Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo quy hoạch này, TP du lịch Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng sẽ là “đô thị du lịch” duy nhất của Tây Nguyên và là một trong 12 “đô thị du lịch” của cả nước...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo quy hoạch này, TP du lịch Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng sẽ là “đô thị du lịch” duy nhất của Tây Nguyên và là một trong 12 “đô thị du lịch” của cả nước. Điều đó phần nào nói lên “tầm vóc” du lịch của Đà Lạt trong du lịch vùng Tây Nguyên và trong tổng thể du lịch của cả nước.
Khu du lịch hồ Tuyền Lâm là một trong những điểm dừng chân lý tưởng của du khách. |
* CHIẾM ƯU THẾ TRONG DU LỊCH VÙNG
Đà Lạt có nhiều ưu thế để phát triển du lịch so với các vùng khác trong cả nước. Với núi đồi, hồ thác, rừng thông, rau hoa…, đã từ lâu, Đà Lạt được ví như một thiên đường du lịch không chỉ của riêng Việt Nam.
Xét trong không gian du lịch vùng, Đà Lạt càng có ưu thế. Đó là, Đà Lạt chính là điểm đến của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, trong các tam giác du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt – Phan Thiết (Bình Thuận) (ở cạnh đáy của tam giác này còn có điểm du lịch Ninh Chữ của tỉnh Ninh Thuận rất nổi tiếng), Ninh Chữ - Đà Lạt - TP HCM (ở cạnh đáy là điểm du lịch Phan Thiết); trên vùng Tây Nguyên, Đà Lạt là đỉnh của các tam giác ngược Đắc Nông chạy sang Đắc Lắc đến Gia Lai và Kon Tum là những địa phương có nhiều ưu thế về du lịch xanh và du lịch văn hóa dân tộc bản địa Tây Nguyên. Xét rộng về phía miền Trung và Tây Nam Bộ thì Đà Lạt cũng là đỉnh của một tam giác có cạnh đáy chạy dài từ Huế cho đến tận Minh Hải. Nếu nhìn ở góc độ con đường xanh Tây Nguyên thì Đà Lạt sẽ là điểm bắt đầu của “con đường” chạy xuyên qua rừng để đến Đắc Nông, Đắc Lắc rồi sau đó trải về Gia Lai và Kon Tum. Còn nếu xét dước cái nhìn của con đường di sản văn hóa thì Đà Lạt là trạm dừng chân của “con đường” bắt đầu từ Huế hoặc Đà Nẵng để sau đó xuôi về phía Nam.
Rõ ràng là không có gì phải bàn cãi về ưu thế của du lịch Đà Lạt xét ở mọi góc độ!
* SẼ LÀ ĐÔ THỊ DU LỊCH
Ngoài vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Đà Lạt còn có nhiều ưu thế du lịch là sản phẩm có sự tác động của con người. Đó là một đô thị di sản kiến trúc được đánh giá là có giá trị vào bậc nhất nhì của Việt Nam. Đó là một “thành phố hoa” duy nhất trong cả nước được chọn làm nơi tổ chức festival hoa hai năm một lần. Đó còn là một vựa rau lớn nhất Việt Nam vừa có giá trị kinh doanh thuần kinh tế nhưng đồng thời làm nền tảng thiết yếu để kinh doanh du lịch vườn – một xu hướng kinh doanh du lịch mang lại hiệu quả rất cao trên thế giới hiện nay.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngành du lịch Việt Nam đã chọn Đà Lạt làm một trong 12 “đô thị du lịch” của cả nước trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và 2030. Cũng cần nói thêm, theo quy hoạch này, đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tính chuyên nghiệp với cơ sở vật chất và kỹ thuật đồng bộ và hiện đại; để đến năm 2030, Việt Nam trở thành một quốc gia có ngành du lịch thực sự phát triển. Theo tinh thần này, cả nước sẽ dần hình thành 7 vùng du lịch với 46 khu du lịch quốc gia và 41 điểm du lịch quốc gia. Trong các điểm, khu và vùng ấy, cả nước phải xây dựng cho bằng được 12 đô thị du lịch, trong đó có Đà Lạt. Đà Lạt trong năm 2013 này có nhiều sự kiện liên quan đến du lịch sẽ được tổ chức như kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, festival hoa Đà Lạt lần thứ 5, công bố năm du lịch quốc gia (sẽ tổ chức vào năm sau)… Đây có thể được xem là sự khởi đầu để Lâm Đồng bắt tay vào việc xây dựng Đà Lạt thành một “đô thị du lịch” đúng nghĩa.
Như vậy, xét… tiểu tiết thì du lịch Đà Lạt vẫn còn ngổn ngang lắm nhưng nhìn một cách toàn cục thì Đà Lạt hoàn toàn hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị quốc gia ngang tầm của sự phát triển chung về du lịch của cả nước trong tương lai.
Thi Hoàng