du khách quốc tế đến Nam Phi, nơi công nghiệp du lịch cá mập đã hình thành và phát triển từ thập niên 1970 của thế kỷ trước. Nhiều người đến Đảo Hải Cẩu của nước này chỉ mong được xem cảnh tượng một con cá mập trắng lớn tung mình khỏi mặt sóng và vồ lấy một con hải cẩu xấu số – món ăn ưa chuộng của loài cá mập này.

Không phải người dân Nam Phi nào cũng ủng hộ ngành du lịch hái ra tiền này. Nhiều người chơi lướt ván tin rằng số vụ cá mập tấn công người ở đây đang tăng lên vì những người làm du lịch dùng mồi và máu cá để dụ cá mập đến, bảo đảm cho các khánh hàng hài lòng với số tiền đã bỏ ra.

Craig Bovim, một cư dân địa phương, nói: “Khi anh lặn xuống trong lồng sắt bảo vệ như một du khách thì anh không gặp rủi ro, nhưng chính anh đang gây rủi ro cho dân địa phương”. Bovim nhiều năm trước đã bị cá mập tấn công nhưng may mắn thoát chết, chỉ mất một phần cánh tay. Bovim từ năm 2005 đã lãnh đạo một nhóm công dân quan ngại chống lại ngành du lịch cá mập. Họ cho rằng việc dùng mồi dụ cá mập để khai thác du lịch đã khiến cho loài cá này đồng hoá con người với thức ăn của chúng.

Bovim nói: “Ai cũng biết là không được cho thú hoang dã ăn. Tại sao loài thú hoang dã duy nhất được cho ăn ở Nam Phi lại là cá mập trắng lớn? Thật kỳ quặc!”. Những vụ cá mập tấn công người khiến nhiều cư dân ủng hộ chiến dịch của Bovim nhằm vận động chính phủ Nam Phi đưa ra luật cấm dùng mồi nhử cho cá mập ăn – những luật tương tự đã được áp dụng ở các bang Florida và Hawaii của Mỹ.

Nhưng những nhà khai thác dịch vụ du lịch cá mập lại cho rằng liên kết chuyện cá mập tấn công người với hoạt động kinh doanh của họ là chuyện lố bịch. Chris Fallows, một người tổ chức tour loại này, cho biết: “Ngư dân đánh cá cũng dùng mồi nhử cá như chúng tôi đó thôi”. Theo ông, chuyện cá mập tấn công người chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng những người quan ngại lại không nghĩ đơn giản như thế và có người quá khích đã đốt cháy chiếc tàu du lịch của Fallows để phản đối du lịch cá mập. Có người lại trút thịnh nộ vào chính loài cá mập. Họ thành lập những đội dân phòng lên tàu ra khơi và bắn bất kỳ con cá mập nào tìm thấy, dù đó có phải là cá mập tấn công người thật sự hay không.

Hành động quá khích này lại cho thấy cá mập lại là nạn nhân của con người. Theo AIMS, mỗi năm, các đoàn tàu đánh cá khắp thế giới đã sát hại hơn 73 triệu con cá mập, chủ yếu chỉ để lấy vi cá mà thôi. Số lượng cá mập đã sụt giảm đến 90% và nhiều loài đang bên bờ tuyệt chủng.

HOÀNG THẢO