(LĐ online) - Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã xây dựng “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
(LĐ online) - “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Bộ VH-TT-DL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.12.2011. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, về phía địa phương, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã xây dựng “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đến tuần giữa tháng 4.2013 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch này của Sở VH-TT-DL.
Theo kế hoạch triển khai Chiến lược về phát triển du lịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói trên, mục tiêu chung đặt ra là: “Khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, các giá trị văn hoá - lịch sử để phát triển ngành du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, bền vững; nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển”.
Khu du lịch hồ Tuyền Lâm sẽ là “Đà Lạt thứ hai” trong tương lai |
Năm 2030 đón 15 triệu lượt khách
Cũng theo kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trên địa bàn Lâm Đồng, đến năm 2015, Lâm Đồng sẽ đón từ 4,5 – 5 triệu lượt du khách. Con số này trong năm 2012 vừa qua là 3,91 triệu lượt (tăng 10,9% so với năm 2011); trong đó, du khách nước ngoài chiếm hơn 200.000 lượt (tăng 10,7% so với 2011). Quý I năm 2013, theo báo cáo của UBND tỉnh, đã có gần 1,1 triệu lượt khách đến Lâm Đồng; trong đó, khách quốc tế là 66.500 lượt. Đưa ra những con số này để so sánh nhằm chứng minh rằng ngành VH-TT-DL Lâm Đồng trong kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã đề ra những bước đi khá thận trọng, và điều quan trọng hơn cả là bước đi ấy hoàn toàn có cơ sở. Điều này càng được thể hiện rõ khi tham khảo những con số tương tự ở những giai đoạn tiếp theo: Đến năm 2020, Lâm Đồng đón trên 6,5 lượt du khách; trong đó, du khách quốc tế chiếm 15%; và đến năm 2030, các con số đó lần lượt là 15 triệu lượt và 20%.
Cùng đó, số ngày lưu trú bình quân của du khách tại Lâm Đồng và thu nhập xã hội từ du lịch cũng được cân nhắc kỹ trong kế hoạch triển khai của tỉnh: Năm 2015, số ngày lưu trú bình quân là 2,8 ngày mỗi lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 10.000 tỷ đồng. Các con số này của năm 2012 là 2,4 ngày và 3.491 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2011). Dự kiến đến 2020, số ngày lưu trú là 3 ngày và doanh thu xã hội từ du lịch đạt 13.000 tỷ đồng. Và, đến năm 2030, số ngày lưu trú tăng lên 3,2 ngày và doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng. Một trong những “thước đo” của chiến lược phát triển cũng như kế hoạch phát triển du lịch Lâm Đồng nữa là tỷ lệ “sao” của phòng nghỉ thuộc nhóm khách sạn đạt “sao” và tỷ lệ người lao động hoạt động trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn. Theo kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Sở VH-TT-DL xây dựng và vừa được UBND tỉnh phê duyệt nói trên thì đến năm 2015, cả tỉnh có 25.000 phòng nghỉ; trong đó, số phòng nghỉ thuộc khách sạn đạt từ 3 – 5 sao chiếm 50% trong tổng số phòng của các khách sạn đạt “sao” (từ 1 – 5 sao). Cùng đó, cũng đến năm 2015, số lao động hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch là 15.000 người, trong đó có 80% lao động trực tiếp được đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn và ngoại ngữ. Đến năm 2020, cả tỉnh có 35.000 phòng nghỉ, trong đó có 55% số phòng thuộc khách sạn 3 – 5 sao trong tổng số phòng của khách sạn đạt từ 1 – 5 sao; lực lượng lao động sẽ là 20.000 người, trong đó có 90% được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Năm 2030: 50.000 phòng nghỉ, trong đó có 60% phòng khách sạn 3 – 5 sao; 30.000 lao động, trong đó có 95% qua đào tạo.
Đa dạng hoá sản phẩm
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng, trong kế hoạch triển khai, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung “đa dạng hoá sản phẩm” của các giải pháp thực hiện. Theo đó, trước hết là “Đa dạng hoá các loại hình du lịch, tổ chức liên kết hợp tác giữa các cơ sở du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, hình thành các tour, tuyến du lịch nội bộ để phát huy tối đa cơ sở vật chất của các khu du lịch và tránh trùng lắp các sản phẩm du lịch; sắp xếp tổ chức, hình thành doanh nghiệp du lịch mạnh để chi phối hoạt động du lịch gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt”. Bên cạnh đó là việc định hướng đầu tư và nâng cấp các khu và điểm du lịch hiện có theo chuyên đề; mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc giữ gìn, tôn tạo và nâng cấp các danh lam thắng cảnh, khắc phục tình trạng xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai để tạo ra sản phẩm du lịch mới và đặc trưng để phục vụ khách du lịch; ưu tiên đầu tư các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp và tập trung ở Đà Lạt. Cũng là nội dung đa dạng hoá sản phẩm, trong kế hoạch triển khai nói trên, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng còn đặt ra vấn đề về gắn việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển văn hoá và các làng nghề truyền thống; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hoá và thể thao để thu hút du khách; và, đa dạng hoá sản phẩm du lịch dựa trên xây dựng các tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch.
Văn hoá truyền thống các tộc người thiểu số bản địa là một trong những điều kiện thúc đẩy du lịch Lâm Đồng phát triển |
Và, cũng để thực hiện mục tiêu chung, phần về các giải pháp thực hiện, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cũng đã đưa ra các nội dung khác trong kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2030 như giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư, giải pháp về tuyên truyền – quảng bá và xúc tiến du lịch, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, về công tác quản lý nhà nước về du lịch, về kinh phí thực hiện…
Khắc Dũng