Một năm nữa lại trôi qua, nhìn lại hoạt động du lịch của Đà Lạt – Lâm Đồng ta thấy bên cạnh một số kết quả đạt được có cao hơn so với năm trước thì vẫn còn đó nhiều vấn đề đáng bàn để một địa danh vốn nổi tiếng về du lịch gần một thế kỉ nay không phải tụt lại phía sau so với các địa danh khác quanh ta với những nhân tố mới đang vượt lên phía trước.
Một năm nữa lại trôi qua, nhìn lại hoạt động du lịch của Đà Lạt – Lâm Đồng ta thấy bên cạnh một số kết quả đạt được có cao hơn so với năm trước thì vẫn còn đó nhiều vấn đề đáng bàn để một địa danh vốn nổi tiếng về du lịch gần một thế kỉ nay không phải tụt lại phía sau so với các địa danh khác quanh ta với những nhân tố mới đang vượt lên phía trước.
Thung lũng Tình yêu |
Theo địa chí Đà Lạt, từ năm 1906 Hội đồng quốc phòng Đông Dương đã quyết định chọn cao nguyên Langbiang làm nơi nghỉ dưỡng có lẽ là một trong những nơi sớm nhất trên đất nước này. Một năm sau (1907), người Pháp cho xây dựng khách sạn đầu tiên bên hồ (Hotel du Lac). Năm 1918 khởi công xây dựng khách sạn Langbiang Palace, đến năm 1922 khánh thành đưa vào khai thác tiếp khách du lịch. Cùng năm đó khởi công xây dựng khách sạn Langbiang du Parc nay là khách sạn Novotel Dalat, trong khi đó vào năm 1920 tại Dalat đã có Sở nghỉ dưỡng Langbiang và du lịch nam Trung kỳ. Những ghi chép của địa chí về du lịch Đà Lạt đã cho chúng ta thấy hoạt động du lịch ở đây đã xuất hiện từ rất sớm, cũng có thể nói Đà Lạt ra đời là để cho mục đích du lịch và nghỉ dưỡng. Quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt cũng là quá trình phát triển du lịch của chính thành phố này.
Thành phố Đà Lạt đã sắp tròn 120 tuổi thì ngành du lịch Đà Lạt cũng xấp xỉ ở tuổi như thế. Bởi vậy mà cứ nói đến Đà Lạt là người ta nghĩ ngay đó là thành phố du lịch cho dù Tổng cục Du lịch vẫn chưa chính thức công nhận đó là đô thị du lịch. Trong quá khứ đã có lúc du lịch Đà Lạt chiếm một vị trí xứng đáng so với du lịch cả nước, và là niềm mơ ước của ngành du lịch nhiều địa phương khác. Ngay cả trong những năm chiến tranh, chiến sự diễn ra khắp nơi, giao thông thường bị chia cắt, nhưng Đà Lạt hầu như vẫn là một thành phố du lịch yên bình như bản chất của nó, du khách vẫn thường đến nghỉ mát khá đều. Tóm lại có thể nói du lịch Đà Lạt đã từng có một quá khứ vàng son non thế kỷ. |
Những năm nền kinh tế đất nước trong cơ chế bao cấp, ngành du lịch nói chung chủ yếu gồm các công ty quốc doanh và chỉ thực hiện vai trò tiếp khách nội bộ cũng như khách đối ngoại của các cấp lãnh đạo là chính. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường thực hiện chính sách nhiều thành phần kinh tế, nhất là từ khi VN tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), hoạt động du lịch cả nước phát triển phong phú, trăm hoa đua nở và sự cạnh tranh giữa các địa phương, doanh nghiệp cũng trở nên sôi động. Chính vì vậy đã làm cho nhiều địa phương từ trước nay không lấy kinh tế du lịch làm trọng nhưng nay đã xây dựng được những điểm, khu du lịch nổi tiếng, có sức cạnh tranh cao với nhiều dịch vụ hấp dẫn du khách. Nha Trang vốn là nơi du lịch nổi tiếng từ lâu, nay trong hội nhập và cạnh tranh đã không ngủ yên trên lợi thế cũ mà có chính sách thu hút đầu tư tốt để có một hideway, một Vinpearl như những điểm nhấn rất quan trọng thu hút du khách không chỉ cho bản thân doanh nghiệp của mình mà còn cho cả địa bàn. Số khách sạn cao cấp cũng đã vượt hẳn Đà Lạt, cùng với rất nhiều dịch vụ vui chơi mới. Khách quốc tế đến Nha Trang năm 2011 gấp hơn 2 lần so với Đà Lạt. Năm 2011 Đà Lạt có 181.000 lượt khách quốc tế thì Nha Trang có 440.000 lượt. Đà Nẵng một thành phố mới phát triển du lịch sau này nhưng đã thu hút nhiều dự án lớn dọc bờ biển, các làng chài nghèo xưa, nay đã là những khu du lịch hoành tráng. Các dự án du lịch dọc bờ biển từ Mỹ Khê đến bán đảo Sơn Trà trở thành điểm nhấn của hoạt động du lịch thành phố này. Khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2011 là 500.000 lượt, gấp gần 3 lần so với Đà Lạt. Cho đến thời điểm giữa năm 2012 Đà Lạt có 21 KS cao cấp từ 3 đến 5 sao thì Nha Trang có 36 KS, gần gấp đôi Đà Lạt và Đà Nẵng có 45 KS hơn gấp đôi Đà Lạt. Gần chúng ta còn có Phan Thiết, Bình Dương chưa từng có thương hiệu du lịch bao giờ nhưng từ chính sách thu hút đầu tư một cách có hiệu quả, Mũi Né, Hòn Rơm của Phan Thiết và Đại Nam Văn Hiến của Bình Dương đã trở thành những “quả đấm thép” có khả năng thu hút khách khá lớn mà không cần nhiều những dự án nhỏ lặt vặt băm nát môi trường tự nhiên. Khách châu Âu mà chủ yếu là khách Nga đến Phan Thiết năm 2011 trên 300.000 lượt, gấp đôi Đà Lạt. Nếu so sánh về tổng số cơ sở lưu trú thì Lâm Đồng đứng đầu với 733 cơ sở, Nha Trang 507 cơ sở, Đà Nẵng 305 cơ sở chỉ bằng non một nửa của Đà Lạt, Phan Thiết 209 cơ sở chưa bằng 1/3 của Đà Lạt. Ở đây cho chúng ta thấy cơ sở lưu trú ở Lâm Đồng đứng đầu nhưng chủ yếu là nhà nghỉ, nhà khách và nhiều khách sạn không có sao! Nghĩa là cơ sở lưu trú dành cho khách bình dân và khách có mức chi tiêu thấp là chính, trong lúc đó khách sạn từ 3 sao trở lên dành cho khách cao cấp thì lại đứng sau cùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch ở Đà Lạt – Lâm Đồng chủ yếu là đưa khách đi tham quan và chụp hình phong cảnh mà phong cảnh thì cũng đã bị xuống cấp mất mát đi nhiều! Còn các dịch vụ khác đều nhỏ bé, ở trình độ thấp và trùng lắp! Đặc biệt, Đà Lạt chưa có một dự án nào có ý nghĩa là điểm nhấn, là “quả đấm thép” hay như là một đơn vị đầu đàn có khả năng tác động, dẫn dắt ngành du lịch tỉnh nhà như một số nơi nêu trên. Từ đó, ta thấy một thực tế kéo dài là khách đến Đà Lạt gồm khách nội địa nhiều, khách quốc tế ít và phát triển chậm, ngày càng có khoảng cách lớn về phía sau so với các tỉnh bạn. Trong cơ cấu khách nội địa thì chủ yếu là khách bình dân, khách có mức chi tiêu thấp. Một số khách có khả năng chi lớn thì cho rằng: “Lên Đà Lạt không có nơi để tiêu tiền!”. Tình hình vừa nêu cũng dễ hiểu bởi hình như cuộc sống thường có một qui luật là nơi nào trời cho nhiều thứ quá thì cũng dễ sinh tính ỷ lại, ưa cuộc sống an nhàn thiếu tính cạnh tranh. Cũng như vậy, du lịch Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi nhiều nên kinh tế du lịch phát triển sớm nhưng chủ yếu là dựa vào những điều kiện có sẵn của trời cho. Ngủ quên khá lâu trên lợi thế cũ chưa kịp tỉnh giấc thì thiên hạ đã và đang vượt qua mình từ lúc nào. Chưa ai dám đoán chắc điều gì, nhưng chúng ta cũng có thể nêu lên một nỗi lo là nếu với tư duy về du lịch như hiện nay thì tương lai còn xa kinh tế du lịch cũng khó thể trở thành ngành kinh tế động lực. Và khoảng cách giữa du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng với các tỉnh bạn ngày càng được mở rộng theo chiều hướng ta dậm chân tại chỗ còn các nơi khác thì chạy maraton về phía trước! Vấn đề đặt ra là cần có tư duy mới trong chỉ đạo kinh tế du lịch trong thời kỳ mới, chúng ta thử nêu vài suy nghĩ để cùng bàn:
Trước hết, cần khẳng định một cách dứt khoát rằng, việc thu hút đầu tư vào Đà Lạt phải được hướng tới những sản phẩm mới và cao cấp. Và cũng chỉ cần một số ít dự án lớn với sản phẩm mới chất lượng cao chứ không phải cần tới hàng trăm dự án vụn vặt và trùng lắp như hiện nay sẽ tác động xấu đến môi trường không thể lường hết được cho tương lai! |
Không ngủ yên trên lợi thế về tài nguyên du lịch sẵn có như lâu nay. Cần ưu tiên phát triển những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, nghĩa là phải có sản phẩm khác với những gì đã có xung quanh ta và phải thực sự hấp dẫn thì mới có thể thực hiện được việc vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các địa bàn trong khu vực, với cả nước và góp một phần với du lịch quốc gia tham gia hợp tác, cạnh tranh với các nước xung quanh.
Dành ưu đãi tốt nhất cho dự án có sản phẩm độc đáo, có khả năng dẫn đầu ngành du lịch trong việc thu hút khách được xem như một điểm nhấn hoặc như một quả đấm chủ lực có ý nghĩa tác động đến toàn địa bàn.
Lâm Đồng hiện có trên 90 điểm được gọi là thắng cảnh có khả năng đón khách tham quan, trong đó có trên 30 điểm đang khai thác kinh doanh, nhưng hầu như không khác nhau mấy về sản phẩm. Khách đến một vài nơi là quá đủ vì những nơi khác cũng giống nhau na ná như thế. Để phá thế trùng lắp nhàm chán này; mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức xây dựng và hoạt động kinh doanh theo chủ đề mà đơn vị mình mang tên. Cách làm này nếu thực hiện được sẽ dẫn đến sự đa dạng sản phẩm du lịch đồng thời đem lại một nét lãng mạn khác biệt với các địa bàn lân cận chúng ta.
Sân Gofl Đà Lạt - điểm thu hút khách du lịch quốc tế |
Non một thế kỷ qua du khách yêu mến Đà Lạt và đến nơi đây chỉ vì 4 yếu tố: Khí hậu mát mẻ; thiên nhiên thơ mộng; kiến trúc độc đáo và xã hội yên bình (trong đó có yếu tố con người lịch lãm dễ mến). Những tài nguyên du lịch vừa nêu là tài sản quí giá vô cùng của người Đà Lạt nhưng các tài nguyên này đã xuống cấp khá nghiêm trọng và đang tiếp tục mất thêm nhanh chóng. Muốn Đà Lạt vẫn còn là Đà Lạt thì phải kịp thời chặn đứng các tác nhân phá hoại và bằng tâm huyết thực sự của nhà cầm quyền để khôi phục lại những gì đã mất.
Lịch sử ngành du lịch thế giới khẳng định rằng chỉ từ khi con người sáng chế ra đồng tiền xu (để tiện thanh toán) và bánh xe vòng tròn (muốn nói đến giao thông thuận lợi) thì đó mới là lúc hoạt động du lịch bắt đầu hình thành. Điều đó cho thấy giao thông là một yếu tố tham gia có tính quyết định đến du lịch. Ở Đà Lạt, những năm gần đây, đường hàng không phát triển tương đối tốt, nhưng hầu như tất cả những con đường bộ đến Đà Lạt đều xấu. Kể cả con đường mới làm như đường 723 cũng đã thường xuyên lở lói, hư hỏng, sụt lở đèo khá nguy hiểm! Con đường cao tốc ngắn nhất từ sân bay về Đà Lạt cũng đã nhiều sống trâu và lỗ vá… Chừng nào giao thông còn khó khăn mà hoạt động du lịch không giảm sút thì đó mới là điều lạ!
Người ta thường nói con người khác với con vật ở chỗ mọi hoạt động đều mang tính văn hóa mà lãng mạn là nét văn hóa cao của con người, nét lãng mạn được thể hiện ở hầu hết các hoạt động của loài người nhưng có lẽ rõ nét nhất là trong tình yêu và trong hoạt động du lịch. Bởi vậy, nếu thiếu tính lãng mạn từ trong tư duy của những người chỉ đạo, những người có quyền đưa ra những quyết định về du lịch và những người trực tiếp hoạt động kinh doanh du lịch thì yếu tố thất bại đã lẩn quất đâu đó ngay từ đầu.
Vấn đề cuối cùng, hoạt động du lịch là một hoạt động đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực, việc đầu tư và kinh doanh du lịch là việc của các doanh nghiệp chứ cũng không phải việc của Nhà nước. Nhưng tất cả chỉ như là những nhạc công trong một dàn nhạc mà người nhạc trưởng chính là chính quyền, nơi phát ra những chủ trương, chính sách, cấp phép, thu hồi, qui định thủ tục hành chính… quyết định đường đi nước bước của tất cả các hoạt động du lịch địa phương. Dàn nhạc hay hay dở, thành công hay thất bại, nhịp nhàng hay lạc điệu đều do cây đũa trên tay người nhạc trưởng. Hay cách nói khác là giá trị của một dãy số không (0) so với một con số không vẫn là bằng không như nhau, nhưng một khi có con số đứng trước nó thì dãy số không đó sẽ trở thành một lực lượng vô cùng to lớn. Du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đang kỳ vọng vào giá trị thực của con số đứng trước để cất cánh.
TRỌNG NGUYÊN